Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo rằng có nhiều khoản vay của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước có thể được các tập đoàn và công ty này yêu cầu chuyển thành “vốn góp” của Nhà nước để tăng vốn cho chúng. Chuyện này đã từng xảy ra khá thường xuyên ở ta trước đây.
Hiện nay có thể khó hơn do sự giám sát của Quốc hội và dư luận, song người ta đã đòi “tăng vốn chủ sở hữu” rồi và việc biến vốn vay thành vốn góp có nhiều khả năng xảy ra nếu không tìm cách xử lý ngay từ bây giờ.
Chính phủ Mỹ, Anh và một vài nước EU chẳng đã bỏ tiền thuế của dân ra cứu các công ty tư nhân bằng cách “quốc hữu hoá” chúng đó sao? Nếu chính phủ ta bỏ thêm tiền tăng vốn cho các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước bằng cách trả thay các khoản nợ (đối với các ngân hàng trong và ngoài nước hay các khoản bảo lãnh của chính phủ) và ghi tăng vốn cho chúng khi không có khả năng chi trả, thì cũng là chuyện bình thường vì đâu có phải là các doanh nghiệp tư nhân mà là chính các đứa con của mình và được giao vai trò chủ đạo!
Chắc sẽ có người nghĩ như vậy, trước kia họ khá đông. Cực chẳng đã thì phải làm, nhưng nên tránh thì hơn.
Việc chuyển vốn vay thành vốn góp là một thủ thuật xử lý nợ chẳng xa lạ gì đối với những người cho vay, chủ yếu là các ngân hàng. Đây là một cách làm không lành mạnh, cần tránh, song vẫn phải dùng khi chẳng còn cách nào khác để thu nợ, nhất là khi các chủ nợ đã trở thành “con tin” của các con nợ. Cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng trên thế giới đang xảy ra cho thấy ngay cả các nước phát triển, với rất nhiều kinh nghiệm, với các công cụ quản lý rủi ro “hiện đại”, với các chuyên gia “sừng sỏ”, cũng vẫn có thể mắc sai lầm.
Cho vay dễ dãi và dùng đòn bẩy tài chính quá lớn là một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay tại Mỹ. Học từ cái sai của người khác hẳn là chuyện nên làm, và càng nên làm khi học từ cái sai của chính mình, nhưng tuyệt nhiên không nên làm theo cái sai của người khác.
Theo số liệu của các cơ quan nhà nước Việt Nam, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, gần 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 50% tổng vốn đầu tư nhà nước, khoảng 60% tổng lượng tín dụng ngân hàng trong nước và tổng vốn vay nước ngoài, phần lớn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao. Tuy nhiên, sự đóng góp của doanh nghiệp nhà nước cho nền kinh tế chưa tương xứng với nguồn lực mà nó sử dụng. Chúng ta đã bàn sơ về vấn đề này, dưới đây chỉ nói về tín dụng và vốn vay.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực tư nhân là khu vực có thể coi là lành mạnh nhất của nền kinh tế Việt Nam (gần đây mỗi năm tạo ra hơn 1 triệu chỗ làm việc mới, trong khi khu vực quốc doanh không những không tạo ra thêm mà số việc làm lại giảm, không nói đến các chỉ tiêu khác) nhưng lại bị khu vực quốc doanh “lấn át”, rất khó tiếp cận tới tín dụng và các nguồn lực khác.
Chỉ cần phân bổ lại hợp lý hơn nguồn vốn vay theo hướng thu hẹp đối với các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, nới rộng cho khu vực tư nhân, thì tăng trưởng sẽ cao hơn, bền vững hơn và giải quyết được rất nhiều vấn đề xã hội, dặc biệt là công ăn việc làm. Đáng tiếc việc này chưa được chú ý đúng mức, nhất là trong tình trạng khó khăn hiện nay.
Trong khi đó cuối năm ngoái nợ của 70 tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã lên tới 28 tỉ USD (bằng 40% GDP), và thông tin về “dồn 20.000 tỉ đồng cho Vinashin” mới đây (gồm phát hành 3.000 tỉ trái phiếu, vay 10.000 tỉ đồng từ các ngân hàng trong nước và 400 triệu USD từ các ngân hàng nước ngoài) cho thấy xu hướng ưu ái các “đại gia quốc doanh” còn rất mạnh. Việc này càng làm cho ràng buộc ngân sách của Vinashin nói riêng và của các doanh nghiệp nhà nước nói chung đã mềm lại càng mềm hơn, làm cho đòn bẩy tài chính của nó (vốn vay trên vốn chủ sở hữu, theo kiểm toán năm ngoái đòn bẩy của Vinashin là 22 lần) đã rất cao lại càng cao hơn.
Ràng buộc ngân sách mềm, không bị buộc phải cạnh tranh mạnh mẽ, khả năng quản trị kém là 3 nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Đi vay để thực hiện hợp đồng đã trót ký còn có thể có lý, đi vay để đầu tư dài hạn thì hoàn toàn không nên. Thông tin báo chí cho biết, Vinashin đã rút khỏi dự án thép 4 tỉ USD liên doanh với Posco ở Vân Phong (Vinashin góp 1 tỉ USD) nay lại tham gia dự án khác 10 tỉ USD với đối tác Malaysia.
Với bất cứ doanh nghiệp nào khi đòn bẩy tài chính trên 3 là cần phải xem xét lại, đòn bẩy tài chính của nhiều doanh nghiệp nhà nước ở mức rất cao (20 đến 42 lần) tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khi doanh nghiệp khó trả các khoản vay, áp lực đòi Nhà nước tăng vốn hay biến vốn vay thành vốn góp để giảm tỉ lệ đòn bẩy là chuyện không khó hiểu. Trong tháng 4/2008 ông Chủ tịch Vinashin đã cảnh báo rằng “việc Chính phủ tạm dừng, không bổ sung vốn cho các tập đoàn kinh tế sẽ là một thảm hoạ trong tương lai” là một điều dễ hiểu.
Và cách cuối cùng là biến các khoản nợ thành vốn, khá thoải mái cho doanh nghiệp; đây là điều rất có khả năng xảy ra. Nên tìm cách tránh, đừng để nước đến chân mới nhảy, đừng để bị dồn vào bước đường cùng buộc phải biến các khoản vay thành vốn góp, đừng để “thảm hoạ” xảy ra.
Theo laodong
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông