Kiến thức Tài chính kế toán Xác định nguồn vốn kinh doanh và cách hạch toán tài khoản...

Xác định nguồn vốn kinh doanh và cách hạch toán tài khoản 411

3298
Tài khoản 411 dùng để phản ánh nguồn vốn kinh doanh hiện có và tình hình tăng, giảm nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Và để giải bài toán về hạch toán tài khoản 411 như thế nào hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
 
 

1. Một số quy định khi hạch toán tài khoản 411 cần tôn trọng 

 

hạch toán tài khoản 411, nguồn vốn kinh doanh

 
1.1 Các doanh nghiệp hạch toán vào TK 411 “Nguồn vốn kinh doanh” theo số vốn thực tế đã góp bằng tiền, bằng tài sản khi mới thành lập, hoặc huy động thêm vốn để mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
 
1.2 Doanh nghiệp phải tổ chức hạch toán chi tiết nguồn vốn kinh doanh theo từng nguồn hình thành vốn. Trong đó cần theo dõi chi tiết cho từng tổ chức, từng cá nhân tham gia góp vốn.
a/ Đối với công ty Nhà nước thì nguồn vốn kinh doanh có thể được hạch toán chi tiết như sau:
– Vốn đầu tư của chủ sở hữu: Là nguồn vốn Ngân sách Nhà nước giao (Kể cả nguồn vốn có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước, như: Chênh lệch do đánh giá lại tài sản…);
– Nguồn vốn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp hoặc được tặng, biếu, viện trợ …
 
b/ Đối với doanh nghiệp liên doanh, công ty TNHH, công ty hợp danh thì nguồn vốn kinh doanh được hạch toán chi tiết như sau:
– Vốn đầu tư của chủ sở hữu: Là khoản vốn góp của các thành viên góp vốn;
– Vốn khác: Là nguồn vốn được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế hoặc được tặng biếu, viện trợ.
 
c/ Đối với công ty cổ phần thì nguồn vốn kinh doanh được hạch toán chi tiết như sau:
– Vốn đầu tư của chủ sở hữu: Là khoản tiền hoặc tài sản do các cổ đông góp cổ phần tính theo mệnh giá của cổ phiếu đã phát hành;
– Thặng dư vốn cổ phần: Là số chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành cổ phiếu;
– Vốn khác: Là số vốn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế hoặc được tặng, biếu, viện trợ, nhưng chưa tính cho từng cổ đông.
 
1.3 Đối với doanh nghiệp liên doanh phải tổ chức hạch toán chi tiết nguồn vốn kinh doanh theo từng bên góp vốn. Trong đó phải chi tiết theo từng lần góp vốn, mức vốn góp, loại vốn góp, như: Vốn góp ban đầu, vốn được bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh.
 
1.4 Chỉ ghi giảm vốn kinh doanh khi doanh nghiệp nộp trả vốn cho Ngân sách Nhà nước, bị điều động vốn cho doanh nghiệp khác trong nội bộ Tổng công ty, trả lại vốn cho các cổ đông hoặc các bên góp vốn liên doanh hoặc giải thể, thanh lý doanh nghiệp, hoặc xử lý bù lỗ kinh doanh theo quyết định của Đại hội cổ đông.
 
1.5 Trường hợp nhận vốn góp liên doanh, vốn góp cổ phần của các cổ đông bằng ngoại tệ thì được quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế hoặc tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên Ngân hàng do ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh. Trong quá trình hoạt động, không được đánh giá lại số dư Có Tài khoản 411 “Nguồn vốn kinh doanh” có gốc ngoại tệ.
 
1.6 Trường hợp nhận vốn góp của các tổ chức, cá nhân góp vốn bằng tài sản phải phản ánh tăng nguồn vốn kinh doanh theo giá đánh giá lại của tài sản được các bên góp vốn chấp nhận.
 
1.7 Đối với công ty cổ phần, vốn góp cổ phần của các cổ đông được ghi theo giá thực tế phát hành cổ phiếu, nhưng được phản ánh chi tiết theo hai chỉ tiêu riêng: Vốn đầu tư của chủ sở hữu và thặng dư vốn cổ phần. Vốn đầu tư của chủ sở hữu được phản ánh theo mệnh giá của cổ phiếu. Thặng dư vốn cổ phần phản ánh khoản chênh lệch tăng giữa số tiền thực tế thu được so với mệnh giá khi phát hành lần đầu, hoặc phát hành bổ sung cổ phiếu và chênh lệch tăng, giảm giữa số tiền thực tế thu được so với giá mua lại cổ phiếu khi tái phát hành cổ phiếu quỹ. Riêng trường hợp mua lại cổ phiếu để huỷ bỏ ngay tại ngày mua thì giá trị cổ phiếu được ghi giảm nguồn vốn kinh doanh tại ngày mua là giá thực tế mua lại và cũng phải ghi giảm nguồn vốn kinh doanh chi tiết theo mệnh giá và phần thặng dư vốn cổ phần của cổ phiếu mua lại.
 

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 411 – nguồn vốn kinh doanh

 
nguồn vốn kinh doanh, hạch toán 411
 
Bên Nợ:
Nguồn vốn kinh doanh giảm do:
– Hoàn trả vốn góp cho các chủ sở hữu vốn;
– Giải thể, thanh lý doanh nghiệp;
– Bù lỗ kinh doanh theo quyết định của Đại hội cổ đông (Đối với công ty cổ phần);
– Mua lại cổ phiếu để huỷ bỏ (Đối với công ty cổ phần).
Bên Có:
Nguồn vốn kinh doanh tăng do:
– Các chủ sở hữu đầu tư vốn (Góp vốn ban đầu và góp vốn bổ sung);
– Bổ sung vốn từ lợi nhuận kinh doanh;
– Phát hành cổ phiếu cao hơn mệnh giá;
– Giá trị quà tặng, biếu, tài trợ (Sau khi trừ các khoản thuế phải nộp) làm tăng nguồn vốn kinh doanh.
Số dư bên Có:
Nguồn vốn kinh doanh hiện có của doanh nghiệp.
Tài khoản 411- Nguồn vốn kinh doanh, có 3 tài khoản cấp 2:
– TK 4111- Vốn đầu tư của chủ sở hữu: Tài khoản này phản ánh khoản vốn thực đã đầu tư của chủ sở hữu theo Điều lệ công ty của các chủ sở hữu vốn. Đối với các công ty cổ phần thì vốn góp từ phát hành cổ phiếu được ghi vào tài khoản này theo mệnh giá.
– TK 4112- Thặng dư vốn cổ phần: Tài khoản này phản ánh phần chênh lệch tăng do phát hành cổ phiếu cao hơn mệnh giá và chênh lệch tăng, giảm so với giá mua lại khi tái phát hành cổ phiếu quỹ (đối với các công ty cổ phần).
– TK 4118- Vốn khác: Tài khoản này phản ánh số vốn kinh doanh được hình thành do bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh hoặc do được tặng, biếu, tài trợ, đánh giá lại tài sản (Nếu các khoản này được phép ghi tăng, giảm nguồn vốn kinh doanh).
 

3. Phương pháp hạch toán TK 411

 
nguồn vốn kinh doanh, cổ phiếu cổ đông
 
1. Khi thực nhận vốn góp, vốn đầu tư của các chủ sở hữu, ghi:
Nợ các TK 111, 112, …
Nợ TK 211- TSCĐ hữu hình
Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình
Có TK 411- Nguồn vốn kinh doanh (4111).
2. Khi nhận được tiền mua cổ phiếu của các cổ đông với giá phát hành theo mệnh giá cổ phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Mệnh giá)
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (4111) (Mệnh giá).
3. Khi nhận được tiền mua cổ phiếu của các cổ đông với giá phát hành cao hơn mệnh giá cổ phiếu, ghi:
Nợ các TK 111,112 (Giá phát hành)
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (TK 4111) (Mệnh giá) và
TK 4112 (Chênh lệch lớn hơn giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phiếu)
4. Khi nhận được tiền tái phát hành cổ phiếu quỹ, ghi:
Nợ các TK 111,112 (Giá tái phát hành)
Nợ TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (4112) (Số chênh lệch giữa giá tái phát hành nhỏ hơn giá ghi sổ cổ phiếu quỹ)
Có TK 419 – Cổ phiếu quỹ (Theo giá ghi sổ)
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (4112) (Số chênh lệch giữa giá tái phát hành lớn hơn giá ghi sổ cổ phiếu quỹ).
5. Bổ sung vốn kinh doanh từ quỹ đầu tư phát triển khi được phép của Hội đồng quản trị hoặc cấp có thẩm quyền, ghi:
Nợ TK 414 – Quỹ đầu tư phát triển
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh.
6. Bổ sung nguồn vốn kinh doanh từ số chênh lệch do đánh giá lại tài sản, khi được duyệt, ghi:
Nợ TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh.
7. Khi công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn đầu tư XDCB đã hoàn thành hoặc công việc mua sắm TSCĐ đã xong đưa vào sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết toán vốn đầu tư được duyệt, kế toán ghi tăng nguyên giá TSCĐ, đồng thời ghi tăng nguồn vốn kinh doanh:
Nợ TK 441 – Nguồn vốn đầu tư XDCB
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh.
8. Khi các công ty thành viên trực thuộc Tổng công ty, công ty con nhận vốn do Tổng công ty giao, công ty mẹ đầu tư để bổ sung vốn kinh doanh, kế toán đơn vị cấp dưới, ghi:
Nợ các TK 111, 112,…
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh.
9. Khi nhận được quà biếu, tặng, tài trợ, ghi:
Nợ các TK 111,112,…
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình
Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 711 – Thu nhập khác.
Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nếu phần còn lại được phép ghi tăng nguồn vốn kinh doanh (4118), ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (4118).
10. Bổ sung vốn góp do trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông, ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối
Nợ TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (4112) (Số chênh lệch giữa giá phát hành nhỏ hơn mệnh giá cổ phiếu)
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (TK 4111 – Theo mệnh giá và TK 4112 – Số chênh lệch giữa giá phát hành lớn hơn mệnh giá cổ phiếu).
11. Khi nhận vốn góp của các bên tham gia liên doanh, ghi:
Nợ các TK 111,112, 211, 213,…
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (4111).
12. Khi công ty cổ phần mua lại cổ phiếu để huỷ bỏ ngay tại ngày mua lại:
12.1. Trường hợp giá thực tế mua lại cổ phiếu lớn hơn mệnh giá cổ phiếu, ghi:
Nợ TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (TK 4111 (Theo mệnh giá))
Nợ TK 411- Nguồn vốn kinh doanh (TK 4112 (Số chênh lệch giữa giá mua lại lớn hơn mệnh giá cổ phiếu))
Có các TK 111,112,…
12.2. Trường hợp giá thực tế mua lại cổ phiếu nhỏ hơn mệnh giá cổ phiếu, ghi:
Nợ TK 411- Nguồn vốn kinh doanh (4111) (Theo mệnh giá cổ phiếu)
Có các TK 111,112,…
Có TK 411- Nguồn vốn kinh doanh (4112) (Số chênh lệch giữa giá mua lại nhỏ hơn mệnh giá).
13. Khi huỷ bỏ cổ phiếu quỹ, ghi:
Nợ TK 411- Nguồn vốn kinh doanh (TK 4111 (Theo mệnh giá))
Nợ TK 411- Nguồn vốn kinh doanh (TK 4112 (Số chênh lệch giữa giá mua lại lớn hơn mệnh giá cổ phiếu))
Có TK 419 – Cổ phiếu quỹ (Theo giá mua lại cổ phiếu).
14. Khi hoàn trả vốn góp cho các thành viên góp vốn, ghi:
Nợ TK 411- Nguồn vốn kinh doanh (4111, 4112)
Có các TK 111,112,…
15. Khi đơn vị thành viên, công ty con hoàn trả vốn kinh doanh cho Tổng công ty, công ty mẹ theo phương thức ghi giảm vốn, kế toán đơn vị cấp dưới, ghi:
Nợ TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh
Có các TK 111, 112,…
16. Khi bị điều động vốn kinh doanh của đơn vị cho một đơn vị khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có):
– Khi bị điều động vốn kinh doanh là TSCĐ, ghi:
Nợ TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình
Có TK 213 – TSCĐ vô hình.
– Khi điều động vốn bằng tiền, ghi:
Nợ TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh
Có TK 111, 112.
17. Kế toán trường hợp mua, bán khi hợp nhất kinh doanh được thực hiện bằng việc bên mua phát hành cổ phiếu: Thực hiện theo Thông tư hướng dẫn kế toán thực hiện Chuẩn mực kế toán số 11 – “Hợp nhất kinh doanh”.
 

Phần mềm kế toán MISA SME.NET đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ tài chính kế toán, giúp kế toán tiết kiệm thời gian và công sức. Để tìm hiểu thêm về phần mềm kế toán MISA SME.NET mới nhất, kế toán vui lòng click xem tại đây

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không