Kiến thức Tiếng vọng Nghệ thuật Câu cá và Kinh doanh

Nghệ thuật Câu cá và Kinh doanh

185
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
 
 TS. Nguyễn Tuấn Hoa
Chuyên gia tư vấn giải pháp CNTT

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa là chuyên gia phân tích, thiết kế các hệ thống
thông tin, thẩm định, đánh giá, giám sát triển khai các dự án Công nghệ
thông tin, các cổng thông tin, nghiên cứu công nghệ nội dung… Đồng
thời, ông cũng là nhà tư vấn có tiếng về chiến lược phát triển Công nghệ
thông tin. “Nghệ thuật câu cá và kinh doanh” là những chiêm nghiệm, đúc
kết quý giá mà Tiến sỹ Tuấn Hoa dành cho CBNV MISA như một bài học kinh
nghiệm giúp MISA vững vàng trong giai đoạn kinh tế khó khăn. BBT xin
trân trọng giới thiệu cùng độc giả Tre làng.

Câu chuyện câu cá

Tôi bắt đầu đi câu từ rất sớm, năm 7 tuổi. Không ai bày vẽ, nhưng ngay từ những ngày đầu tiên đi câu tôi viết “Nhật ký đi câu” trong một cuốn sổ nhỏ. Lúc đầu là những dòng chữ nghệch ngoạc bằng mực tím “Hôm nay đi câu ở ao Chùa được con cá rô…”. Sau đó, theo năm tháng, tôi để ý đến màu nước, độ sâu của nước, chiều gió, các loại tăm cá, các loại mồi câu, thời điểm câu, vị trí câu, được những con cá gì, mất cá trong trường hợp nào, trải nghiệm với cần câu, vó, lưới, nơm, ống trúm, lờ, đăng,… Cứ như thế suốt 10 năm thì cuốn “Nhật ký đi câu” của tôi đã dày cộm thành một bọc gồm đủ loại giấy từ sổ tay, giấy đánh máy một mặt, giấy vở học sinh. Năm 1967 tôi sang Châu Âu du học, nhà tôi bị bom, lúc dọn dẹp ba mẹ tôi không chú ý đến cái bọc giấy cũ kỹ ấy nên sau này tôi không thể tìm ra nó, tuy thế, mọi thứ đã in sâu trong tâm trí của tôi.

Đi qua một cái hồ nhìn liếc qua, tôi biết gần đúng nước sâu hay nông, có cá hay không, cá gì, đang kiếm ăn ở chỗ nào, câu bằng mồi gì,… Nhiều người không tin bảo tôi giải thích, tôi nói rằng tất cả là đúc kết từ những trải nghiệm thực tế và có thể kiểm chứng. Nước thẫm thì sâu, đo độ sâu thì nhặt hòn đá ném xuống hồ, bọt nổi lên càng lâu thì nước càng sâu, tăm cá mỗi loài một khác, cá chép tăm tròn và đơn, cá giếc tăm nhỏ li ti nổi thành đám nhỏ, tăm rô lấm tấm, tăm trê sùng sục, mè không có tăm,… cá chép thích mồi khoai, cá giếc ưa giun đỏ, cá trê hám mồi ươn tanh, cá rô chuộng mồi thính,… điểm câu tốt nhất là cuối gió vì gió đẩy thức ăn về hướng đó. Khi đi câu, mọi việc chuẩn bị cũng để chờ đến lúc giật cá, phải giật đúng thời điểm thì mới dính cá, sớm không được mà trễ cũng hỏng ăn. Giật được cá rồi thì phải biết dòng cho cá mệt mới bắt được, cương với nó thì đứt dây, tiếc mãi. Ngày trước ao hồ còn sẵn, cá tôm vô kể, tôi đi câu theo … đơn đặt hàng của cả gia đình lẫn hàng xóm, người thích chép về nấu dưa, người chờ lươn về nấu cháo, xong tất. Người ta khen tôi sát cá, còn tôi hiểu rằng cái đó do tích lũy mà có chứ tự nhiên đi câu thì về không là cầm chắc.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
TS. Nguyễn Tuấn Hoa (Thứ 4 từ trái qua) trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo và CBNV MISA tại Hà Nội

Câu chuyện kinh doanh

Thú thực là tôi chưa bao giờ kinh doanh một thứ gì cả, nhưng tôi lại thường xuyên làm việc với các doanh nhân. Là một nhà phân tích hệ thống có thâm niên hơn 30 năm, tôi giúp họ phân tích toàn bộ hoạt động kinh doanh của họ để tìm ra những khiếm khuyết nhằm khắc phục và nhất là tìm hướng đi mới, giải pháp mới phù hợp với từng doanh nghiệp. Để hiểu sâu hơn những vấn đề mà doanh nhân phải đối mặt tôi đi học thêm các kỹ năng mềm (soft skills) và nhanh chóng nhận ra rằng những kỹ năng mềm đó rất gần với kỹ năng câu cá của tôi!

Này nhé, nghiên cứu thị trường là quan sát mặt hồ (nước nông hay sâu, có tăm hay không, gió thổi hướng nào, có các loại cá gì,…), tiếp thị là rải thính nhử cho con cá tới, muốn câu con gì thì rải loại thính mà nó thích như chép không cưỡng lại được mùi mộng thóc, rô phi rất ưa cám ngô rang cháy trộn mẻ, trắm đen mê ốc quên đường về,…, hàng mẫu là mồi, con cá rỉa một chút, nếm thử, hài lòng và xơi luôn, quyết định là giật cá, thương lượng là dòng cá, hậu mãi là thả cá vào giỏ rộng rãi ngâm dưới nước cho cá sống khỏe, tươi rói,… Khi làm bài thi tốt nghiệp khóa đào tạo kỹ năng mềm tại trường đại học North CarolinaWimington , Hoa Kỳ, tôi đã làm cho các giáo sư trợn tròn mắt kinh ngạc là mọi “case study” của tôi đều gắn với… câu cá! Đến mức họ quyết định đi câu để kiểm nghiệm các kỹ năng mà họ là bậc thầy. Tất nhiên, ngoài bờ biển thì ‘sao lại đổi ngôi”, họ gọi tôi bằng thầy (vì chúng tôi cũng sàn sàn tuổi nhau). Được các thầy khuyến khích, tôi mạnh dạn mang những kỹ năng mềm đó đến với các doanh nhân là thật không ngờ, tác dụng trông thấy.

Bạn có thấy nhiều nguyên thủ quốc gia thích phô diễn hình ảnh mình đi câu như Putin, Medvedev hay Bush không? Thực ra, họ muốn chứng minh có thừa những tính cách mạnh của chính trị gia: kiên trì, sáng suốt, mạnh mẽ, quyết định đúng thời điểm.

Là các đệ tử của MISA, các bạn sẽ tham gia phát triển công ty của mình hùng mạnh như thế nào? Chắc các bạn sẽ hỏi lại tôi rằng với kinh nghiệm câu cá nêu trên, tôi sẽ có những hướng dẫn gì đúng không? Vài lời góp ý để cùng suy ngẫm nhé:

  • Thị trường: Hẹp trong nước, trung bình khu vực, rộng quốc tế.
  • Khách hàng: Cá nhân hóa, ưu tiên nông nghiệp.
  • Môi trường: Trực tuyến, mass.
  • Nguyên tắc kinh doanh: Bán dịch vụ, cho sản phẩm.
  • Phát triển: Tích hợp với các nhu cầu thiết yếu của khách hàng.

Chúc MISA và các bạn thành công!

TS. Nguyễn Tuấn Hoa

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không