Mùa công bố kết quả kinh doanh năm trước, số doanh nghiệp có chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán tăng lên đột biến. Trao đổi với PV, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng, khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh, cần có thêm yêu cầu giải trình về dòng tiền, các khoản dự phòng, trích lập… Bên cạnh đó, Luật Kiểm toán độc lập vừa được Quốc hội thông qua sẽ hạn chế tình trạng kiểm toán “thông đồng” với doanh nghiệp để lờ đi những sai lệch về số liệu tài chính.
Ông giải thích như thế nào về sự “bùng phát” chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán thời gian gần đây?
Tình trạng hai số liệu khác nhau, thậm chí khác xa nhau tại cùng một doanh nghiệp trong cùng một kỳ kế toán trước và sau kiểm toán, theo tôi có một số nguyên nhân. Trước hết, không loại trừ một số doanh nghiệp cố tình gian lận, làm sai lệch số liệu một cách chủ ý. Thứ hai, những năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam có nhiều biến động, lạm phát, thị trường tài chính, TTCK trồi sụt khó lường. Từ đó, việc hạch toán doanh thu, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp có thể không tuân thủ chuẩn mực kế toán, không đúng các quy định của Nhà nước, dẫn đến sai lệch trong xác định kết quả kinh doanh. Cơ quan thuế, các tổ chức kiểm toán căn cứ quy định của Nhà nước, căn cứ chuẩn mực kế toán có thể đưa ra những số liệu khác về doanh thu, chi phí.
Một nguyên nhân nữa là sự thiếu nhất quán trong quan niệm và cách hiểu về mức độ trích lập các khoản dự phòng, đặc biệt là trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư, dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi, dự phòng các khoản nợ xấu trong hoạt động tín dụng của ngân hàng. Trong không ít trường hợp, số lãi ít đi hay số lỗ của doanh nghiệp tăng lên nằm ngay trong các khoản dự phòng và nó trở thành lãi của doanh nghiệp trong những kỳ sau, nếu rủi ro tài chính không xảy ra, dự phòng không cần dùng đến.
Sự chênh lệch quá lớn giữa hai số liệu là điều không bình thường, nhưng lại diễn ra phổ biến. Theo ông, NĐT cần làm gì để bảo vệ mình?
NĐT đọc báo cáo tài chính nên đọc một cách toàn diện, hiểu một cách đầy đủ các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính, chứ không nên chỉ nhìn vào con số lỗ, lãi. doanh nghiệp có thể lãi ít, nhưng thực hiện đầy đủ việc trích lập các khoản dự phòng sẽ tốt hơn nhiều doanh nghiệp lãi nhiều mà không trích lập dự phòng hoặc trích lập không đầy đủ, bởi doanh nghiệp đó sẽ lúng túng ứng phó, thậm chí có thể đổ vỡ khi tình huống xấu xảy ra trên thực tế.
Chúng tôi đang kiến nghị Nhà nước có quy định lại yêu cầu các doanh nghiệp khi công bố kết quả kinh doanh hàng năm đều phải có giải trình và thông tin về tình hình trích lập các khoản dự phòng, các khoản dự trữ bắt buộc. Các phương án chia lãi cổ tức cần phải công khai, số lãi có chia được hay không, dòng tiền liệu có đảm bảo thanh toán các khoản chi trả cổ tức. Tôi thấy, không ít doanh nghiệp công bố lãi rất nhiều, nhưng không có tiền để chi trả cổ tức bằng tiền mặt, mà nhiều năm liền chi trả toàn bộ hay một phần bằng cổ phiếu. Điều đó thể hiện tài chính công ty không đủ mạnh.
Trước tình trạng “hai số liệu”, theo ông có nên quy định các doanh nghiệp chỉ được công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán hay không?
Theo quy định hiện nay, khi công bố báo cáo tài chính, doanh nghiệp không đơn thuần công bố BCTC, mà có các thuyết minh báo cáo tài chính. Ngoài báo cáo tài chính của doanh nghiệp thì tùy đối tượng còn phải công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Báo cáo này cho biết chi tiết hơn số liệu nào tin cậy hoàn toàn, số liệu nào tin cậy có mức độ, điểm nào phải ngoại trừ và lý do vì sao. Vấn đề không phải là hạn chế doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính, mà quan trọng là người sử dụng những thông tin báo trong báo cáo tài chính đó như thế nào.
Không ít cuộc kiểm toán đã chỉ ra doanh nghiệp lãi thấp hơn hoặc lỗ nhiều hơn so với báo cáo tài chính do doanh nghiệp công bố. Tuy nhiên, hiện vẫn xảy ra trường hợp kiểm toán viên và công ty kiểm toán đồng thuận với doanh nghiệp, làm mất đi tính khách quan trung thực của kiểm toán độc lập, thưa ông?
Ở Việt Nam hiện có gần 200 doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, gần 2.000 kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề. Đã xảy ra việc cạnh tranh giữa các công ty kiểm toán và kiểm toán viên. Không ít công ty kiểm toán vì lợi ích mà chạy theo khách hàng. Công ty thuê kiểm toán không nhằm chứng minh báo cáo tài chính, mà phục vụ mục đích nào đó của doanh nghiệp như phát hành tăng vốn, nâng cao năng lực đấu thầu… Trong chừng mực nào đó, có tình trạng không trung thực, không hết trách nhiệm trong việc đưa ra ý kiến của kiểm toán viên để thỏa mãn yêu cầu của đối tương kiểm toán, dẫn đến sai lệch số liệu trong báo cáo kiểm toán.
Luật Kiểm toán độc lập vừa được Quốc hội thông qua, nghị định xử phạt trong lĩnh vực kiểm toán được ban hành sẽ hạn chế tình trạng trên. Hiện Hội Kế toán và kiểm toán đã ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và có nhiều hình thức kiểm tra hoạt động của kiểm toán viên và các công ty kiểm toán. Chúng tôi có chế tài phê bình, khiển trách và công khai sai phạm của các kiểm toán viên, nặng hơn thì có thể ra quyết định cấm hành nghề, cấm tham gia các cuộc kiểm toán trong một thời gian nhất định, một số trường hợp là rút giấy phép hành nghề.
Theo ĐTCK
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông