Trong tháng 5 vừa qua, nhiều chính sách tiền tệ bắt đầu có hiệu lực thi hành, trong đó một số nội dung vẫn còn chờ đợi hướng dẫn cụ thể.
Thông tư số 07/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt đầu có hiệu lực.
Với thông tư trên, trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng bị thu hẹp từ +/-30% vốn tự có xuống còn +/-20% vốn tự có. Cụ thể, Thông tư 07 quy định: tổng trạng thái ngoại tệ dương của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 20% vốn tự có; tổng trạng thái ngoại tệ âm cuối ngày của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 20% vốn tự có.
Quy định trên được đưa ra sau khoảng một năm kể từ khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phù hợp với thực tế hoạt động của các tổ chức tín dụng sau một thời gian dài áp giới hạn +/-30%, cũng như hạn chế nhất định điều kiện tạo khả năng đầu cơ ngoại tệ trong hệ thống.
Hai ngày giao dịch cuối tháng 4 vừa qua, tỷ giá USD/VND có những biến động đáng kể. Các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng giá USD mua vào từ 30 – 40 VND, tăng giá USD bán ra từ 60 – 70 VND. Diễn biến này có thể gắn với nhu cầu mua vào của một số tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo giới hạn mới về trạng thái ngoại tệ nói trên.
Cũng là một giải pháp góp phần quản lý và giữ ổn định thị trường ngoại hối, từ hôm nay (2/5), Thông tư số 03/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng bắt đầu có hiệu lực.
Cơ chế tín dụng ngoại tệ mới đã có những thay đổi căn bản so với trước đó, theo hướng siết chặt hơn dòng vốn mà nhiều ý kiến thời gian qua cho là gây xáo trộn và tạo áp lực đối với tỷ giá USD/VND; dù giá trị của dòng vốn này đối với doanh nghiệp, với hoạt động xuất khẩu… là rất đáng kể.
Cụ thể, cơ chế mới đã loại bỏ nhiều đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, kể cả nhà xuất khẩu vay để quy đổi sang VND đưa vào sản xuất trong nước. Và các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối chỉ được xem xét quyết định cho vay đối với các nhu cầu vốn: cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất – kinh doanh để trả nợ vay; vay để thanh toán tiền nhập khẩu xăng dầu… Một số trường hợp, dự án có thể được vay nhưng phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
2/5, một mốc hẹn trong Thông tư 11/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng bắt đầu có hiệu lực. Theo thông tư này, từ ngày 1/5/2011, tổ chức tín dụng không được thực hiện cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các tổ chức tín dụng khác, kể cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết.
Và thông tư cũng quy định các tổ chức tín dụng không được gửi vàng tại tổ chức tín dụng khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng. Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng chấm dứt vào ngày 1/5/2012.
Liên quan đến quy định trên, thời gian gần đây thị trường bắt đầu đón nhận dịch vụ nhận giữ vàng có lợi tức của một số ngân hàng thương mại. Khi huy động vàng bị cấm, một số nhà băng đã mở dịch vụ giữ hộ và trả lợi tức khá cao, có từ 3,5% – 4,6%/năm.
Trong khi đó, một câu hỏi đang được đặt ra là nhóm “G5” là các ngân hàng thương mại được chọn tham gia giải pháp bình ổn thị trường vàng thời gian qua có được loại trừ khỏi quy định trên hay không? Bởi nhóm này phải huy động vàng trong dân, chuyển đổi một phần nhất định trong đó để tạo cung bình ổn thị trường tại những thời điểm cần thiết. Nếu cũng bị cấm như các tổ chức tín dụng khác thì sẽ không có nguồn để chuyển đổi.
Về câu hỏi trên, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu 5 ngân hàng thương mại đó báo cáo về tình hình mạng lưới hoạt động, chuẩn bị cho việc triển khai các chính sách điều hành, quản lý thị trường vàng. Có thể, nhóm này sẽ được chọn là các đại lý, huy động và kinh doanh vàng theo nghị định mới ban hành.
Nghị định mới ban hành về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng là văn bản bắt đầu có hiệu lực trong tháng này (từ ngày 25/5). Đây là văn bản quan trọng, tạo những thay đổi cơ bản về hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trong thời gian tới.
Nghị định này quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Ngân hàng Nhà nước tổ chức quản lý và sản xuất vàng miếng qua các hạn mức từng thời kỳ; cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán…
Hiện thông tư hướng dẫn cụ thể cho nghị định trên đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng và lấy ý kiến hoàn thiện để sớm đưa chính sách mới vào cuộc sống.
Theo VnEconomy
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông