Kiến thức Tài chính kế toán Doanh nghiệp nội cần được hỗ trợ nhiều hơn để phát triển...

Doanh nghiệp nội cần được hỗ trợ nhiều hơn để phát triển thị trường

121
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNhiều trung tâm thương mại và siêu thị vắng hoe, khách đến chủ yếu để “tránh nóng”, còn nhân viên ngồi “vắt vẻo” đợi khách. Nhiều mặt hàng đã đưa ra mức giảm giá mạnh từ 20 – 50%, nhiều chương trình khuyến mãi “khủng” nhưng vẫn không mấy hấp dẫn người mua. Việt Nam rơi khỏi Top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Hay trong 5 tháng đầu năm, doanh nghiệp bán lẻ phá sản nhiều nhất… Hàng loạt các tin xấu đang dội xuống thị trường bán lẻ Việt Nam và vẽ lên một thực trạng khá rõ ràng về thị trường và doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam hiện nay.

Thực trạng đáng lo

Hiện nay cả nước có khoảng 600 siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố và đô thị lớn với hình thức bán lẻ hiện đại, tiện ích. Có thể nói, dù so với trên 80 triệu dân, số lượng trên còn ít, nhưng trong những năm qua, các siêu thị, trung tâm thương mại đã góp phần xây dựng diện mạo mới mẻ cho lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam. Các trung tâm bán lẻ, siêu thị này cũng đã dần thay thế vị trí của các chợ truyền thống và được người tiêu dùng chấp nhận nhờ cung cách phục vụ chuyên nghiệp, phương thức bảo quản, bảo hành hàng hóa tốt và các chế độ khuyến mãi hấp dẫn. Thậm chí, nhiều siêu thị nội địa đã tạo dựng được thương hiệu và chỗ đứng cho riêng mình như SaiGon Coop, Coop Mart, Hapro, Fivimart…. Bên cạnh đó, những thương hiệu này cũng đã có nhiều cố gắng trong việc mở rộng và phát triển chuỗi bán lẻ của mình ở thị trường trong nước, không ít doanh nghiệp (Doanh nghiệp) Việt Nam đã bắt tay hợp tác với các siêu thị nước ngoài để mở rộng kinh doanh, thông qua đó để học tập kinh nghiệm của nước ngoài…
Bên cạnh những thành công nêu trên, hiện nay, thị trường bán lẻ và các Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng đang gặp không ít thách thức. Mới đây, Hãng tư vấn A.T.Keraney (Mỹ) đã công bố Chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu năm 2012. Theo đó, nếu như năm 2008, Việt Nam sở hữu thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới, thì đến năm 2009 Việt Nam bắt đầu tụt xuống vị trí thứ 6, năm 2010 đứng thứ 14, năm 2011 xuống vị trí 23 và năm 2012 Việt Nam đã rơi khỏi Top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Mặc dù nhiều ý kiến trong cuộc cho rằng, đây chỉ là sự suy giảm tạm thời, khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi, song thực tế cho thấy, sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam chưa bền vững. Chẳng hạn, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2011 tăng trưởng 24% nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng có 5%. Hoặc nếu so với 10 năm trước từ năm 2001 đến năm 2010 bình quân tăng từ 8 – 11% (đã loại trừ giá) thì mức độ tăng trưởng hiện nay đã có giảm sút. Với tình hình thực tế hiện nay, dự báo, mức tăng trưởng năm 2012 khó có thể cao hơn mức năm 2011 và cũng chưa có gì bảo đảm sự tăng trưởng cho những năm sắp tới. Hơn nữa, theo thống kê của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, trong số các Doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt đồng gần đây có tới 26% là các Doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ. Điều này cũng phần nào minh chứng thêm cho sự bất ổn định cũng như khó khăn của thị trường bán lẻ trong nước đang phải đối mặt.
Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố tạo nên sự thiếu hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam, trong đó phải kể đến sức mua. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với mức giảm 0,17%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tại Hà Nội xuống thấp nhất trong vòng 10 năm, CPI ở TP.Hồ Chí Minh cũng giảm mạnh nhất trong 2 năm xuống còn 0,43%. Còn CPI cả nước lần đầu âm sau 38 tháng. Việc CPI giảm mạnh nói lên khá nhiều điều, trong đó theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, CPI giảm mạnh là do sức mua đại đa số dân cư đã đến mức kiệt quệ. Sức mua của dân cư sụt giảm nghiêm trọng làm cho thị trường bán lẻ của Việt Nam kém hấp dẫn. Số liệu của Tổng cục Thống kê trước đó cũng cho thấy, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 952,2 nghìn tỉ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 6,6%. Đây là mức tăng khá khiêm tốn so với mức tăng của các năm gần đây. Trên thực tế, hiện nay, doanh số bán hàng của các trung tâm bán lẻ, siêu thị đang giảm mạnh, kể cả các thương hiệu lớn. Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co-op Mart cho biết, lượng hàng bán ra của hệ thống Sài Gòn Co-op Mart đã giảm khoảng 10% từ đầu năm 2012 đến nay.

Khó khăn từ nhiều phía

Thông tin Việt Nam rơi khỏi Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới và chuyện Doanh nghiệp bán lẻ phả sản hoặc ngừng hoạt động chiếm phần lớn dường như không có gì quá ngạc nhiên. Dù là thị trường đông dân, tiềm năng sức mua cao, nhưng thu nhập đầu người của Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp. Điều này khiến cho tốc độ phát triển có vẻ nhanh song quy mô thị trường bán lẻ vẫn tương đối nhỏ. Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ Việt Nam dễ bị tổn thương do bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là từ năm 2008 đến nay trong bối cảnh lạm phát cao và liên tục, lãi suất ngân hàng cao, chi phí đầu vào tăng mạnh đối với sản xuất, khiến sức cạnh tranh của Doanh nghiệp nội địa giảm sút. Đặc biệt, lạm phát cao trong khi thu nhập của người dân không được cải thiện nhiều khiến cho sức mua của người dân giảm.
Thị trường bán lẻ đối mặt với nhiều bất ổn như vậy không chỉ do tác động của kinh tế vĩ mô, sức mua của người thấp… mà còn do những yếu kém nội tại của Doanh nghiệp bán lẻ. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, dù đã gia nhập thị trường 15 – 20 năm qua, Doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực tài chính yếu, thiếu chiến lược dài hạn và dịch vụ kho vận; chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, văn hóa kinh doanh, tạo mối liên kết giữa sản xuất và siêu thị, siêu thị và siêu thị… Nguồn nhân lực – một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của thị trường bán lẻ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các thống kê cho thấy, có đến 50% số nhân viên tham gia vào lĩnh vực kinh doanh chưa qua đào tạo chuyên ngành và hiện chưa có một đội ngũ lãnh đạo điều hành siêu thị được đào tạo bài bản về công nghiệp bán lẻ hiện đại.
Điều đáng nói là cho đến nay nhiều tỉnh, thành phố chưa có quy hoạch của hệ thống phân phối, cả quy hoạch về hệ thống phân phối trong toàn quốc cũng vẫn chưa được công bố. Các cơ chế về tiếp cận vốn, đất đai cho các Doanh nghiệp phát triển chuỗi siêu thị còn rất ít, thủ tục hành chính để thành lập Doanh nghiệp còn phiền hà, mất thời gian và cơ hội kinh doanh. Giá bất động sản tăng quá mạnh khiến cho mặt bằng thuê hoặc mua để kinh doanh của Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong khi đó chính sách giao đất cho thương mại bán lẻ, nội địa còn bất cập. Chính sách thuế hiện cũng chưa hoàn thiện, chẳng hạn như các siêu thị thực hiện thuế VAT, còn tư nhân thực hiện thuế khoán. Môi trường đầu tư và cạnh tranh chưa thực sự hấp dẫn, nếu không muốn nói là méo mó. Thậm chí theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sự phân biệt đối xử còn diễn ra ở một số tỉnh, thành phố. Theo đó, có những nơi sẵn sàng cho cấp đất hàng chục ha cho Doanh nghiệp nước ngoài khá dễ dàng, còn Doanh nghiệp Việt Nam đề nghị nhiều lần cũng chỉ được cấp khoảng 1.000 – 2000 m2…
Bên cạnh những khó khăn nội tại, Doanh nghiệp trong nước cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà bán lẻ hàng đầu quốc tế đang tìm cách mở rộng thị trường sang Việt Nam. Từ ngày 1/1/2009, theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam phải mở cửa cho các Doanh nghiệp FDI vào đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam với 100% vốn. Sức cạnh tranh ngày càng nóng hơn do đến nay hầu hết các tập đoàn bán lẻ lớn hàng đầu thế giới đã thâm nhập vào thị trường VN như Metro, BigC, Lotemart, Parkson, E mart… Với tiềm lực tài chính mạnh, trình độ quản lý chuyên nghiệp và hệ thống phân phối toàn cầu, các Doanh nghiệp ngày càng mở rộng quy mô kinh doanh bằng việc phát triển các chuỗi siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn ở Việt Nam. Theo Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, riêng BigC và Metro mỗi đơn vị đã có 17 điểm siêu thị trên cả nước. Tập đoàn E-mart (Hàn Quốc) đang có kế hoạch mở 52 siêu thị và cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Metro còn tham vọng mở từ 30 – 35 trung tâm bán buôn từ 3-5 năm tới. Với quy mô một trung tâm có từ 60.000 – 80.000 hội viên khách hàng thì đến nay Metro đã có hàng triệu khách hàng thường xuyên trên toàn quốc… 

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ

Hiện nay Doanh nghiệp Việt Nam đã bị phá sản và đối mặt với nguy cơ phá sản do hàng tồn kho quá nhiều trong bối cảnh sức mua trong nước giảm sút, thị trường xuất khẩu khó khăn. Do vậy, việc hỗ trợ các Doanh nghiệp bán lẻ để tạo kênh phân phối, góp phần hỗ trợ đầu ra đối với hàng tồn kho, qua đó chung tay gỡ khó cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của cộng động Doanh nghiệp là rất quan trọng.
Theo ông Vũ Vinh Phú, một trong những việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay là nên sắp xếp lại hệ thống phân phối và có sự kiểm soát. Đây cũng là lúc sàng lọc các Doanh nghiệp phân phối nhỏ, không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, chất lượng hàng hóa không bảo đảm để giúp cho thị trường phát bán lẻ Việt Nam triển đúng hướng và lành mạnh hơn. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch và củng cố thêm hệ thống phân phối, làm sao gắn sản xuất với bán buôn, bán lẻ và người tiêu dùng để giảm bớt khâu trung gian.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái, thay vì chỉ trông chờ vào một Doanh nghiệp, các đơn vị lớn nhất trong ngành bán lẻ phải tập hợp lại thành một “đầu tàu” để tập trung nguồn lực, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp để có thể đứng vững trên thị trường, vừa có thể cạnh tranh được với các nhà bán lẻ nước ngoài.
Trước những khó khăn về năng lực tài chính để mở rộng mạng lưới kinh doanh, TS. Phạm Hữu Thìn, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, với tiềm lực có hạn, Doanh nghiệp cần lựa chọn một mô hình riêng để xây dựng hệ thống bán lẻ cho phù hợp với thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, có thể tận dụng các kênh bán hàng truyền thống để phát triển thành mô hình cửa hàng tiện lợi vận doanh theo chuỗi. Nói cách khác, Doanh nghiệp bán lẻ nên tìm cách sử dụng chính cơ sở hạ tầng từ hệ thống cửa hàng nhỏ lẻ của các hộ kinh doanh cá thể trong dân. Bên cạnh đó, nếu tận dụng tốt được mạng lưới từ khoảng 9.000 chợ truyền thống tập trung ở nông thôn, ven đô thị lớn và các đô thị nhỏ hiện nay, chắc chắn việc mở rộng kinh doanh không phải là bài toán quá khó giải.
Một điều rất quan trọng hiện nay là các ngành, các cấp có liên quan đến công tác thương mại có sự quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ thương mại hiện đại phát triển. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi về thuế, về mặt bằng, lãi suất ngân hàng… cũng cần phải được quan tâm và thực thi nhiều hơn. Bên cạnh đó, cũng cần tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng và cởi mở giữa các Doanh nghiệp trong và ngoài nước, đi đôi với việc tạo sức mua của xã hội.

Theo Tạp Chí Tài chính

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không