Kiến thức Đãi ngộ Làm gì khi bạn bị sếp “xem thường”?

Làm gì khi bạn bị sếp “xem thường”?

887
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNhiều nhân viên cho rằng nhất nhất mọi chuyện đều phải hỏi ý kiến, báo cáo sếp để tỏ lòng kính trọng và để sếp đừng nghĩ rằng họ muốn qua mặt sếp. Họ nghĩ rằng lời của sếp là quyết định cuối cùng, không cần phải chỉnh sửa hay bàn cãi gì nữa. Bạn có biết đó là những lối suy nghĩ khiến cho nhiều sếp bực mình?

Hãy kiểm tra xem bạn có “quen” với những tình huống này không nhé:

1. Hỏi sếp những câu mà bạn có thể tự trả lời được

Một sếp than phiền rằng “Tôi nhận hàng trăm câu hỏi từ các nhân viên mỗi ngày. Phần lớn đó là những câu hỏi mà nhân viên của tôi có thể tự trả lời được. Họ đúng là những kẻ lười biếng!”

Đó là sự thật mà các nhân viên dường như vô tình không biết. Thông thường, nhân viên hỏi sếp cả 1001 câu hỏi vì họ cảm thấy không đủ tự tin để giải quyết vấn đề. Tâm lý này rất thường gặp ở nhân viên, một phần vì họ không đánh giá được thực lực của mình, hoặc vì họ muốn có sự ủng hộ của sếp để ra quyết định “chắc cú” nhất. Tuy nhiên, các sếp lại đánh giá thấp những nhân viên như thế.

Vì vậy, trước khi đặt câu hỏi, hãy hỏi chính bản thân: “Liệu sếp có thể trả lời tất cả các câu hỏi này tốt hơn mình không?” Chính bạn là người hiểu công việc của mình hơn ai khác, và bạn vẫn là người biết cách xoay sở công việc tốt nhất.

2. Không đề xuất cách giải quyết các vấn đề gặp phải

Một nhà quản lý khác nhận xét “Các nhân viên thường đến gặp tôi với những vấn đề khó khăn và mong chờ tôi đưa ra một giải pháp. Đúng là họ chẳng chịu động não gì cả!”

Đừng mang “khó khăn” đến cho sếp mà không có đề xuất giải quyết nào. Sếp đánh giá thấp những nhân viên lười “động não” lúc nào cũng chỉ mang chuyện khó khăn đến với ông ta mà chẳng chịu suy nghĩ hướng giải quyết. Bạn sẽ tạo ấn tượng tốt với sếp nếu bạn đến với những vấn đề thực sự khó khăn và đưa ra đề xuất giải quyết hợp lý.

3. Không bao giờ biết nói lời “Xin lỗi”

Một nhân viên phạm lỗi chưa hẳn là người “sa cơ lỡ vận”. Chính những nhân viên phạm lỗi mà không biết thừa nhận lỗi là những người bị sếp “điểm mặt ghi tên” trong lòng nhiều nhất.“Tôi thật sự trân trọng những nhân viên biết thừa nhận trách nhiệm cho những sai lầm của họ” một nhà quản lý nói.

Khởi đầu bằng một lời xin lỗi có thể khiến bạn trông “yếu kém” trước mắt nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ “Nhân vô thập toàn”. Điều quan trọng là bạn biết thừa nhận sai lầm của mình và có hướng giải quyết cụ thể. Bạn hãy tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân dẫn đến sai lầm và tìm ra phương án giải quyết.

Sau đó, hãy tự tin nói với sếp “Tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết vấn đề này một cách tốt hơn bằng phương án sau…” hoặc “Tôi nghĩ tôi có thể làm cho dự án này khác với dự án cũ với cách tiếp cận này…” Sếp của bạn chắc chắn sẽ hài lòng vì bạn biết cách sửa đổi sai lầm để cải thiện vấn đề.

4. Dễ xúc động và không kiềm chế được cảm xúc

Sếp là người bận rộn trăm công nghìn việc, vì vậy họ thật sự chán ngấy những email “sướt mướt” của nhân viên vì những lý do đâu đâu.

Có thể sáng nay bạn vừa bị sếp phê bình vì một lỗi lầm của kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó (chỉ có sếp là không biết đó không phải là bạn). Bạn cảm thấy bất mãn ghê gớm phải không? Thế nhưng bạn đừng gởi ngay cho sếp email để thanh minh thanh nga trong lúc tâm trạng của bạn đang buồn phiền và thất vọng.

Nếu muốn xả “xì trét”, bạn hãy viết chúng ra giấy cho “thỏa lòng” nhưng đừng gởi cho sếp ngay vì đó chỉ là một cảm xúc tức thời. Hãy kiềm chế, vì chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ sau đó là bạn sẽ bình tĩnh lại, và bạn sẽ thấy những điều mình viết ra thật là ngớ ngẩn.

5. Đánh giá thấp sự tinh ý của sếp

Một nhà quản lý bực mình tâm sự“ Một vài nhân viên gởi cho tôi một email nói rằng họ bị bệnh nên không thể đi làm được trong khi tôi biết rõ họ muốn nghỉ việc vì những lý do cá nhân khác. Điều đó rõ ràng là họ đang nói dối và không thể chấp nhận được!”

Dĩ nhiên khi bạn bị bệnh thật, bạn có quyền được nghỉ ốm. Nhưng đừng lạm dụng lý do đó để xin nghỉ phép để làm việc khác. Đừng nghĩ bạn có thể qua mắt được sếp, một người quá từng trải và dày kinh nghiệm.

6. Không bao giờ nêu câu hỏi hoặc ý kiến phản hồi có giá trị

Chỉ trừ những sếp “độc tài”, phần lớn các sếp rất trân trọng những ý kiến phản hồi từ cấp dưới của họ.
Đừng bao giờ là người luôn nói “Tôi đồng ý” với ý kiến của mọi người và chẳng bao giờ đưa ra được ý kiến nào có giá trị. Hãy khẳng định chính kiến của bạn qua những phản hồi có giá trị.

Để nêu được phản hồi có giá trị, bạn cần đào sâu tìm hiểu vấn đề cần giải quyết, nhờ đó bạn có thể tăng cường kiến thức của bạn. Hãy nhớ sếp đánh giá cao những nhân viên có lập trường quan điểm vững chắc.

7. Không có ý tưởng sáng tạo

Một nhà quản lý sâu sát với công việc kể lại“Tôi luôn ghi chú các ý tưởng mới của nhân viên. Tôi không đánh giá cao những nhân viên, dù cần mẫn đến đâu, chỉ biết thực hiện công việc theo một lối mòn”.

Đó là sự thật mà bạn cần chú ý. Đừng nghĩ rằng làm việc chăm chỉ theo đường hướng định sẵn sẽ được sếp trọng vọng. Bí quyết của những người được sếp đánh giá cao và thăng tiến là những người biết tiên phong đề ra những cải tiến mới. Sếp sẽ không chỉ khen ngợi những sáng kiến của họ, mà còn khâm phục tính chủ động của họ trong việc biến “điều không thể” thành “điều có thể”.

Theo ceohcm.com

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không