Kiến thức Tài chính kế toán Thủ tục, hồ sơ và điều kiện cần khi thành lập công...

Thủ tục, hồ sơ và điều kiện cần khi thành lập công ty sản xuất mỹ phẩm

476
Hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển và nhu cầu làm đẹp của con người ngày càng nâng cao thì thị trường sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm lại càng trở nên hấp dẫn. Dưới đây là các thủ tục, hồ sơ và điều kiện cần khi thành lập công ty sản xuất mỹ phẩm.

1. Thủ tục đăng kí doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm

Bước 1: Thành lập doanh nghiệp

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:


  •  Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ doanh nghiệp
  • Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc danh sách cổ đông của công ty cổ phần
  •  Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của thành viên/cổ đông là cá nhân; bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thành viên/cổ đông là tổ chức bản sao công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức đó
  • Giấy ủy quyền cho Công ty Luật
  • Một số giấy tờ khác (trong trường hợp cần thiết)
Nơi nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thời hạn: 03 – 06 ngày làm việc.

Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 2: Công bố nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp

Thông tin về đăng ký doanh nghiệp phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nội dung công bố bao gồm các thông tin được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Lưu ý: Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì đối với hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

thủ tục thành lập doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm

Bước 3: Khắc dấu và công bố mẫu dấu

Doanh nghiệp có thể ủy quyền cho Công ty luật hoặc tự mình khắc dấu và thông báo về việc sử dụng mẫu dấu cho Sở Kế hoạch và đầu tư. Doanh nghiệp có thể tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải thể hiện được tên và mã số doanh nghiệp.

Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, phòng đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Bước 4: Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm

Điều kiện mà cơ sở sản xuất phải đáp ứng:

Về nhân sự: Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.

Về cơ sở vật chất: Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất. Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.

Về hệ thống quản lý chất lượng:


  • Nguyên liệu, phụ liệu dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất
  • Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
  • Các loại bán thành phẩm đưa vào sản xuất phải có tiêu chuẩn chất lượng và đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất
  • Có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm
  • Có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm
  • Có hệ thống lưu giữ hồ sơ tài liệu
Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo Mẫu số 02 ban hành kèm Nghị định 93/2016/NĐ-CP
  • Sơ đồ mặt bằng và thiết kế của cơ sở sản xuất
  • Danh mục thiết bị hiện có của cơ sở sản xuất
  • Danh mục các mặt hàng đang sản xuất hoặc dự kiến sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng của từng mặt hàng
Nơi nộp hồ sơ: Sở Y tế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thời hạn: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và phí thẩm định theo quy định, Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra cơ sở sản xuất, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận hoặc yêu cầu cơ sở thay đổi, khắc phục, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm

2. Thủ tục cần thực hiện sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

  • Treo biển tại trụ sở công ty
  • Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế
  • Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, đăng ký mẫu 08 tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế, đăng ký nộp thuế điện tử
  • Đăng ký chữ ký số điện tử thực hiện nộp thuế điện tử
  • In và đặt in hóa đơn
  • Kê khai và nộp thuế môn bài
  • Góp vốn đầy đủ đúng hạn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp đăng ký kinh doanh
Đối với những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề nhập khẩu thì cần lưu ý về các điều kiện nhập khẩu mỹ phẩm. Theo Điều 35 Thông tư 06/2011/TT-BYT thì: “Các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp số tiếp nhận”.

Pháp luật cũng quy định: “Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường”. Đồng thời, doanh nghiệp tiến hành công bố sản phẩm mỹ phẩm phải nộp lệ phí theo quy định.

Hiện nay, các doanh nghiệp có hoạt động bán hàng qua mạng điện tử đang ngày càng phổ biến bởi tính tiện lợi và có thể giảm bớt chi phí kinh doanh. Tuy nhiên, đối với việc bán hàng thông qua việc thiết lập website thương mại điện tử cần lưu ý đáp ứng điều kiện sau Điều 52 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP:

  • Là thương nhân, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phù hợp hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân
  • Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet
  • Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP
  • Việc thông báo với Bộ Công Thương tại khoản 3 nêu trên được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ online.gov.vn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không