Tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục là lựa chọn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp vay vốn trong năm 2012.
Tại cuộc gặp bên lề vừa qua, giám đốc một chi nhánh Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) khu vực phía Nam cho biết, thời gian gần đây lượng khách hàng doanh nghiệp tại địa bàn mình phụ trách đã tăng lên nhanh chóng.
Cú hích chính cho sự gia tăng là gói sản phẩm dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp, trong đó nổi bật là sản phẩm tín dụng ngoại tệ với những ưu thế cạnh tranh khá đặc biệt trên thị trường.
Cụ thể, Eximbank triển khai gói sản phẩm tín dụng ưu đãi xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ được áp lãi suất thấp cùng với cơ chế giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Lãi suất cho vay USD theo sản phẩm này chỉ 5%/năm, thấp hơn nhiều so với mức từ 6% – 9%/năm phổ biến trên thị trường. Thêm vào đó, để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định chi phí khoản vay, ngân hàng đưa ra cam kết “bảo hiểm” cho rủi ro nếu tỷ giá trong kỳ tăng trên 1% mỗi tháng.
Lãi suất thấp, lo ngại về rủi ro tỷ giá đã được giới hạn, sản phẩm này lập tức thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp xuất khẩu. Với Eximbank, không chỉ lượng khách hàng vay vốn tăng, mà các sản phẩm dịch vụ đi kèm cũng có thêm cơ sở để mở rộng, bởi đi cùng với tín dụng là các mối quan hệ tiền gửi, quản lý dòng tiền, thanh toán xuất nhập khẩu, thậm chí là cả khả năng kết nối thêm cho các sản phẩm tài chính cá nhân là chủ các doanh nghiệp…
Sản phẩm trên của Eximbank khá riêng về cơ chế, được lãnh đạo ngân hàng này giải thích là tập trung nguồn lực hỗ trợ nhóm doanh nghiệp xuất khẩu. Đây cũng là một trong những đối tượng được khuyến khích theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Như trong năm 2011, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ ở khoảng 10,9% (theo số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật đến ngày 21/12/2011), nhưng tín dụng cho xuất khẩu đã tăng tới 58%. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, dòng vốn theo đó đã được nắn đến những địa chỉ cần ưu tiên; khối xuất khẩu được hỗ trợ mạnh hơn đã góp phần tạo kỷ lục kim ngạch trong năm 2011, góp phần kiềm chế nhập siêu tốt hơn.
Sự hỗ trợ đó, ngoài tập trung vốn còn là tính hấp dẫn trong chênh lệch lãi suất. Lãi vay USD thời gian qua phổ biến từ 6% – 9%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay vốn bằng VND phổ biến từ 18% – 24%/năm, trong khi tỷ giá USD/VND được giữ tương đối ổn định. Vay USD lãi suất thấp, chuyển đổi sang VND để đưa vào sản xuất kinh doanh, nguồn vốn rẻ này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có thêm điều kiện để cạnh tranh trên thị trường thế giới hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh…
Năm 2012, chênh lệch lãi suất giữa USD với VND vẫn tiếp tục lớn để tạo thêm hấp dẫn cho tín dụng ngoại tệ. Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra dự kiến kiểm soát biến động tỷ giá USD/VND trong năm nay sẽ chỉ trong khoảng 2% – 3%, một thông điệp về giảm thiểu những rủi ro tỷ giá. Nhưng, tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục là một dòng chảy chủ đạo, nhưng sẽ tiếp tục chọn lọc.
Trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái hãm phanh dòng vốn này theo hướng thu hẹp các nhóm đối tượng, chủ yếu dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc chứng minh được có nguồn ngoại tệ trả nợ. Điều này hạn chế bớt áp lực cầu ngoại tệ đối với tỷ giá khi các khoản vay đáo hạn. Thực tế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cũng đã có xu hướng ổn định trở lại, sau sự bùng nổ của năm 2010.
Dữ liệu thống kê cho thấy, từ mức tăng tới 48,45% trong năm 2010 (gấp tới 3,2 lần so với năm 2009), tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ năm 2011 ước chỉ tăng 18,7%, về gần với các năm 2009, 2008 (15,12% và 17,61%).
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống ở mức thấp, chỉ khoảng 15% – 17%, nhưng sẽ không bất ngờ nếu tín dụng ngoại tệ tiếp tục cao hơn chỉ tiêu chung này.
Theo VnEconomy
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông