Kiến thức Tài chính kế toán Hối đoái là gì? Đặc điểm của tỷ giá hối đoái

Hối đoái là gì? Đặc điểm của tỷ giá hối đoái

1458
hối đoái là gì

Hối đoái là gì? Hãy cùng MISA SME tìm hiểu bài viết dưới đây để nắm rõ hơn về khái niệm này cũng như nguyên tắc xác định tỷ giá hối đoái hiện nay.

1. Hối đoái là gì?

Hối đoái (exchange) là công cụ để thanh toán tiền mua hàng hóa và dịch vụ trên một thị trường.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Thị trường hối đoái là nơi thực hiện việc mua và bán, trao đổi ngoại hối, chủ yếu là hoạt động mua bán, trao đổi ngoại tệ thông và được hoạt động thông qua sự giao thoa giữa cung và cầu ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của các thực thể kinh tế và đồng thời xác định các điều kiện giao dịch, bao gồm giá cả và số lượng ngoại tệ được mua bán.

Thị trường hối đoái trên toàn cầu đã phát triển thành hai hệ thống quan trọng: hệ thống hối đoái Anh – Mỹ và hệ thống hối đoái châu Âu.

  • Theo hệ thống Anh – Mỹ, thị trường hối đoái có tính chất biểu tượng, trong đó giao dịch ngoại hối thường xuyên diễn ra giữa một số ngân hàng và những người môi giới. Quan hệ này có thể tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông như điện thoại và telex.
  • Theo hệ thống lục địa châu Âu, thị trường hối đoái thường có địa điểm cụ thể. Mỗi ngày, những người tham gia mua bán ngoại hối tới đó để thực hiện giao dịch và ký kết hợp đồng. Các ngân hàng thương mại lớn có chi nhánh ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong thị trường hối đoái. Các ngân hàng này chuyên về giao dịch ngoại hối, trong khi các ngân hàng khác thường tham gia dưới sự chỉ đạo của những ngân hàng lớn này.

2. Tỷ giá hối đoái là gì? Cơ quan công bố tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái (còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ) giữa hai tiền tệ là tỷ giá mà tại đó một đồng tiền này sẽ được trao đổi cho một đồng tiền khác. Nó cũng được coi là giá cả đồng tiền của một quốc gia được biểu hiện bởi một tiền tệ khác (Theo Wikipedia).

Căn cứ theo khoản 14 Điều 2 Nghị định 102/2022/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt nam trong việc quản lý hoạt động ngoại hối như sau:

“a) Quản lý hoạt động ngoại hối trong các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối; hoạt động ngoại hối khu vực biên giới theo quy định của pháp luật;

b) Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước theo quy định của pháp luật; mua bán ngoại hối trên thị trường trong nước vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia; mua, bán ngoại hối với ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế và các nguồn khác; mua, bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và thực hiện giao dịch ngoại hối khác theo quy định của pháp luật;

c) Công bố tỷ giá hối đoái; quyết định chế độ tỷ giá hối đoái, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái;

d) Cấp, thu hồi văn bản chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

đ) Quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài theo quy định của pháp luật…”

>> Xem Thêm: Phần mềm kế toán phổ biến nhất MISA SME

3. Các trường hợp phát sinh chênh lệch tỷ giá hối đoái và các loại tỷ giá hối đoái sử dụng trong doanh nghiệp

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Thông tư 200/2014/TT-BTC về tài khoản 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái quy định:

“1.1. Chênh lệch tỷ giá hối đoái là chênh lệch phát sinh từ việc trao đổi thực tế hoặc quy đổi cùng một số lượng ngoại tệ sang đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá hối đoái khác nhau. Chênh lệch tỷ giá hối đoái chủ yếu phát sinh trong các trường hợp:

– Thực tế mua bán, trao đổi, thanh toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ trong kỳ;

– Đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập Báo cáo tài chính;

– Chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam.

1.2. Các loại tỷ giá hối đoái (sau đây gọi tắt là tỷ giá) sử dụng trong kế toán

Các doanh nghiệp có nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ phải thực hiện ghi sổ kế toán và lập Báo cáo tài chính theo một đơn vị tiền tệ thống nhất là Đồng Việt Nam, hoặc đơn vị tiền tệ chính thức sử dụng trong kế toán. Việc quy đổi đồng ngoại tệ ra đồng Việt Nam phải căn cứ vào:

– Tỷ giá giao dịch thực tế;

– Tỷ giá ghi sổ kế toán.

Khi xác định nghĩa vụ thuế (kê khai, quyết toán và nộp thuế), doanh nghiệp thực hiện theo các quy định của pháp luật về thuế.”

4. Nguyên tắc xác định tỷ giá hối đoái

Căn cứ điểm 1.3 khoản 1 điều 69 Thông tư 200/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 53/2016/TT-BTC quy định về nguyên tắc xác định tỷ giá hối đoái như sau:

a) Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ:

  • Tỷ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ (hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi): Là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại;
  • Trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể tỷ giá thanh toán:

+ Doanh nghiệp ghi sổ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế: Khi ghi nhận Khoản góp vốn hoặc nhận vốn góp là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài Khoản để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn; Khi ghi nhận nợ phải thu là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời Điểm giao dịch; Khi ghi nhận nợ phải trả là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời Điểm giao dịch; Khi ghi nhận các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các Khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các tài Khoản phải trả) là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán.

+ Ngoài tỷ giá giao dịch thực tế nêu trên, doanh nghiệp có thể lựa chọn tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá mua bán chuyển Khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch. Tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo chênh lệch không vượt quá +/-1% so với tỷ giá mua bán chuyển Khoản trung bình. Tỷ giá mua bán chuyển Khoản trung bình được xác định hàng ngày hoặc hàng tuần hoặc hàng tháng trên cơ sở trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển Khoản hàng ngày của ngân hàng thương mại.

Việc sử dụng tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo không làm ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kỳ kế toán.

b) Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các Khoản Mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời Điểm lập Báo cáo tài chính:

  • Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các Khoản Mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là tài sản: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời Điểm lập Báo cáo tài chính. Đối với các Khoản ngoại tệ gửi ngân hàng thì tỷ giá thực tế khi đánh giá lại là tỷ giá mua của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài Khoản ngoại tệ.
  • Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các Khoản Mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là nợ phải trả: Là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời Điểm lập Báo cáo tài chính;
  • Các đơn vị trong tập đoàn được áp dụng chung một tỷ giá do Công ty mẹ quy định (phải đảm bảo sát với tỷ giá giao dịch thực tế) để đánh giá lại các Khoản Mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phát sinh từ các giao dịch nội bộ.
  • Trường hợp doanh nghiệp sử dụng tỷ giá xấp xỉ quy định tại Điểm a Khoản này để hạch toán các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ, cuối kỳ kế toán doanh nghiệp sử dụng tỷ giá chuyển Khoản của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch để đánh giá lại các Khoản Mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Tỷ giá chuyển Khoản này có thể là tỷ giá mua hoặc bán hoặc tỷ giá mua bán chuyển Khoản trung bình của ngân hàng thương mại.

Trên đây là các nội dung về hối đoái là gì? Các trường hợp phát sinh chênh lệch tỷ giá hối đoái cũng như nguyên tắc xác định tỷ giá hối đoái. Hi vọng với những nội dung kể trên sẽ giúp bạn đọc nắm được các thông tin hữu ích về khái niệm hối đoái.

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không