Kiến thức Tài chính kế toán Tiếp tục ân hạn thuế 275 ngày

Tiếp tục ân hạn thuế 275 ngày

237
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamTrước những kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam về việc áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu, Bộ Tài chính đã có văn bản số 7908/BTC-TCHQ đồng ý với đề xuất này và sẽ báo cáo lên Chính phủ để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng.
Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành tại Điều 42 Luật Quản lý thuế, nếu là Doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan và tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan người nộp thuế không có nợ tiền thuế quá hạn, tiền phạt chậm nộp thì vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được áp dụng thời hạn nộp thuế là 275 ngày.
Quy định trên đã giúp Doanh nghiệp có thời gian thu xếp nguồn tiền để nộp thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, do cơ chế thông thoáng trong việc thành lập Doanh nghiệp và Doanh nghiệp có thể không thường xuyên thực hiện xuất nhập khẩu, nên có tình trạng lợi dụng chính sách ân hạn thuế để chây ỳ nợ thuế, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể. Đồng thời quy định này dẫn đến sự bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu (không được hưởng ưu đãi này), từ đó không khuyến khích sử dụng, tiêu dùng hàng nội địa trong bối cảnh hiện nay Chính phủ đang phát động phong trào ưu tiên dùng hàng Việt Nam và áp dụng các biện pháp chống nhập siêu; cơ quan quản lý thuế phải bố trí nguồn lực lớn cho công tác quản lý nợ thuế.
Để khắc phục tình trạng trên, góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế, chống thất thu, giảm nợ thuế, thực hiện thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách Nhà nước, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế (đa số các nước: Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Campuchia, Lào… không cho nợ thuế, phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng; một số nước cho chậm nộp thuế nhưng phải có bảo lãnh như Anh, hoặc cho nộp chậm với điều kiện có tài khoản do cơ quan Hải quan quản lý để đảm bảo việc nộp thuế như Newzeland), tại Tờ trình Quốc hội số 78/TTr-CP ngày 20-4-2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Chính phủ đã trình Quốc hội cho sửa đổi thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo đó, hàng hóa là vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 275 ngày. Trong thời hạn bảo lãnh không bị phạt chậm nộp thuế.
Bộ Tài chính cho rằng, nội dung sửa đổi theo hướng trên đã được lấy ý kiến các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan, thành viên Chính phủ. Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp và cho ý kiến về vấn đề này. Đa số các ý kiến nhất trí với việc sửa đổi theo hướng trên nhưng đề nghị rút ngắn thời hạn bảo lãnh đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu xuống 180 ngày (thay vì 275 ngày như Dự thảo Luật) hoặc theo thời gian quy định của chu kỳ sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng một số ý kiến cho rằng, quy định phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và duy trì các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
Do vậy, để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để giải trình và đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật, vì:
Thời hạn bảo lãnh quy định tại dự thảo Luật là thời hạn bảo lãnh tối đa, được kế thừa từ quy định của Luật thuế xuất nhập khẩu năm 1998. Thời hạn này đã được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với phần lớn hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu và đáp ứng chu kỳ sản xuất của một số lĩnh vực như chế biến nông sản, thực phẩm, dệt may, cơ khí…
Nếu rút ngắn thời hạn này từ 275 ngày xuống 180 ngày sẽ gây ảnh hưởng tác động tiêu cực đến các Doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đang phải có các giải pháp hỗ trợ tích cực để giảm bớt khó khăn đặc biệt là hỗ trợ đối với Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
Mặt khác, theo tính toán của cơ quan Hải quan, với mức bảo lãnh hiện hành các ngân hàng thương mại đang áp dụng (mức phí bảo lãnh dao động từ 1% đến 2%/năm/số tiền bảo lãnh từng hợp đồng, tối thiểu là 300.000 đồng/hợp đồng), thì số tiền phí bảo lãnh Doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng không lớn. Giả sử số tiền thuế phải nộp của một lô hàng là 300 triệu đồng, mức phí là 2%/năm – tính theo tháng là: 0,166%/tháng, thì số tiền phí bảo lãnh doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng là 498.000 đồng/tháng. Trường hợp mức phí bảo lãnh là 1,5%/năm – tính theo tháng là: 0,125%/tháng, thì số tiền phí bảo lãnh Doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng là 375.000 đồng/tháng.
Từ cơ sở nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Hiệp hội dệt may Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên chuẩn bị các điều kiện cần thiết, có chiến lược sản xuất kinh doanh thích hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.

Theo Báo Hải Quan

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không