Mọi người thường nói, có vấp ngã mới giúp ta trưởng thành và điều này đặc biệt đúng với môi trường công sở. Ví dụ, bạn đi làm muộn vào buổi sáng, điều này có thể không khiến bạn bị sa thải nhưng nếu việc này lặp lại liên tục thì rất có thể đấy.
Thậm chí, với những sếp dễ tính nhất thì một trong những hành động dưới đây cũng khó được họ chấp nhận:
1. Không coi trọng thời gian
Mỗi công ty có những quy tắc và văn hoá ứng xử khác nhau. Với sếp ở công ty A đi làm muộn 10 phút có thể không phải vấn đề lớn nhưng với công ty B thì đó có thể là hành động thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong công việc. Tuy nhiên việc đến muộn trong các cuộc họp, trễ thời gian công việc thì lại là những hành động không thể chấp nhận được ở bất kỳ công ty nào. Nó cho thấy sự thiếu tôn trọng của bạn đối với công việc và thời gian của các đồng nghiệp khác.
2. Làm việc riêng trong giờ làm việc
Hầu hết các công ty ngày nay đều trang bị cho mỗi nhân viên một máy tính có nối mạng nhằm phục vụ công việc có hiệu quả hơn. Và hầu hết các sếp cũng đều cho phép nhân viên sử dụng một lượng thời gian nhất định trong giờ làm việc để kiểm tra thư cá nhân, đọc báo giải trí… Tuy nhiên nếu bạn quá lạm dụng quy định này và xếp công việc công ty đứng thứ 2 so với việc riêng của bạn thì chắc chắn sẽ khiến sếp suy nghĩ lại về việc tiếp tục thuê bạn nữa hay không?
3. Không biết rõ công việc của mình
Khi công ty thuê bạn về, họ muốn bạn hoàn thành tốt trách nhiệm của công việc đó. Trong thời gian đầu, có thể các sai lầm và thiếu hiểu biết có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau 6 tháng làm việc mà bạn vẫn tiếp tục hỏi mọi người rằng bạn nên làm gì và làm như thế nào với công việc này, công việc kia thì bạn nên chuẩn bị sẵn tinh thần để đi tìm một công việc mới.
4. Luôn muốn mình nổi bật
Như một đứa trẻ luôn muốn được người lớn khen ngợi mỗi khi làm điều gì đúng. Bạn luôn tìm cách khiến không chỉ sếp mà tất cả đồng nghiệp phải chú ý và trầm trồ về kết quả công việc hay các ý tưởng mới lạ của bạn. Tất nhiên chúng ta nên hoan nghênh điều hay nhưng nếu việc này trở thành sự bắt buộc và thái quá sẽ khiến các đồng nghiệp nhìn bạn bằng con mắt thiếu thiện cảm và sếp sẽ cho rằng bạn là một nhân viên quá tự cao. Một người thực sự thành công không bao giờ cư xử như vậy.
5. Quá thành thật
Tất nhiên nói ra sự thật là điều tốt và đúng đắn. Tuy nhiên không phải lúc nào sự thật cũng là sự lựa chọn số 1 cho tất cả các vấn đề. Bạn nên giữ một vài điều như là bí mật cho bản thân, đặc biệt như là những ý nghĩ của bạn về sếp. Bạn không thể nói với các đồng nghiệp rằng “Sếp của chúng ta còn thiếu kinh nghiệm trong việc điều hành và quản lý công việc” hay “Chị A lúc nào cũng đi làm muộn mà sếp không phàn nàn gì”…
6. Đi nghỉ khi biết công ty đang “ngập” trong công việc
Mặc dù bạn chưa lấy hết ngày phép của năm nay và bạn có quyền được nghỉ nhưng đây là cách nhanh nhất khiến uy tín của bạn bị giảm trước sếp và các đồng nghiệp khác. Khi công ty đang bận rộn và rất nhiều công việc sắp đến thời hạn nộp cho khách hàng thì bạn lại đi nghỉ. Điều đấy cho thấy bạn thiếu nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc vì thế không sớm thì muộn sếp sẽ tìm lý do hợp lý để sa thải bạn.
7. “Phản bội” lòng tin của người khác
Khi một đồng nghiệp hoặc sếp chia sẻ một thông tin riêng tư với bạn có nghĩa rằng họ đã rất tin tưởng và yêu mến bạn. Thế nhưng bạn lại đi kể lại với những người khác về thông tin đó. Đây là cách nhanh nhất “giúp” bạn chứng tỏ rằng bạn là người thiếu tin cậy và từ đó họ sẽ cẩn trọng với bạn không chỉ trong chuyện riêng mà cả trong công việc. Và không một sếp nào luyến tiếc khi cho nghỉ việc một nhân viên không đáng tin cậy như vậy.
8. Khiến sếp “mất mặt”
Từ trước đến nay bạn luôn cư xử đúng mực với sếp của mình và sếp cũng không hề có ác cảm gì với bạn. Tuy nhiên, bạn lại vô tình có một hành động nào đó trước mặt sếp của sếp bạn và khiến ông/bà ấy mất mặt thì chắc chắn việc ra đi của bạn là tất yếu.
9. Luôn cho rằng mình có lợi thế
Bất kỳ một nhân viên nào mà có ý nghĩ rằng họ là người giỏi và công ty này may mắn mới có được họ thì những người này không bao giờ có thể thành công trong sự nghiệp và cũng không thể tồn tại lâu trong công việc đó. Vì thế hãy tôn trọng các quy tắc chung, sống chan hoà, thân thiện với các đồng nghiệp nếu bạn muốn giữ được công việc đó.
Theo Diendanquantri
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông