Buông bỏ được những ân oán hờn giận trong đời không phải là việc ai cũng làm được, nhưng một khi trút được gánh nặng trong lòng ấy thì con người sẽ trở nên bao dung, độ lượng hơn với mọi sự trong đời. Hãy nhìn mọi việc một cách nhẹ nhàng và hãy ung dung đối diện với sóng gió…
Có 3 loại cơm không nên ăn
1. Ăn quá no
Sức khỏe phải được coi là vấn đề hàng đầu cần được quan tâm của mỗi người. Vì vậy, ngay đến cả nết ăn nết uống cũng phải chú ý, đừng ăn quá no, đừng ăn nhanh, uống nhanh. Khi bưng bát cơm ăn, hãy nhớ vì bao tử, vì huyết áp của mình mà ăn uống vừa đủ. Ông cha ta nói: “Họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào” là có ý tứ như thế.
2. Ăn thức ăn nhiều dầu mỡ
Trăm thứ bệnh đều bắt nguồn từ chất béo mà ra, các loại dầu mỡ là thực phẩm chứa nhiều năng lượng, tích tụ trong cơ thể lâu ngày sẽ chuyển biến thành chất béo. Đối với sức khỏe mà nói thì đây là vấn đề rất nguy hại nên cần hạn chế tối đa thức ăn có nhiều dầu mỡ, ăn càng nhiều thì nguy cơ bệnh tật càng lắm. Thay vào đó bạn nên ăn nhiều món luộc, món không dầu mỡ để bảo vệ sức khỏe.
3. Ăn cơm tiếp khách, tạo mối quan hệ
Trong công việc, muốn thuận buồm xuôi gió, muốn thăng quan tiến chức thì chắc chắn phải mở rộng các mối quan hệ. Chính vì vậy, đôi khi không tránh khỏi những lời mời ăn cơm, uống rượu, từ từ bàn chuyện. Loại cơm này tốt nhất vẫn là không nên ăn, trừ trường hợp không từ chối được. Việc làm được thì làm, việc không làm được thì từ chối thẳng, không nên vì cả nể, lưỡng lự mà miễn cưỡng tự làm khó bản thân.
Có 3 loại tình không nên động đến
1. Làm người trung gian
Các mối quan hệ trong công việc ngày càng nhiều thì hiển nhiên là những vấn đề phát sinh về phương diện tình cảm sẽ không thiếu. Bạn bè thân hữu sẽ có xu hướng tìm ta để xin một vài lời khuyên về những khúc mắc trong chuyện tình cảm, quan hệ ứng xử. Nhưng những việc này tốt nhất chúng ta không nên can thiệp.
Tình cảm là chuyện tế nhị, lỡ lời là có thể chuốc thêm oán hận, lỡ làm cũng có thể hối hận cả đời. Hai người xung đột đến mức không thể hòa giải thì rất khó hòa hợp lại được với nhau, có khi bạn nhúng tay can thiệp sẽ làm tình hình xấu thêm. Tình cảm con người là một thứ phức tạp, không dễ đoán định.
2. “Say nắng” tình cảm bên ngoài
Với một số người, khi cuộc sống gia đình trở nên không còn êm ấm, hoặc người bạn đời của họ quá đam mê công việc mà bỏ bê việc chăm sóc gia đình, hoặc hai người từ lâu đã không còn có thể ngồi xuống cùng nhau chia sẻ, họ bắt đầu tìm nguồn vui bên ngoài, bắt đầu bằng việc cảm mến và “say nắng” người khác.
Nhưng hãy nhớ kĩ rằng ở tuổi này, chỉ cần một một phút không tỉnh táo đi nhầm đường thì coi như bao nhiêu cố gắng mấy chục năm qua như gia đình, sự nghiệp, con cái đều thành dã tràng xe cát hết cả. “Say nắng”, cảm mến ai đó không phải vợ chồng mình chính là bước đi đầu tiên dẫn người ta đến con đường ngoại tình, phản bội vậy.
3. Không yêu người chênh lệch tuổi tác quá nhiều
Có một số thanh niên thích được yêu những người phụ nữ lớn tuổi, có kinh nghiệm, lại có một số thiếu nữ thích những người đàn ông trung niên chín chắn, ổn định. Vậy nên thường xuất hiện những kiểu tình cảm chị em, chú cháu.
Với những mối tình chênh lệch tuổi tác, thế hệ như thế một khi đã bước vào rồi thì rất khó có thể bước ra. Hơn nữa, nhiều trường hợp không bị lừa gạt tiền bạc thì cũng là lừa dối tình cảm, sau cùng lại khiến cả đời ôm hận.
Có 3 loại người không nên qua lại
1. Người không đứng đắn
Tuổi trung niên là lúc xuất hiện nhiều nguy cơ tình cảm nhất, đàn ông thì ngoại tình, phụ nữ thì có chồng không chung thuỷ. Nhưng có nhiều người không hiểu đó là sự bại hoại của đạo đức trái lại còn thích qua lại với những người “ông ăn chả, bà ăn nem” như thế. Họ không hạnh phúc và sẵn sàng gật đầu với những mối quan hệ bên ngoài.
Đôi khi, do không tìm hiểu kĩ hay vì một phút say nắng mà ta nghiễm nhiên trở thành kẻ thứ ba, là người tăng thêm nguy cơ phá vỡ hạnh phúc gia đình khác. Với những người không đứng đắn trong tình cảm, hãy có thái độ thích hợp, lịch sự nhưng dứt khoát, không nên chỉ vì một phút ngã lòng mà mang tiếng cả đời.
2. Người có cuộc sống sa đọa
Người sống sa đọa, chìm trong tệ nạn, tật xấu thói hư chính là đã đánh mất lương thiện của bản thân mình. Cuộc sống của chính mình, họ còn không quý tiếc thì đừng mong họ biết trân quý người khác. Ông bà ta nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” quả không hề sai vậy.
3. Người tính khí lên xuống thất thường
Người có tính khí thất thường thì không làm chủ được cảm xúc, vui buồn không đoán trước được. Họ cũng khá ích kỷ, thường bảo thủ. Khi thành đạt họ không có thói quen giúp đỡ người khác, lúc sa cơ lỡ vận họ lại thường cầu cạnh nhờ vả. Họ là một loại đa nhân cách, không ổn định, không kiên trì, dễ làm tổn thương người khác và không khoan dung.
Đến tuổi trung niên, bạn đã có thể nhận rõ được người tốt kẻ xấu, người dở kẻ hay. Đối với những dạng người này, có lẽ bạn cũng cần cân nhắc. Nếu có đi lại, hãy giữ quan hệ bình thường, không cần thân quen quá mức. Nếu không đi lại thì tốt nhất từ sau cũng đừng nên tìm hỏi, làm thân.
Theo trí thức trẻ