Kiến thức Tài chính kế toán Nghịch lý ngành nông nghiệp: nhập nhiều, xuất được bao nhiêu?

Nghịch lý ngành nông nghiệp: nhập nhiều, xuất được bao nhiêu?

34
Với khoảng 70% dân số sống bằng nghề nông, nhiều sản phẩm thuộc Top đầu thế giới, thế nhưng mỗi năm ngành nông nghiêp Việt Nam lại phải chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm, vật tư nông nghiệp. Nghịch lý này diễn ra suốt nhiều năm qua, nhưng ngành nông nghiệp vẫn bế tắc khi chưa thể tìm ra được giải pháp tối ưu cho bài toán này.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa.

Nhập từ A-Z
Nông nghiệp nhiều năm qua được coi là trụ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế với những con số “đẹp”, thế nhưng khi nhìn vào thực tế phát triển của ngành hiện nay, nhất là về thực trạng xuất nhập khẩu người ta không khỏi giật mình. Bởi lâu nay, dù đã xuất khẩu được nhiều sản phẩm nông nghiệp sang các nước trên thế giới nhưng giá trị kim ngạch mà DN Việt Nam thu về chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn so với con số nhập khẩu. Điều này được thể hiện rõ trong những báo cáo xuất nhập khẩu hàng tháng của Bộ NN&PTNT. 
Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Tin học và Thống kê thuộc Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5 ước đạt 2,278 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành trong 5 tháng đầu năm 2014 lên 12,12 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 5,94 tỷ USD, tăng 5,1%. Ngược lại, nhập khẩu toàn ngành trong 5 tháng đầu năm 2014 lên tới 8,56 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt tới 6,72 tỷ USD tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước. 
Có thể kể ra hàng loạt các sản phẩm mà kim ngạch nhập khẩu tương đương, thậm chí lớn hơn cả xuất khẩu. Đầu tiên phải kể tới nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong khi Việt Nam được coi là “cường quốc” về xuất khẩu gạo, thì ngành chăn nuôi lại phải nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn. Chỉ tính riêng trong năm 2013, nước ta đã thu về 2,95 tỷ USD nhờ xuất khẩu gạo nhưng lại phải bỏ ra tới 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, nếu tính cả lượng nhập khẩu ngô, đậu tương và lúa mì thì con số này lên tới trên 4 tỷ USD, gấp trên 1,5 lần xuất khẩu.
Ngay cả với thủy sản, Việt Nam được ghi nhận là nước cung cấp lớn thứ 4 thế giới với khả năng cạnh tranh cao, đang và sẽ trở thành điểm đến của nhiều nhà nhập khẩu thế giới, nhưng mỗi năm ta vẫn phải chi hàng trăm triệu USD nhập khẩu nguyên liệu. Trong khi giá trị xuất khẩu tháng 5 đạt 552 triệu USD, lũy kế 5 tháng đầu năm 2014 lên 2,83 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2013, thì giá trị nhập khẩu thủy sản tháng 5/2014 cũng lên tới 82 triệu USD, tính chung 5 tháng đầu năm con số này là 431 triệu USD, tăng 85,7% so với cùng kỳ năm 2013. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận rằng, hiện nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đủ đáp ứng khoảng 70-75% nhu cầu cho chế biến xuất khẩu. Do đó, để duy trì năng lực cạnh tranh và tạo công ăn việc làm, nhiều DN đã phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước.
Ngoài ra, nước ta còn phải nhập rất nhiều vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật. Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc nhập khẩu thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật đã đến mức báo động khi hiện có tới 99% thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng được nhập khẩu từ nước ngoài, bình quân mỗi năm nhập khẩu khoảng 70.000 tấn.
Điểm tựa phải là chính sách
Khi phân tích các nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp nhập siêu một số sản phẩm, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, ở nước ta, lâu nay các cơ quan quản lý chưa có kế hoạch để trồng cây làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ngay cả quy hoạch đất cho chăn nuôi cũng chưa có. Chính vì thế, cần phải đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả hoàn toàn có thể chuyển sang trồng các cây lương thực khác, phục vụ cho chăn nuôi. Mặt khác, việc nhập khẩu nguyên liệu nông sản, vật tư nông nghiệp cần phải có hàng rào kỹ thuật, không thể nhập khẩu ồ ạt những mặt hàng không thiết yếu như hiện nay. Cùng với đó, cần có chính sách đồng bộ thúc đẩy các ngành hàng sản xuất trong nước, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.
Dưới góc độ của DN, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – chi nhánh Cần Thơ chia sẻ quan điểm, Nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đầu tư đúng mức cho nông nghiệp, bao gồm đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, các ngành cung cấp đầu vào, các ngành sử dụng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ phân phối. Nhà nước phải tạo ra thể chế chính sách bảo đảm vận hành của thể chế thị trường, cung cấp thông tin, dự báo và công tác quy họach.
Nhìn nhận tổng quát, hệ quả tất yếu của một nền nông nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ khiến đầu vào trong sản xuất tăng cao, sản xuất bấp bênh, đời sống người nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì thế, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần phải có sự thay đổi cơ bản trong việc hoạch định lại chính sách phát triển, cũng như thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế cả trong hiện tại và tương lai.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không