“Hiện nay quy định hệ số an toàn vốn CAR là 9% của Thông tư 13&19 cũng chỉ đang tính chủ yếu trên rủi ro tín dụng còn các loại rủi ro còn lại chưa được quan tâm nhiều.”
Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam (Ngân hàng thương mại) mới chỉ có khoảng 20 năm tuổi, rất khiêm tốn so với hàng trăm năm tuổi của hệ thống ngân hàng tại các quốc gia phát triển. Tuy nhiên trong xu hướng phát triển hiện nay đòi hỏi các Ngân hàng thương mại cần nhanh chóng thay đổi, theo kịp những tiêu chuẩn quốc tế. Đó là một trong những điều kiện để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có thể nâng xếp hạng các Ngân hàng thương mại Việt Nam.
Tài sản thế chấp chỉ là nguồn trả nợ thứ yếu
Trong suốt những năm phát triển vừa qua, Ngân hàng thương mại Việt Nam chủ yếu quan tâm đến rủi ro tín dụng. Đây là hoạt động chính của các Ngân hàng thương mại. Để đảm bảo an toàn cho tín dụng các Ngân hàng thương mại sử dụng tài sản thế chấp. Các NH cũng có phân loại tài sản đảm bảo như giấy tờ có giá (sổ tiết kiệm), bảo lãnh, chứng khoán và bất động sản.
Chiếm phần lớn trong đó vẫn là BDS như nhà xưởng, máy móc thiết bị, nhà ở. Điều này cũng phản ánh bản chất của nền kinh tế khi mà người dân vẫn quan niệm phải sở hữu BDS, còn các doanh nghiệp thì không có vốn nên phải lấy đất đai nhà xưởng làm tài sản thế chấp.
Với cách tư duy này các Ngân hàng thương mại coi việc thanh lý tài sản thế chấp là phương pháp chính để giải quyết các rủi ro của tín dụng. Để có thể thanh lý được thì tài tài sản thế chấp phải đảm bảo tính pháp lý, có giá trị, tính khả mại và có khả năng quản lý.
Các Ngân hàng thương mại vẫn thường nhận tài sản thế chấp BDS và cho vay tối đa 70% giá trị BDS thế chấp. Để an toàn hơn thì giá trị BDS thường được định giá thấp hơn so với giao dịch thực tế. Tuy nhiên nhiều trường hợp khi BDS nằm ở vị trí không tốt, hay gặp phải quy hoạch thì NH không thể phát mại để thu hồi vốn.
Nếu như hầu hết các tài sản thế chấp đều là BDS thì việc thị trường BDS đi xuống, mất thanh khoản sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới giá trị tài sản thế chấp. Do đó quản lý rủi ro có nguyên tắc rất quan trọng là tài sản thế chấp chỉ là nguồn trả nợ thứ yếu, nguồn chính phải là doanh thu và dòng tiền trả nợ của người vay.
Tư duy mới về quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng
Trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế có những biến động khôn lường thì quản lý rủi ro càng phải được quan tâm hàng đầu. Trước hết việc phân loại rủi ro cũng cần có sự thay đổi theo hướng chi tiết và sát với thực tế hơn. Theo một số chuyên gia có 4 loại rủi ro chính là rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro tác nghiệp và rủi ro thanh khoản.
Rủi ro thanh khoản ngân hàng ở Việt Nam chỉ có rủi ro trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, các yêu cầu rút tiền tiết kiệm của người gửi, so với các nước thì định nghĩa này chưa đầy đủ. Ở các quốc gia phát triển thì rủi ro thanh khoản còn được tính đến là rủi ro từ việc thiếu vốn cho vay ra, các Ngân hàng thương mại phải huy động vốn bằng mọi giá.
Rủi ro về tác nghiệp xoay quanh 4 nguyên nhân chính là con người như, hệ thống thông tin, quy trình và do khách quan. Những rủi ro này trong tình hình hiện nay càng trở nên phổ biến. Ví dụ về những sai sót của hệ thống ATM đếm tiền, trả tiền nhầm hay như tác nghiệp sai của nhân viên ngân hàng trong quá trình giao dịch với khách hàng. Hệ thống quản lý rủi ro các Ngân hàng thương mại hiện chưa tính toán được chính xác mức độ rủi ro từ tác nghiệp, nhưng tại Úc tỷ lệ này khoảng 23%. Như vậy nếu lượng hóa tỷ lệ này tại Ngân hàng thương mại Việt Nam cũng không nhỏ, do đó cần sự quan tâm hơn của lãnh đạo Ngân hàng thương mại đối với loại rủi ro này.
Rủi ro thị trường thì thời gian gần đây cũng đang dần được quan tâm hơn. Điều này xuất phát từ việc các Ngân hàng thương mại phải đối mặt với những rủi ro từ lãi suất, tỷ giá, chứng khoán và các sản phẩm hàng hóa phái sinh. Sự biến động lãi suất không ngừng trong suốt 1 năm vừa qua cũng đã cảnh báo nhiều ngân hàng về rủi ro thị trường, hay những đợt giải chấp cổ phiếu cầm cố có tác động không nhỏ đến TTCK.
Cuối cùng là rủi ro tín dụng. Ngay như với quản trị rủi ro tín dụng được coi là có nhiều kinh nghiệm nhất thì các Ngân hàng thương mại cũng chưa có nhận thức đầy đủ. Rủi ro tín dụng hiện mới được các Ngân hàng thương mại hiểu là rủi ro khi khách hàng không trả được nợ. Thực tế thì còn một loại rủi ro tín dụng khác là rủi ro danh mục. Rủi ro danh mục tín dụng là khi tín dụng Ngân hàng thương mại tập trung quá nhiều vào một loại tín dụng không đa dạng hóa mà thường “bỏ trứng vào một giỏ”. Nhiều Ngân hàng thương mại hiện gặp phải vấn đề này khi mà dư nợ cho vay BDS quá cao và thị trường BDS có những biểu hiện suy giảm, mất thanh khoản.
Ông Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng- cho rằng: “ Hiện nay quy định hệ số an toàn vốn CAR là 9% của Thông tư 13&19 cũng chỉ đang tính chủ yếu trên rủi ro tín dụng còn các loại rủi ro còn lại chưa được quan tâm nhiều.”
Ngân hàng nhà nước đã có thực hiện lấy ý kiến chuyên gia để ban hành thông tư quản lý rủi ro nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần phải sửa đổi nhiều để thông tư ban hành thực sự nâng cao chất lượng quản lý rủi ro trong hệ thống Ngân hàng thương mại
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Vinh – Phó chánh văn phòng Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng- thì:“ Điều quan trọng hiện giờ là hình thành văn hóa quản lý rủi ro và nâng cao nhận thức của HĐQT về quản lý rủi ro cho chính ngân hàng của mình.”
Ông Vinh cho rằng HĐQT Ngân hàng thương mại nên và phải ở vị trí chịu trách nhiệm cao nhất về mọi hoạt động và rủi ro do ngân hàng gánh chịu. Điểm thứ hai là sự độc lập của hoạt động kiểm soát rủi ro trong các tổ chức tín dụng và tránh sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ dẫn đến xung đột lợi ích và xung đột mục tiêu.
Để thực hiện những điều này chắc chắn các ngân hàng sẽ phải bỏ ra một nguồn lực không nhỏ để có được hệ thống quản lý rủi ro lành mạnh. Điều này có thể làm các ngân hàng hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn nhưng sẽ đảm bảo lợi thế cạnh tranh trong dài hạn và có được sự tin tưởng từ các nhà đầu tư trên thị trường và người dân.
Với sự hội nhập kinh tế và sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài cũng như cơ hội để các ngân hàng Việt Nam có hoạt động kinh doanh và hiện diện ở nước ngoài thì việc áp dụng các chuẩn mực quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế là rất cần thiết.
Theo Cafef
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông