Kiến thức Tài chính kế toán Hai điểm nghẽn kinh tế cần khắc phục

Hai điểm nghẽn kinh tế cần khắc phục

61
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamGiải quyết hai điểm nghẽn kinh tế hiện nay (là nợ xấu cao và sức mua thấp) có thể vừa khắc phục hiệu ứng phụ của việc kiềm chế lạm phát, vừa thực hiện mục tiêu tăng trưởng hợp lý.

Lạm phát đã được kiềm chế

Lạm phát biểu hiện ở tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). CPI tính theo tháng (so với tháng trước đó), sau khi tăng trưởng tương đối cao vào tháng 1 (tăng 1%) và tháng 2 (tăng 1,37%) do có Tết cổ truyền của dân tộc, tăng thấp trong 3 tháng liền sau đó (tháng 3 tăng 0,16%, tháng 4 tăng 0,05%, tháng 5 tăng 0,18%), thì tháng 6, CPI đã giảm 0,26%. Đây là tháng đầu tiên CPI giảm, sau 38 tháng tăng liên tục.
CPI sau 6 tháng (tháng 6/2012 so với tháng 12/2011) tăng 2,52%. Đây cũng là tốc độ tăng thấp nhất so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ trong 8 năm trước đó.
Trong khi đó, mức tăng CPI tính theo năm (tháng của năm nay so với cùng kỳ năm trước) cũng giảm mạnh và giảm dần qua các tháng: tháng 8/2011 tăng 23,02%, tháng 9 tăng 22,42%, tháng 10 tăng 21,11%, tháng 11 tăng 19,83%, tháng 12 tăng 18,13%, tháng 1/2012 tăng 17,19%, tháng 2 tăng 16,44%, tháng 3 tăng 14,25%, tháng 4 tăng 10,54%, tháng 5 tăng 8,34%, tháng 6 tăng 6,9%).
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, CPI tính theo năm sẽ còn tiếp tục tăng trưởng chậm lại từ nay đến tháng 9, do tốc độ tăng CPI của các tháng cùng kỳ năm trước khá cao (tháng 7/2011 tăng 1,17%, tháng 8 tăng 0,93%, tháng 9 tăng 0,82%); sau đó, CPI lại có xu hướng tăng lên, nhưng đến tháng 12 cũng chỉ ở mức trên dưới 6%.
Lạm phát được kiềm chế do nhiều nguyên nhân. Trước hết, về chi phí đẩy, 6 tháng đầu năm nay, nhập siêu thấp (ước 685 triệu USD, chỉ bằng 1/10 mức nhập siêu cùng kỳ năm trước và tỷ lệ nhập siêu cũng giảm mạnh, còn 1,4%, so với mức 15,7% của cùng kỳ năm ngoái), trong khi tỷ giá VND/USD sau 6 tháng giảm 0,8%. Sau nữa, giá xuất khẩu cũng giảm nhiều hơn tăng. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường cũng đã được “hãm” lại để thực hiện mục tiêu ưu tiên, riêng xăng dầu có lúc lên, có lúc giảm, tuy tăng nhiều hơn giảm.
Ngoài ra, về tổng cầu, vốn đầu tư và tiêu dùng đều co lại. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước sau 5 tháng mới đạt 36,4% kế hoạch cả năm. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước cũng khó tăng cao, thể hiện ở chỗ, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi số doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh hoặc phá sản gia tăng. Thị trường địa ốc vẫn chưa “thoát đáy”. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng còn rất khiêm tốn. Tốc độ tăng sản phẩm tồn kho của công nghiệp chế biến tuy có chậm lại trong vài tháng qua, nhưng vẫn ở mức rất cao (trên dưới 30%).
Về tiền tệ, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn rất khó khăn. Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm, nhưng vẫn còn cao. Mặt khác, do điều kiện vay rất khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là khi nợ cũ còn cao, nên tồn kho lớn và không bán được hàng… Trong khi đó, những doanh nghiệp có điều kiện vay thì chưa muốn vay để chờ lãi suất giảm hơn nữa. Chính vì thế, tăng trưởng dư nợ tín dụng sau 5 tháng còn mang dấu âm – một hiện tượng hiếm thấy so với cùng kỳ trong nhiều năm qua, trong khi lượng tiền cung ứng từ cuối năm ngoái đến nay đã lên tới 300.000 tỷ đồng.
Về tâm lý, lạm phát cao trước đây đã làm xuất hiện tâm lý “tích cốc phòng cơ”, “thắt lưng buộc bụng”, chờ lãi suất xuống nữa mới vay, giá giảm nữa mới mua. Một yếu tố rất quan trọng là giá lương thực, thực phẩm đã giảm trong nhiều tháng. Tính chung 6 tháng, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng thấp, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng chung (1,09% so với 2,52%), nhưng việc tăng như vậy cũng chủ yếu do giá ăn uống ngoài gia đình, còn giá lương thực đã giảm liên tục 6 tháng, giá thực phẩm giảm 4 tháng liền.

Khắc phục hậu quả từ sự biến động CPI

Lạm phát bước đầu đã được kiềm chế, nhưng việc này cũng để lại những hiệu ứng phụ. Một trong những hiệu ứng phụ rõ nhất là tăng trưởng kinh tế bị suy giảm không chỉ ở quý I, mà còn tiếp diễn ở quý II. Mặc dù Quốc hội vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 6%, nhưng nhiều chuyên gia trong nước và một số tổ chức quốc tế dự đoán rằng, tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt tối đa 5,7% – thấp hơn so với năm trước (5,89%) và cũng thấp hơn mục tiêu đề ra cho năm nay.
Đáng lưu ý, tăng trưởng kinh tế thấp hơn diễn ra ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản sẽ rất khó đạt mức tăng 4% như năm ngoái. Nhóm ngành công nghiệp – xây dựng năm ngoái tăng thấp (5,53%), nhưng quý I tăng rất thấp (2,94%), nên tính chung 6 tháng sẽ khó tăng cao; còn xây dựng vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng âm. Nhóm ngành dịch vụ năm ngoái tăng khá cao (7,08%), nhưng quý I năm nay chỉ tăng 5,31%.
Hiện tại, cần phải có lời giải cho hai điểm nghẽn ở đầu vào (nợ xấu) và ở đầu ra (sức mua).
Về điểm nghẽn nợ xấu cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 4 giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất. Ngày 11/6, trần lãi suất huy động VND từ 1 năm trở xuống đã giảm còn 9%/năm, làm cơ sở tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Hiện có ba loại ý kiến phản biện. Giảm lãi suất huy động có thể người gửi tiền chịu thiệt. Giảm trần lãi suất huy động sẽ có thêm dư địa để ngân hàng thương mại kiếm lợi nhuận khi giá đầu vào thấp hơn; còn lãi suất cho vay giảm hay không vẫn do các ngân hàng thương mại quyết định. Hạ lãi suất chỉ kích cung là chính, còn kích cầu chỉ gián tiếp, phải thông qua các ngân hàng thương mại.
Thứ hai, thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc bảo toàn vốn, tạo thanh khoản nhất định cho các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó có lượng vốn cần thiết để cho vay. Hiện có 3 ý kiến phản biện. Tiền đâu để mua nợ, trong đó nhiều người cho rằng, không thể dùng ngân sách để mua nợ xấu của các ngân hàng. Mua nợ để cứu ai cũng phải được chọn lọc, để tránh cứu cả những món nợ do sự yếu kém chủ quan của ngân hàng thương mại hay của doanh nghiệp. Việc lập công ty mua bán nợ xấu phải có tiêu chí rất rõ ràng, minh bạch.
Thứ ba, cần có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu giải ngân được khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở các ngân hàng (khoảng 50.000 tỷ đồng) thì sẽ cải thiện thanh khoản, đẩy nhanh tín dụng.
Thứ tư, hỗ trợ vốn vay mua nhà đối với người thu nhập trung bình, thu nhập thấp, để giải tỏa lượng bất động sản tồn đọng lớn; bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về điểm nghẽn sức mua thấp, cần hỗ trợ để giảm tình trạng ngừng sản xuất, kinh doanh, giải thể, góp phần ngăn chặn thất nghiệp, thiếu việc làm, hạn chế việc giảm thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư. Đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng về nông thôn. Các doanh nghiệp mạnh dạn giảm giá bán hơn nữa để vừa tiêu thụ nhanh hàng hoá, vừa tranh thủ lúc giá còn đang tương đối cao, vừa thu hồi để tăng tốc quay vòng vốn…
Minh Nhung

Theo Báo đầu tư

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không