Việc tham dự phỏng vấn tuyển dụng làm bạn âu lo đến toát cả mồ hôi? Đừng ngại ngùng khi thú nhận điều này vì thật ra đó là tâm lý chung của đa số ứng viên.
Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?
Đây thật sự là cơ hội để bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng (NTD). Bạn cần trình bày ngắn gọn và cô đọng về điểm mạnh, năng lực của bạn và những gì bạn có thể đóng góp cho công ty. Tuy nhiên, bạn không nên trả lời câu hỏi này một cách chung chung, chẳng hạn: “Tôi làm việc rất chăm chỉ và nhiệt tình”. Hãy tạo sự khác biệt cho bản thân bằng cách giới thiệu những phẩm chất chỉ bạn mới có và bắt đầu câu trả lời với “Tôi chính là người phù hợp nhất cho vị trí này vì ….”
Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty chúng tôi?
Đây là một trong những câu hỏi mà NTD hay dùng để kiểm tra xem bạn có chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn hay chưa. Bạn đừng bao giờ dự một buổi phỏng vấn mà không biết tí gì về công ty, đường hướng phát triển và hoạt động kinh doanh của nó nhé! Nếu bạn đã tìm hiểu, nghiên cứu về công ty, câu hỏi này sẽ cho bạn cơ hội để thể hiện tinh thần chủ động cũng như chứng tỏ kinh nghiệm và năng lực của bạn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của công ty.
Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Hãy thành thật khi đề cập đến điểm yếu của bạn, nhưng đừng quên chứng tỏ bạn có thể biến nó thành điểm mạnh. Ví dụ: nếu trước đây bạn từng làm việc với hiệu quả chưa cao thì hãy trình bày những việc bạn đã làm để cải thiện điều này. NTD sẽ nhận ra bạn là người dám thừa nhận những điểm yếu của mình và luôn tìm cách để hoàn thiện bản thân.
Tại sao bạn lại rời bỏ công việc cũ?
Ngay cả khi bạn rời bỏ công việc cũ với tâm trạng không vui, bạn cũng không nên trả lời câu hỏi này với thái độ tiêu cực. Hãy khéo léo né tránh đề cập đến những điều bạn không hài lòng về công việc cũ. Còn nếu bạn thật sự muốn đề cập, hãy cố gắng trình bày chúng cùng với một số điểm tích cực để cân bằng. Việc than phiền không dứt về công ty cũ sẽ khiến NTD không đánh giá cao thái độ làm việc của bạn.
Hãy mô tả một tình huống khó khăn bạn từng gặp phải và cách bạn đã xử trí
Đôi lúc, bạn sẽ không biết trả lời câu hỏi này như thế nào, đặc biệt là khi bạn mới ra trường và chưa có kinh nghiệm. Khi hỏi câu này, NTD muốn biết bạn có khả năng tư duy để tìm ra giải pháp cho tất cả vấn đề bạn gặp phải hay không. Ngay cả khi vấn đề của bạn là không có đủ thời gian để học tập, nghiên cứu, bạn cũng cần cho NTD thấy cách bạn đã điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong lịch làm việc của mình để giải quyết nó. Việc này chứng tỏ bạn là người có tinh thần trách nhiệm và có thể tự mình tìm ra giải pháp cho vấn đề gặp phải.
Bạn tự hào nhất về thành tích nào của mình?
Khi trả lời câu hỏi này, bạn nên chọn một thành tích liên quan đến nghề nghiệp và phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển để giới thiệu. Hãy ngẫm nghĩ về những phẩm chất công ty đang tìm kiếm ở ứng viên và tìm ra một ví dụ phù hợp nhất để chứng tỏ bạn chính là người công ty đang cần.
Bạn đề nghị mức lương ra sao?
Đây là một trong những câu hỏi khó nhất, đặc biệt là đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc đầu tiên cần làm trước khi dự phỏng vấn là nghiên cứu mức lương phổ biến trong ngành nghề của bạn để ước lượng con số mình nên đề nghị. Hãy trình bày rõ ràng với NTD rằng bạn sẽ chỉ bàn thảo chi tiết về lương bổng khi đã nhận được lời đề nghị tuyển dụng. Nếu NTD thúc ép bạn đưa ra một câu trả lời cụ thể, bạn hãy đưa ra một mức lương kiểu “khoảng” hơn là một con số chính xác.
Hãy kể cho tôi nghe đôi điều về bạn
Khi hỏi câu này, NTD không hề muốn nghe bạn kể “tràng giang đại hải” về quê hương của bạn hay những việc bạn đã làm vào cuối tuần. Vì thế, bạn hãy mô tả ngắn gọn về bản thân, kinh nghiệm làm việc và mục tiêu nghề nghiệp của bạn rồi kết thúc bằng việc khẳng định sự khát khao được làm việc cho công ty. Nếu bạn đã chuẩn bị kỹ câu trả lời thì câu hỏi này chính là cơ hội tốt để bạn nhấn mạnh thêm năng lực của mình.
Kế tiếp, bạn nên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi về công ty và công việc của bạn. Việc này sẽ tạo ấn tượng tốt cho NTD vì họ nghĩ bạn thật sự quan tâm đến vị trí này.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, nếu bạn không biết rõ đường đi đến địa điểm phỏng vấn thì trước khi gặp NTD vài ngày, bạn nên đi trước để dò đường. Việc này còn giúp bạn ước lượng được khoảng thời gian cần thiết để đến địa điểm phỏng vấn đúng giờ.
Theo Socola
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông