SHOPBOX là một cửa hàng bán lẻ kì lạ vừa xuất hiện ở Brooklyn- New York. Cả cửa hàng gói gọn trong một container sơn ba màu cam – xanh- trắng bắt mắt được cải tiến thêm các ô kính trưng bày. Trong cửa hàng hoàn toàn không có bất kì nhân viên phục vụ nào. Nếu muốn mua hàng, khách hàng phải sở hữu iPad và dùng thiết bị này nhắn tin đơn đặt hàng. Hàng hóa sau đó sẽ được chuyển đến tận nhà. Đây là cách kết hợp độc đáo giữa ngành bán lẻ và công nghệ.
Shopbox – mô hình bán lẻ trong tương lai?
Kỹ sư thiết kế ra SHOPBOX cho biết “ Cửa hàng này giống như một máy bán hàng tự động cỡ lớn”. Ánh sáng và hàng hóa trưng bày trong cửa hàng được thiết kế để có thể thay đổi tự động bằng hệ thống máy tính điều khiển từ xa. Một trong các vách của SHOPBOX có gắn một màn hình video hướng dẫn mua hàng.
“SHOPBOX chỉ là một chiếc hộp trưng bày hàng hóa. Các cửa hàng cũng tương tự như vậy nhưng bạn phải tốn một chi phí khá lớn để duy trì hoạt động.
SHOPBOX của chúng tôi linh hoạt hơn nhiều và có thể di chuyển đến bất kì đâu, vào bất kì lúc nào. Không chỉ đem đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm thuận tiện mà còn có cơ hội ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật.” Will Robinson – chủ sở hữu SHOPBOX cho biết. Phát minh này hỗ trợ khách hàng mua sắm tiện lợi hơn. Một mặt, khách đỡ phải chen chân trong các siêu thị, mặt khác hình thức này cũng giúp khắc phục được một phần của hình thức mua hàng online là không nhìn thấy được sản phẩm thật.
Các sản phẩm được bán tại SHOPBOX thay đổi thường xuyên, đa dạng và phong phú với nhiều chủng loại sản phẩm và giá cả khác nhau. Tiêu chí hoạt động của cửa hàng là “Made in America – Shipping to America” – chỉ bán hàng các mặt sản xuất tại Mỹ cho khách hàng tại Mỹ. Sản phẩm được bày bán có giá từ 4 USD đến 600 USD và thậm chí 2500 USD. Trong những ngày đầu đi vào hoạt động, các container-cửa hàng còn được chế tạo để khách hàng nhìn thấy cơ chế hoạt động bên trong.
Nhận thấy khách hàng e ngại sử dụng iPad ngay giữa phố, Robison đã có kế hoạch chuyển đổi sang hệ thống thanh toán trên điện thoại di động không cần đăng ký tài khoản. Người dùng có thể nhắn tin đặt hàng và sau đó, có thể kiểm tra lại giỏ hàng và thanh toán qua các hệ thống thanh toán trực tuyến như Paypal hay Google bất kì lúc nào. Theo Robinson, một trong những khó khăn mà hình thức mua hàng qua điện thoại khiến nhiều khách hàng lo ngại là vấn đề bảo mật. Tuy nhiên, so với hình thức mua hàng qua mạng thì mua hàng qua hệ thống SHOPBOX an toàn hơn nhiều. Khách hàng chỉ gửi các mã số qua mạng điện thoại chứ không phải là thông tin tài khoản ngân hàng.
SHOPBOX là một cửa hàng bán lẻ kì lạ vừa xuất hiện ở Brooklyn- New York
Paco Underhill, tác giả quyển sách “Why We Buy: The Science of Shopping” không tin tưởng lắm vào sự thành công của SHOPBOX vì iPad là một thiết bị đắt tiền. Tuy nhiên, trong tương lai gần, hình thức mua sắm kết hợp nhiều hình thức sẽ phổ biến hơn. Người mua xem hàng hóa trên mạng, đến cửa hàng xem và quyết định mua, sau đó thanh toán qua điện thoại di động. Mua hàng qua các thiết bị di động ngày càng phổ biến trên thế giới. Tại Hàn Quốc, ở các ga tàu điện ngầm đã có những cửa hàng tạp hóa tự động cho phép khách hàng mua hàng bằng cách quét mã QR, sau đó hàng hóa sẽ được giao tận nhà.
Theo DNSG
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông