Kiến thức Tài chính kế toán Kế toán phát hành trái phiếu công ty theo Thông tư 200

Kế toán phát hành trái phiếu công ty theo Thông tư 200

1137
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất chú tâm đến việc phát hành trái phiếu. Khi đó, kế toán viên cần phải kế toán phát hành trái phiếu công ty như thế nào cho đúng với quy định của Thông tư 200? Hãy cùng misa.com.vn đi tìm câu trả lời thông qua bài viết này nhé.
 

Phát hành trái phiếu là gì?

 
Kế toán phát hành trái phiếu công ty
 
Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định. 

Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. 

Đối với doanh nghiệp, trái phiếu là công cụ rất hiệu quả trong việc huy động vốn. Phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp thu hút lượng lớn các nhà đầu tư một cách hiệu quả. So với vay ngân hàng, huy động vốn qua trái phiếu có một số ưu điểm như không cần có tài sản thế chấp và được chủ động sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng. Doanh nghiệp chỉ phải trả lãi theo kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm và chỉ trả gốc vào cuối kỳ. Lãi suất trái phiếu không bị khống chế bởi trần lãi suất nên có tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Doanh nghiệp sẽ được giải ngân ngay và toàn bộ thay vì việc giải ngân có lộ trình từng đợt. 
 

Kế toán phát hành trái phiếu công ty như thế nào?

 
Tài khoản kế toán 343 sẽ giúp bạn tuân đúng các trình tự kế toán phát hành trái phiếu công ty. Nắm rõ cách hạch toán tài khoản kế toán 343 bạn có thể hoàn toàn tự tin thực hiện đúng theo Thông tư 200 của Bộ Tài chính. Hãy cùng tìm hiểu: Nguyên tắc kế toán phát hành trái phiếu công ty, nội dung và kết cấu tài khoản 343, cùng một số nghiệp vụ chủ yếu của tài khoản này.

Nguyên tắc kế toán phát hành trái phiếu công ty

 
Kế toán phát hành trái phiếu công ty
 
Khi kế toán phát hành trái phiếu công ty, có một số nguyên tắc kế toán bạn cần tuân thủ như:
– Tài khoản kế toán 343 dùng để phản ánh tình hình phát hành trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu chuyển đổi và tình hình thanh toán trái phiếu của doanh nghiệp. Tài khoản này cũng dùng để phản ánh các khoản chiết khấu, phụ trội trái phiếu phát sinh khi phát hành trái phiếu và tình hình phân bổ các khoản chiết khấu, phụ trội khi xác định chi phí đi vay tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc vốn hóa theo từng kỳ.
– Cách xác định lãi suất thực tế (hay lãi suất hiệu lực)
– Nguyên tắc kế toán trái phiếu thường (trái phiếu không có quyền chuyển đổi)
– Nguyên tắc kế toán trái phiếu chuyển đổi
Bạn hãy truy cập bài viết Hạch toán chuyên sâu tài khoản 343 – Trái phiếu phát hành để hiểu rõ hơn về các nguyên tắc, nội quy để kế toán phát hành trái phiếu công ty một cách chính xác nhất.
 

Kết cấu của tài khoản 343 

 
Tài khoản kế toán 343 có 2 tài khoản cấp 2, theo đó, kết cấu của mỗi tài khoản cụ thể là:

1. Tài khoản 3431 – Trái phiếu thường


Bên Nợ:
– Thanh toán trái phiếu khi đáo hạn;
– Chiết khấu trái phiếu phát sinh trong kỳ;
– Phân bổ phụ trội trái phiếu trong kỳ.
Bên Có:
– Trị giá trái phiếu phát hành theo mệnh giá trong kỳ;
– Phân bổ chiết khấu trái phiếu trong kỳ;
– Phụ trội trái phiếu phát sinh trong kỳ.
Số dư bên Có: Trị giá khoản nợ vay do phát hành trái phiếu đến thời điểm cuối kỳ.
 

2. Tài khoản 3431 – Trái phiếu chuyển đổi

Bên Nợ:
– Thanh toán nợ gốc trái phiếu khi đáo hạn nếu người nắm giữ trái phiếu không thực hiện quyền chọn chuyển đổi thành cổ phiếu;
– Kết chuyển nợ gốc trái phiếu để ghi tăng vốn chủ sở hữu nếu người nắm giữ trái phiếu thực hiện quyền chọn chuyển đổi thành cổ phiếu.
Bên Có:
– Trị giá phần nợ gốc trái phiếu ghi nhận tại thời điểm phát hành;
– Giá trị được điều chỉnh tăng phần nợ gốc trái phiếu trong kỳ.
Số dư bên Có: Giá trị phần nợ gốc trái phiếu tại thời điểm báo cáo.
 
 

Hạch toán tài khoản kế toán 343 – Một số nghiệp vụ chủ yếu


I. Kế toán phát hành trái phiếu công ty theo mệnh giá

 
1. Phản ánh số tiền thu về phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (Số tiền thu về bán trái phiếu)
Có TK 3431 – Mệnh giá trái phiếu.

2. Nếu trả lãi trái phiếu định kỳ, khi trả lãi tính vào chi phí SXKD hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản đầu tư xây dựng dở dang)
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản sản xuất dở dang)
Có các TK 111, 112,… (Số tiền trả lãi trái phiếu trong kỳ).

3. Nếu trả lãi trái phiếu sau (khi trái phiếu đáo hạn), từng kỳ doanh nghiệp phải tính trước chi phí lãi vay phải trả trong kỳ vào chi phí SXKD hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ các TK 241, 627 (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản dở dang)
Có TK 335 – Chi phí phải trả (Phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ).

– Cuối thời hạn của trái phiếu, doanh nghiệp thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả (Tổng số tiền lãi trái phiếu)
Nợ TK 3431 – Mệnh giá trái phiếu (Tiền gốc)
Có các TK 111, 112,…

4. Trường hợp trả trước lãi trái phiếu ngay khi phát hành, chi phí lãi vay được phản ánh vào bên Nợ TK 242 (chi tiết lãi trái phiếu trả trước), sau đó phân bổ dần vào các đối tượng chịu chi phí.
– Tại thời điểm phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (Tổng số tiền thực thu)
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Chi tiết lãi trái phiếu trả trước)
Có TK 3431 – Mệnh giá trái phiếu.

– Định kỳ, phân bổ lãi trái phiếu trả trước vào chi phí đi vay từng kỳ, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ TK 241- Xây dựng cơ bản dở dang (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản đầu tư xây dựng dở dang)
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản sản xuất dở dang)
Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Chi tiết lãi trái phiếu trả trước) (số lãi trái phiếu phân bổ trong kỳ).

5. Chi phí phát hành trái phiếu:
– Nếu chi phí phát hành trái phiếu có giá trị nhỏ, tính ngay vào chi phí trong kỳ, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
Có TK các TK 111, 112,…

– Nếu chi phí phát hành trái phiếu có giá trị lớn, phải phân bổ dần, ghi:
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Chi tiết chi phí phát hành trái phiếu)
Có các TK 111, 112,…

– Định kỳ, phân bổ chi phí phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 635, 241,627 (Phần phân bổ chi phí phát hành trái phiếu trong kỳ)
Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Chi tiết chi phí phát hành trái phiếu).

6. Thanh toán trái phiếu khi đáo hạn, ghi:
Nợ TK 3431 – Mệnh giá trái phiếu
Có các TK 111, 112,…

II. Kế toán phát hành trái phiếu công ty có chiết khấu

 
1. Phản ánh số tiền thực thu về phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (Số tiền thu về bán trái phiếu)
Nợ TK 3432 – Chiết khấu trái phiếu (Chênh lệch giữa số tiền thu về bán trái phiếu nhỏ hơn mệnh giá trái phiếu)
Có TK 3431 – Mệnh giá trái phiếu.

2. Trường hợp trả lãi định kỳ, khi trả lãi vay tính vào chi phí SXKD hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản đầu tư xây dựng dở dang)
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản sản xuất dở dang)
Có các TK 111, 112,… (Số tiền trả lãi trái phiếu trong kỳ)
Có TK 3432 – Chiết khấu trái phiếu (Số phân bổ chiết khấu trái phiếu từng kỳ).

 
3. Trường hợp trả lãi sau (Khi trái phiếu đáo hạn):
– Từng kỳ doanh nghiệp phải tính trước chi phí lãi vay phải trả trong kỳ, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ các TK 241, 627 (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản dở dang)
Có TK 335 – Chi phí phải trả (Phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ)
Có TK 3432 – Chiết khấu trái phiếu (Số phân bổ chiết khấu trái phiếu trong kỳ).

– Cuối thời hạn của trái phiếu, doanh nghiệp phải thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả (tổng số tiền lãi trái phiếu)
Nợ TK 3431 – Mệnh giá trái phiếu
Có các TK 111, 112,…

4. Trường hợp trả trước lãi trái phiếu ngay khi phát hành, chi phí lãi vay được phản ánh vào bên Nợ TK 242 (Chi tiết lãi trái phiếu trả trước), sau đó phân bổ dần vào các đối tượng ghi nhận chi phí.
– Khi phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,…(Tổng số tiền thực thu)
Nợ TK 3432 – Chiết khấu trái phiếu
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Chi tiết lãi trái phiếu trả trước) (số tiền lãi trái phiếu trả trước)
Có TK 3431 – Mệnh giá trái phiếu.

– Định kỳ tính chi phí lãi vay vào chi phí SXKD trong kỳ, hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ TK 241- Xây dựng cơ bản dở dang (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản đầu tư, xây dựng dở dang)
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (Nếu được vốn hoá tính vào giá trị tài sản sản xuất dở dang)
Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Chi tiết lãi trái phiếu trả trước) (số lãi trái phiếu phân bổ trong kỳ)
Có TK 3432 – Chiết khấu trái phiếu (Số phân bổ chiết khấu trái phiếu từng kỳ)

 
5. Thanh toán trái phiếu khi đáo hạn, ghi:
Nợ TK 3431 – Mệnh giá trái phiếu
Có các TK 111, 112,…

III. Kế toán phát hành trái phiếu công ty có phụ trội

 
1. Phản ánh số tiền thu về phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (Số tiền thu về bán trái phiếu)
Có TK 3433 – Phụ trội trái phiếu (Chênh lệch giữa số tiền thực thu về bán trái phiếu lớn hơn mệnh giá trái phiếu)
Có TK 3431 – Mệnh giá trái phiếu.

2. Trường hợp trả lãi định kỳ:
– Khi trả lãi tính vào chi phí SXKD hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản đầu tư, xây dựng dở dang)
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản sản xuất dở dang)
Có các TK 111, 112,. . . (Số tiền trả lãi trái phiếu trong kỳ).

– Đồng thời phân bổ dần phụ trội trái phiếu để ghi giảm chi phí đi vay từng kỳ, ghi:
Nợ TK 3433 – Phụ trội trái phiếu (Số phân bổ dần phụ trội trái phiếu từng kỳ)
Có các TK 635, 241, 627.

3. Trường hợp trả lãi sau (Khi trái phiếu đáo hạn), từng kỳ doanh nghiệp phải ghi nhận trước chi phí lãi vay phải trả trong kỳ.
– Khi tính chi phí lãi vay cho các đối tượng ghi nhận chi phí đi vay trong kỳ, ghi:
Nợ các TK 635, 241, 627
Có TK 335 – Chi phí phải trả (Phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ).

– Đồng thời phân bổ dần phụ trội trái phiếu để ghi giảm chi phí đi vay từng kỳ, ghi:
Nợ TK 3433 – Phụ trội trái phiếu
Có các TK 635, 241, 627.

– Cuối thời hạn của trái phiếu, doanh nghiệp thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người có trái phiếu, ghi:
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả (Tổng số tiền lãi trái phiếu)
Nợ TK 3431 – Mệnh giá trái phiếu (Tiền gốc)
Có các TK 111, 112,. . .

4. Trường hợp trả trước lãi trái phiếu ngay khi phát hành, chi phí lãi vay được phản ánh vào bên Nợ TK 242 (chi tiết lãi trái phiếu trả trước), sau đó phân bổ dần vào các đối tượng chịu chi phí.
– Khi phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (Tổng số tiền thực thu)
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Chi tiết lãi trái phiếu trả trước)
Có TK 3433 – Phụ trội trái phiếu
Có TK 3431 – Mệnh giá trái phiếu.

– Định kỳ, phân bổ chi phí lãi vay cho các đối tượng ghi nhận chi phí đi vay trong kỳ, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ TK 241- Xây dựng cơ bản dở dang (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản đầu tư xây dựng dở dang)
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (Nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản sản xuất dở dang)
Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Chi tiết lãi trái phiếu trả trước) (Số lãi trái phiếu phân bổ trong kỳ).

– Đồng thời phân bổ dần phụ trội trái phiếu ghi giảm chi phí đi vay từng kỳ, ghi:
Nợ TK 3433 – Phụ trội trái phiếu (Số phân bổ phụ trội trái phiếu từng kỳ)
Có TK 635, 241, 627.

 

Phần mềm kế toán MISA SME.NET đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ tài chính kế toán, giúp kế toán tiết kiệm thời gian và công sức. Để tìm hiểu thêm về phần mềm kế toán MISA SME.NET mới nhất, kế toán vui lòng click xem tại đây

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không