Kiến thức Con người Làn sóng thay đổi lãnh đạo ở những công ty chứng khoán

Làn sóng thay đổi lãnh đạo ở những công ty chứng khoán

8
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamChỉ trong tháng 6, hàng chục công ty chứng khoán trong Nam ngoài Bắc thông báo thay đổi ban lãnh đạo và hội đồng quản trị. Phần nhiều trong số này là công ty cỡ vừa và nhỏ, đang cố gắng xốc lại hoạt động.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội ghi nhận riêng trong tháng 6 có gần 20 lượt thông báo của các công ty chứng khoán về thay đổi nhân sự cấp cao.

Trong tháng 5, số công ty thay đổi vị trí quản lý cũng là trên dưới 10 trường hợp. Tình hình tương tự tại HOSE, với hơn 10 công ty có sếp mới.

Tại một số công ty, hầu như toàn bộ ban lãnh đạo và hội đồng quản trị được thay thế. Công ty chứng khoán Dầu khí (PVS) bổ nhiệm tân chủ tịch hội đồng quản trị Dương Minh Đức, đồng thời vị trí Tổng giám đốc trước đây của ông này được chuyển cho một thành viên hội đồng quản trị là ông Bùi Ngọc Thắng nắm giữ.

Công ty này cũng bổ nhiệm phó tổng giám đốc và bổ sung 2 gương mặt mới cho hội đồng quản trị.

Công ty chứng khoán Thái Bình Dương cùng lúc thay đổi chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc. Vị trí chủ tịch hội đồng quản trị do ông Đỗ Lê Hòa thay thế ông Phan Văn Quý, còn “ghế” tổng giám đốc sẽ do ông Nguyễn Đức Anh nắm thay cho ông Trần Dũng Tiến.

Tương tự, một loạt nơi khác như Công ty chứng khoán VPBank, Sài Gòn – Hà Nội, Sen Vàng, Thành Công, Sao Việt, Miền Nam, Phương Đông… đều có xáo trộn về nhân sự cấp cao.

Sự dịch chuyển nhân sự thường diễn ra ở các đơn vị cỡ vừa và nhỏ. Tại các công ty lớn, phần nhiều bộ máy nhân sự cấp cao được giữ ổn định, ngoại trừ trường hợp một phó tổng giám đốc của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đổi vị trí do nguyện vọng cá nhân của ông này.

Với những công ty có quy mô nhỏ, quy mô vài chục nhân sự, việc tái cơ cấu có thể thực hiện một cách thuận lợi. Đây cũng là nhu cầu bức thiết của những doanh nghiệp này sau thời gian cầm cự trong khủng hoảng.

Một cán bộ về nhân sự cho biết, thực tế, lãnh đạo chủ chốt của nhiều công ty chứng khoán thường xuyên nhận được lời mời chuyển về cộng tác.

Vấn đề chỉ là họ có chấp nhận lời mời hay không. “Đầu năm nay, một số công ty đã phải thay đổi lãnh đạo để cải thiện hoạt động trong lúc khủng hoảng. Nhưng làn sóng dịch chuyển thời điểm này là do nhiều cán bộ tìm cơ hội đãi ngộ tốt hơn, cùng lúc các công ty đẩy mạnh cải tổ”, vị cán bộ này lý giải.

Vào thời điểm thị trường sốt nóng trong năm 2006-2007, nhiều công ty tuyển nhân sự một cách ồ ạt, nhận cả những người chưa có kinh nghiệm về tài chính, chứng khoán.

Nay việc dịch chuyển tại các công ty có sự sàng lọc kỹ càng. Đối tượng được nhắm đến là những người trẻ, nhưng có kinh nghiệm trong đối phó với các tình huống thị trường và có thể xây dựng êkíp làm việc tốt.

Với thói quen làm việc theo êkíp trong ngành chứng khoán, khi dịch chuyển, trưởng bộ phận cũng thường kéo theo nhóm cộng tác của mình. Hiện một số công ty chứng khoán đã đề ra quy định khi rời đi, nhân sự phải cam kết không đưa theo các “chiến hữu”.

Một lãnh đạo công ty chứng khoán nhận xét, phần lớn sự dịch chuyển về nhân sự trong các công ty đều mang lại không khí làm việc và hiệu quả tốt hơn.

Thời điểm hậu khủng hoảng là cơ hội để tái cơ cấu công ty cũng như có thêm nhiều lãnh đạo trẻ. Theo ông này, sự dịch chuyển về nhân sự cũng là một dấu hiệu cho thấy thời điểm khó khăn nhất đã qua.

Theo VnExpress

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không