Kiến thức Chiến lược Chuyển đổi để bắt kịp công nghiệp 4.0

Chuyển đổi để bắt kịp công nghiệp 4.0

8
Một nền sản xuất mới đang được hình thành, đòi hỏi cần có sự chuyển đổi để bắt kịp công nghiệp 4.0 và tận dụng lợi thế từ việc giảm thuế, cũng như thu hút đầu tư và mở rộng thị trường với hơn 16 Hiệp định thương mại tư do mà Việt Nam hiện là thành viên. Trong khi đó, một quá trình “sàng lọc tự nhiên” đang diễn ra tại Việt Nam với những các doanh nghiệp không thể cạnh tranh.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Đây là khuyến nghị của giới chuyên gia Thái Lan với mục đích thúc đẩy, tạo ra những ý tưởng kinh doanh mới cho các nhà sản xuất Việt Nam và mang đến những định hướng sản xuất mới cho thị trường Việt Nam.

Ông Suttisak Wilanan, Phó Giám đốc điều hành công ty Reed Tradex (Thái Lan), lưu ý rằng các hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết gần đây có khả năng sẽ tăng cường cạnh tranh trên thị trường, nhưng đồng thời cũng mở rộng phạm vi kết nối quốc tế. Một quá trình sàng lọc tự nhiên đang diễn ra tại Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) không thể cạnh tranh do thiếu vốn hoặc công nghệ, đang dần biến mất khỏi thị trường.

Sàng lọc tự nhiên

Lời cảnh báo này rất đáng để lưu tâm, nhất là các DN nhỏ và vừa, vốn vẫn đang chật vật về mặt tài chính nên chuyện đầu tư về mặt công nghệ mới còn khiêm tốn là khó tránh khỏi.

Chia sẻ trong khuôn khổ triển lãm quốc tế sản phẩm công nghiệp hỗ trợ “Metalex Việt Nam 2017” diễn ra ở

Tp.HCM ngày 12/10, ông Suttisak nói rằng: “Hơn bao giờ hết, cán cân cung cầu đang thiếu cân bằng khi số lượng DN sản xuất còn ít, trong khi số lượng các nhà đầu tư ngày càng tăng, đi cùng yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao”.

Trong khi đó, trong báo cáo mới đây của Bộ Công Thương vẫn đang cho thấy những triển vọng lạc quan của công nghệ chế biến, chế tạo – lĩnh vực cốt lõi cho mục tiêu hướng tới công nghiệp 4.0.

Theo đánh giá của bộ này, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng khá cao (cao hơn so với mức tăng cùng kỳ) và là động lực tăng trưởng chung của toàn ngành sản xuất công nghiệp, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng (hạn chế phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, thiên nhiên).

Số liệu thống kê cũng cho thấy chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng đầu năm nay tăng 9,8% (cao hơn mức tăng 8,3% của cùng kỳ năm 2016 so với 2015).

Còn trong 9 tháng đầu năm, tiêu thụ của ngành sản xuất công nghiệp thuận lợi và có xu hướng tăng, tất cả các ngành thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng tiêu thụ cao hơn so với cùng kỳ ở mức từ 5,5% đến trên 30%.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhiều ngành chế biến, chế tạo đạt tăng trưởng ở mức hai con số, điển hình như: Dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, sản xuất giường tủ, bàn ghế…

Cần sự chuyển đổi

Về xuất khẩu, trong 9 tháng qua, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 123,9 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 80,44% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng ở tất cả các mặt hàng, ngoại trừ đá quý và kim loại (giảm 43,3%).

Trong đó nổi bật là sự tăng trưởng cao trên 20% của một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: Sắt thép các loại (tăng 49,7%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (40,8%), điện thoại các loại và linh kiện (21,4%), máy móc, thiết bị và phụ tùng (30,1%), giấy và sản phẩm từ giấy (32,7%) và khả năng duy trì ở mức ổn định cao của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may (8,6%), da giày (12,7%).

Từ những con số triển vọng này, theo đánh giá của giới chuyên gia đến từ Thái Lan, một nền sản xuất mới đang được hình thành đòi hỏi cần có sự chuyển đổi để bắt kịp công nghiệp 4.0 và tận dụng lợi thế từ việc giảm thuế, cũng như thu hút đầu tư và mở rộng thị trường với hơn 16 FTA mà Việt Nam hiện là thành viên.

Ông Suttisak đưa ra ví dụ về việc mở rộng ngành công nghiệp chế tạo sang các phân khúc khác: “Tháng 6 vừa qua, Hanwha Techwin xây dựng nhà máy sản xuất động cơ máy bay đầu tiên tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Đây là một cơ hội mới cho ngành sản xuất của Việt Nam khi Hanwha Techwin đang có kế hoạch phát triển kinh doanh lâu dài khi giành được các đơn đặt hàng cỡ lớn các nhà sản xuất động cơ máy bay tầm cỡ thế giới như GE, Pratt & Whitney (P & W) và Rolls-Royce”.

Vị lãnh đạo của Reed Tradex nhấn mạnh: “Cần phải nhìn nhận tầm quan trọng của việc đầu tư thích hợp vào các công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tiếp cận xa hơn ngoài các thị trường truyền thống”.

Giới chuyên gia Thái cũng cho biết vào năm ngoái, Tạp chí CommonWealth đã công bố về Cuộc chạy đua 58 Giây. 58 Giây là thời gian để BMW sản xuất một chiếc xe theo yêu cầu, Siemens có thể tạo ra một bộ điều khiển tùy biến hoặc Optima có thể tạo ra một chai nước hoa theo đơn hàng. Công nghiệp 4.0 đang tạo ra những định nghĩa mới về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong thế kỷ 21”.

Ông Suttisak nói thêm: “Để cạnh tranh trong thế kỷ 21, các nhà sản xuất Việt Nam cần cải thiện và nâng cao hiệu quả công việc kinh doanh, nhanh nhẹn trong việc nắm bắt xu hướng và hợp tác để đảm bảo vị thế cạnh tranh”.

Theo Thời báo Tài chính

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không