Kiến thức Kiến thức quản trị Chân dung Craig Federighi, người kế thừa thầm lặng của Steve Jobs...

Chân dung Craig Federighi, người kế thừa thầm lặng của Steve Jobs tại Apple

18
Nhưng nếu bạn nghĩ như vậy thì có lẽ bạn đã bỏ qua một sự kiện được Apple dành riêng cho những khách hàng quan trọng nhất của mình: giới phát triển phần mềm. Kể từ 2014 cho đến nay, WWDC của Táo đã luôn là sân khấu dành cho một người đàn ông được tôn vinh là Steve Jobs, là Next Big Thing của Apple.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

“Chúng tôi không muốn trở thành trường hợp đầu tiên phải trì hoãn phát hành phần mềm vì thiếu mèo”, người đàn ông ấy khẳng định trong lễ ra mắt Mac OS X Mavericks, phiên bản MacOS đầu tiên được đặt tên theo một địa danh ở California.

WWDC 2013 là sự kiện lớn đầu tiên của Craig Federighi ở vai trò phó chủ tịch cấp cao (phụ trách mảng phần mềm) được giao phó cho ông gần một năm trước đó vào tháng 8/2012. Với vai trò này, Craig Federighi cũng trở thành người đầu tiên dẫn đầu toàn bộ nỗ lực phần mềm tập trung của Apple sau khi đã có 3 năm lãnh đạo mảng Mac OS X. Một quyết định quá muộn, theo nhận xét của nhiều người: Apple có một phong cách làm phần mềm riêng cho tất cả các loại phần cứng gắn mác Táo. Và hệ điều hành của iPhone có nguồn gốc từ Mac OS.

Tiền nhiệm của Craig Federighi, Scott Forstall là “thân tín” của Steve Jobs.

Nhưng sự thay đổi lớn nhất đi kèm với vai trò phó chủ tịch được dành cho Craig Federighi không đến từ nhu cầu kỹ thuật.  Trước khi được giao phó cho Craig Federighi, quyền lãnh đạo iOS thuộc về một cấp dưới thân cận của Steve Jobs là Scott Forstall. Chính Scott Forstall là người đã thực hiện phong cách đồ họa “giả chất liệu” từng được Jobs tiên phong từ tận những năm 80, khi ông vén màn đồ họa GUI cho cả thế giới qua chiếc Macintosh đầu tiên. Dĩ nhiên, chính Scott Forstall cũng là tác giả của ứng dụng Notes mô phỏng quyển sổ thật hay ứng dụng Games Center làm giả bàn chơi poker trên các thế hệ iPhone đầu tiên.

Cũng giống như sếp cũ, Forstall được mô tả là người có tinh thần mang tính “chiến đấu”. Mike Lee, một kỹ sư Apple từng làm việc trong nhóm iOS kể lại: “Tôi đã có lần gọi Scott Forstall là gã khốn nạn số 1 của Apple. Tôi nghĩ đó là một lời khen. Bạn có thể nói điều tương tự về Steve Jobs”.

Các kỹ sư khác của Apple hé lộ rằng Scott Forstall là kẻ ích kỷ, ranh mãnh và rất biết tranh đấu cho bản thân mình. Một cá tính mạnh mẽ nhưng gây tranh cãi một số đồng nghiệp cũ khẳng định nhà lãnh đạo bộ phận thiết kế phần mềm cũ của Apple “tranh đấu quyền lực đến mức điên cuồng”, biết giành giật nhân tài từ các bộ phận khác, luôn nhận phần công lao lớn nhất từ những thành công của tập thể và trên tất cả, biết đổ lỗi về phía người khác.

Khi Apple Maps ra mắt và thất bại thảm hại vào năm 2013, Scott Forstall đã từ chối ký vào thư xin lỗi người dùng. Hành động này được cho là giọt nước làm tràn ly với Tim Cook. Sau khi Apple đưa ra thông cáo chính thức với tựa đề “Apple công bố thay đổi để tăng cường mức độ hợp tác giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ”, Tim Cook ám chỉ đến lý do sa thải Scott Forstall để thay thế bằng Craig Federighi trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg:

“Tôi có niềm tin sâu sắc rằng tinh thần hợp tác là tối cần thiết để tạo ra đột phá”.

Bị “đá” khỏi Apple, Steve Jobs đã thành lập NeXT để trả thù cả Bill Gates lẫn John Sculley.

Tại thời điểm nhậm chức, Craig Federighi mới gắn bó với Apple “mới” được 4 năm. Dù vậy, muốn biết đầy đủ câu chuyện của Federighi với Apple, chúng ta sẽ phải đi ngược 2 thập kỷ.

Năm 1985, sau cuộc chiến quyền lực tai tiếng với CEO John Sculley, Jobs rời bỏ Apple để thành lập công ty của riêng mình, NeXT. Tại đây, Jobs tập trung vào nghiên cứu vào khía cạnh ông đã vô tình bỏ lỡ khi “học hỏi” từ NeXT: lập trình hướng đối tượng OOP trên các dòng các mẫu máy trạm và PC chuyên nghiệp.

Di sản đáng kể nhất của NeXT: World Wide Web được Tim Berners-Lee sáng tạo trên hệ điều hành NeXTSTEP.

Đáng tiếc rằng một phép màu tương tự như Macintosh đã không thể lặp lại trong kỷ nguyên thống trị của Windows. Năm 1993, NeXT thua lỗ đến mức phải ngừng sản xuất phần cứng để chuyển sang tập trung vào phần mềm. Thật trớ trêu, huyền thoại của Apple II, LISA và Macintosh đã có lúc phải sống bằng lĩnh vực thống trị của chính đối thủ đã đẩy mình vào cảnh khốn đốn.

Năm 1994, Craig Federighi gia nhập NeXT với vai trò quản lý dự án Enterprise Objects Framework. Wil Shipley, một nhà phát triển nổi tiếng trong cộng đồng Macintosh kể lại về một cuộc họp với Craig Federighi tại NeXT:

Trong suốt 17 năm đó, Craig Federighi đã đứng ngoài gần như toàn bộ các cuộc cách mạng đình đám của Apple, bao gồm cả iPod, iPhone đến MacBook Air. Mối lương duyên của vị phó chủ tịch này với Apple bắt đầu từ ngay 1997, khi Táo bỏ ra 350 triệu USD mua lại NeXT để đưa Steve Jobs về vị trí lãnh đạo. Chỉ vỏn vẹn 2 năm, ông đã rời đi để theo đuổi lĩnh vực phần mềm doanh nghiệp tại một công ty có tên gọi Ariba. Trong 10 năm gắn bó, Federighi giúp Ariba sống sót qua cuộc đại khủng hoảng dotcom và kết thúc ở vị trí CTO (giám đốc công nghệ).

2009, ông trở lại Apple và tiếp quản vị trí lãnh đạo bộ phận Mac từ tay một huyền thoại khác của Apple, Bertran Serlet. Thật kỳ lạ, tại đây, Federighi đã xây dựng được một mối quan hệ khá tốt đẹp với Scott Forstall cho đến khi Tim Cook quyết định thực hiện “thay máu” ban lãnh đạo.

Khi thế chỗ cho người tiền nhiệm đầy tương phản, Craig Federighi đã nhanh chóng ghi tên mình trở thành nhà lãnh đạo thân thiện nhất của Apple. Một cấp dưới của ông kể lại với Wall Street Journal: “Craig nói chuyện với cả đội cũ lẫn đội mới rằng ông ấy sẽ dành thời gian để suy nghĩ cách kết hợp họ lại với nhau”. Nhà thiết kế huyền thoại của Jony Ive kể về Fedrighi: “Chúng tôi không bao giờ nói về vị trí của mình. Chúng tôi luôn bàn luận về cách để gia tăng mức độ hợp tác tại Apple”.

Trong vòng không đầy nửa năm lãnh đạo toàn bộ khối phần mềm của Apple, Craig Federighi sẽ phải vật lộn để tạo ra bước ngoặt cho iOS. Khi hệ điều hành này ra đời vào năm 2007 dưới tên gọi “iPhone OS”, cả thế giới vẫn quen với những chiếc điện thoại nút bấm hơn là không gian cảm ứng smartphone. Người dùng vẫn cần những cuốn sổ ảo của Steve Jobs và Forstall.

Đến 2013, smartphone đã trở thành tiêu chuẩn di động. Phong cách giả chất liệu lỗi thời của Forstall cần phải bị loại bỏ. Khi ra mắt iOS 7, Apple chính thức bước lên thời đại thiết kế phẳng thời thượng. Lên sân khấu để nói về thời đại cũ, Federighi nói đùa:

“Chúng tôi đã hết da lộn màu xanh và gỗ để làm Game Center rồi”.

iOS sang trang, và cùng lúc giới chóp bu của Apple cũng được khoác lên một bộ mặt mới. “Federighi nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt hơn bất cứ một ai lên sân khấu Apple sau đó”, Mashable nhận xét trong một bài viết có tựa đề “Next Big Thing của Apple: Craig Federighi”.

Một khoảnh khắc để đời: Ra mắt nền tảng đồ họa Metal trên iOS 8.

Một năm sau, khi phần mềm trở thành diễn viên chính duy nhất của WWDC, Craig Federighi cũng trở thành siêu sao số 1 của Apple. Giữa màn giới thiệu về ngôn ngữ lập trình Swift với các khái niệm generics, namespaces, multiple return types…, ông dừng lại, cười và nói:

“Các bạn biết không, hàng triệu người xem chương trình này chắc đang hỏi ‘Mấy gã này đang nói cái quái gì vậy?”.

Đó là một bầu không khí gần như chưa bao giờ xuất hiện trong những buổi trình diễn của Táo, kể cả trong những buổi trình diễn “để đời” của Steve Jobs. Dõi theo những sự kiện Apple của Craig Federighi, bạn sẽ nhìn thấy một Apple không chỉ thực sự dẫn đầu về tình yêu của các fan, về công nghệ (gã khổng lồ hi-tech nào có thể ra mắt một ngôn ngữ lập trình trong tiếng vỗ tay như sấm?) mà còn thực sự thân thiện, dễ mến. Lần đầu tiên trong cuộc đời, những gã đầu to mắt cận suốt ngày dán mặt vào màn hình đã nhận ra rằng kỹ sư phần mềm không nhất thiết phải là những gã đầu to mắt cận cô đơn, khó gần.

“Đội marketing hào sảng của chúng tôi lại lên đường để đặt tên cho OS X mới…”, câu đùa mở màn cho WWDC mỗi năm.

Ở Craig Federighi, họ nhìn thấy một hình mẫu trong mơ: tóc bồng bềnh, tươi cười như một gã tiếp thị xe hơi, gia đình hạnh phúc (với 4 cô con gái), thành đạt và nhất là hài hước một cách “cool” bất ngờ.

Minh chứng? Ngay tại WWDC 2014, khi nói về giao diện mới của Mac OS X, vị phó tổng của Apple tươi cười nói: “Hãy nhìn bộ biểu tượng tuyệt đẹp này. Chúng thật gọn gàng, nhưng vẫn đậm bản chất Mac. Nhìn cái thùng rác kia mà xem! Một cái thùng rác hoàn mỹ. Các bạn chắc sẽ không tin được chúng tôi đã dành ra bao nhiêu thời gian để vẽ cái thùng rác đâu”.

Sau sự kiện này, các fan phần mềm của Táo gần như phát cuồng. Một fan của Táo trên YouTube tổng hợp những tiếng cười nhẹ nhàng của Federighi với tên gọi “Craig Federighi nhà hài kịch”. Trên kênh chia sẻ video, càng ngày càng có nhiều người khẳng định “Tôi đợi video này chỉ vì Craig”.

Báo chí cũng đi đến những sự kết luận tương tự. Tạp chí The Ringer thì chính thức bật chế độ “fangirl” qua bài viết “Craig Federighi là một người hoàn hảo”. CNN khẳng định “Craig Federighi là Steve Jobs mới của Apple”.

Nhưng sự thật là Steve Jobs và Craig Federighi có rất nhiều sự tương phản. Trên sân khấu, Steve Jobs thu hút người nghe bằng những phát ngôn gây sốc (nhưng vẫn cực kỳ thuyết phục), còn Craig Federighi thì đan xen những bước tiến của iOS và macOS bằng sự hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Trong công việc hàng ngày, Steve Jobs là “một con quái vật” luôn quát mắng nhân viên và thậm chí còn sẵn sàng sa thải cấp dưới ngay trong thang máy.

Còn Federighi luôn trả lời email của nhân viên một cách nhanh nhất có thể. Quá trình quyết định tại các nhóm iOS và macOS của Federighi thường tốn khá nhiều thời gian khi ông muốn đội ngũ của mình cùng đi đến những quyết định chung có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Điểm trừ duy nhất? Vị phó tổng của Táo thường từ chối những buổi vui chơi hội họp vì lý do công việc.

3 nhà lãnh đạo đại diện cho toàn bộ Apple.

Thân thiện không phải là điểm khác biệt duy nhất giữa Jobs và Federighi. Nếu như Jobs thành công bằng cách áp đặt cái nhìn “low tech” của tất cả mọi người lên các sản phẩm công nghệ thì Craig Federighi lại là một kỹ sư thực thụ. Enterprise Objects Framework, sản phẩm được vị SVP này phát triển tại NeXT, cho đến giờ vẫn là một phần quan trọng trên macOS, iOS và XCode. Và nếu như Steve Jobs còn chưa học hết đại học thì Craig Federighi đã có tấm bằng thạc sĩ khoa học máy tính tại UC Berkeley. 3 công trình nghiên cứu của vị phó tổng này đã được Apple đăng ký bằng sáng chế; một trong số đó có tên gọi chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của bất kỳ developer nào: “phương pháp bind các object giao diện vào object ứng dụng”.

Tim Cook gọi Federighi là “Superman”. Cả Apple gọi Federighi là “Hair Force One” để đùa về mái tóc bồng bềnh của ông. Đó cũng chính là tên gọi được vị phó tổng phần mềm tự hào sử dụng một cách vui vẻ trong các màn demo phần mềm của Táo.

Theo nhiều cách, Federighi là một luồng gió mới thổi vào đế chế Apple đang ngày một bành trướng nhưng cũng ngày một khô khan.

Đáng tiếc rằng nhắc đến Apple vẫn là nhắc đến phần cứng. Nhắc đến Apple, người ta sẽ nghĩ đến iPhone, Mac, iPad, Watch, AirPods… trước tiên. Không mấy fan cuồng của Apple quan tâm đến những sự kiện dễ khiến giới developer phát cuồng như WWDC. Không mấy ai hiểu được vì sao hội trường WWDC lại rộ lên những tiếng cười, những tràng pháo tay dành cho câu nói “Cái câu đùa về lập trình parallel đó như thế nào? Các bạn không ngờ được tôi lại nói như thế đúng không”?

Sự thật ấy biến Craig Federighi thành một thần tượng thầm lặng trong những cuộc đổi thay lớn lao. Năm 2015, Apple công bố đưa Swift trở thành mã nguồn mở, một bước tiến quan trọng trong việc thay đổi hình ảnh “khu vườn đóng” của Apple.

Cuối năm đó, Apple mở chương trình “Hour of Code” tại 468 Apple Store trên toàn cầu để dạy mọi người về code. Nói về sự kiện này, Craig Federighi khẳng định: “Tôi bắt đầu nghịch code từ năm 10 tuổi. Cái khoảnh khắc tôi nhận ra rằng mình có thể nhập một câu lệnh vào máy tính để sai khiến nó làm điều gì đó là cả một sự bừng tỉnh”.

Cách Craig Federighi nói về những đứa con tinh thần của mình cũng tâm huyết và chân thành như Steve Jobs vậy.

Năm 2016, Apple lại tiếp tục vén màn Playgrounds, một ứng dụng dạy code dành cho trẻ nhỏ trên Apple. Những nỗ lực nhỏ bé ấy đi kèm cùng sự kiện quan trọng của phần mềm gắn mác Táo: các hệ điều hành mới (watchOS và tvOS) ra đời, những hệ điều hành cũ được thay đổi để mở rộng vai trò truyền thống (iOS biến iPad thành những cỗ máy làm việc trong khi macOS tích hợp thêm tính năng touchbar), ra mắt các nền tảng đồ họa, các SKDK và thậm chí là cả một ngôn ngữ riêng. Các ứng dụng cũ kỹ của Scott Forstall lần lượt thay da đổi thịt dưới tay Federighi trong khi Metal và Cocoa Touch trở thành minh chứng rằng lập trình iOS bỏ xa lập trình Android về mức độ siêu việt.

Quan trọng hơn hết, theo đúng như mục tiêu ban đầu được Tim Cook tuyên bố, phần mềm của Apple chứng kiến một sự kết hợp hoàn hảo chưa từng có. Continuity ra mắt vào năm 2015, biến iOS và macOS trở thành 2 phần nối liền qua đám mây. Khi nỗ lực Windows di động của Microsoft đã thất bại thảm hại, khi Chrome OS quá hạn chế tính năng so với Android, Apple đã trở thành tên tuổi sở hữu hệ sinh thái liền mạch nhất trong tất cả các ông lớn của thế giới. Thật trớ trêu, một gã khổng lồ phần cứng kiên quyết không mang “lai” các thiết bị đã lại vượt mặt các gã khổng lồ phần mềm để tạo ra không gian số liền mạch nhất cho người dùng.

Bên dưới những sự kiện ấy là những cuộc chiến gay gắt mà ở vị trí lãnh đạo phần mềm, Craig Federighi buộc phải tham gia. Năm 2016, khi cuộc chiến với FBI vẫn chưa nguội lạnh, ông tuyên bố “người dùng xứng đáng được quyền sở hữu khả năng kiểm soát quyền riêng tư của họ” khi Apple thẳng thừng cung cấp mã hóa end-to-end trên tất cả các tính năng của iOS và watchOS. Tại WWDC 2017, Craig Federighi đại diện cho Apple tuyên bố ra mắt ARKit, một công nghệ hứa hẹn biến hàng trăm triệu chiếc iPad trên toàn cầu trở thành cứu cánh cho thực tại ảo đang ngày một chìm khuất, và Core ML, một bộ framework có thể mang machine learning lên từng ứng dụng iOS và macOS.

Đến đầu tháng 8, vị phó tổng phần mềm của Apple đón nhận một nhiệm vụ còn quan trọng hơn tất cả: Siri. Apple đã vừa kịp ra mắt loa thông minh của riêng mình tại WWDC – để chiến thắng trong cuộc chiến giọng nói đang có mặt cả Amazon, Google lẫn Microsoft, Siri cần có bàn tay dìu dắt của một vị lãnh đạo phần mềm đích thực thay vì ở lại với bộ phận dịch vụ của Eddy Cue. 

Còn ai phù hợp hơn Craig Federighi? 

 Trong vòng 2 năm gần đây, nhóm phần mềm của ông đã đưa nỗ lực AI và machine learning tại Apple lên một tầm cao mới khi “phẫu thuật” cho Siri trở thành bộ máy neural thực thụ vào 2014, ra mắt tới 2 framework cho deep learning (BNNS và Metal CNN) vào 2016 và mới đây là công bố Core ML trên iOS 11. Tất cả hứa hẹn cho một tương lai thông minh hơn, “người” hơn của trợ lý ảo giọng nói. Một tương lai nơi Siri là đối thủ thực sự của Alexa.

Quả thật, khi tốc độ phát triển phần cứng mới dành cho iPad và Mac ngày càng chậm lại còn chiếc iPhone 7 thì tái chế lại phần cứng từ iPhone 6 và 6s, iOS và macOS đã trở thành yếu tố giữ chân các iFan. Ít người nhận ra điều đó. Họ vẫn quan tâm đến những tuyên bố ra mắt iPhone và iPad hơn là những đột phá do đội ngũ của Federighi mang lại.

iOS 7, macOS Sierra, ngôn ngữ lập trình Swift và Xcode là những cột mốc quan trọng của phần mềm Apple trong thời đại Federighi.

Vị phó tổng phụ trách phần mềm của Apple có vẻ không mảy may quan tâm đến sự thật mất lòng này. Dưới bàn tay dìu dắt của ông, những công nghệ cạnh tranh cốt lõi của Apple tiếp tục ra đời, để mỗi mùa hè, các fan “rành công nghệ” nhất của Táo lại tụ họp ở Cupertino, nghe một vị phó tổng phần mềm tươi cười công bố các đột phá đan xen với những câu đùa nhẹ nhàng.

Ngày 5/6/2017, trên sân khấu WWDC 2017, Craig Federighi lại là nhân vật chính. Ra mắt một tính năng đơn giản nhưng quan trọng trên iOS mới, ông điềm tĩnh pha trò cho mọi người:

Một tính năng có tên gọi “Không làm phiền khi lái xe”

Phía dưới đoạn video YouTube tường thuật lại WWDC 2017, có fan của Táo đặt hashtag #CraigForCEO. Một đoạn video khác có người nói: “Tôi vào xem chỉ vì Federighi”. “Craig Federighi là người trình diễn tốt nhất tại Apple”. “Craig vừa rickroll cả hội trường à?”…

Đó là những fan có may mắn được nhìn vào một góc nhỏ, thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của Apple. Ở WWDC mỗi năm, họ nhìn thấy một người đàn ông có mái tóc bồng bềnh, nụ cười tiếp thị xe hơi luôn biết đan xen những câu đùa hóm hỉnh với những công nghệ quan trọng nhất của Táo. Ở Federighi, họ nhìn thấy bóng dáng của Steve Jobs đi kèm với những tình yêu chân thành, mộc mạc nhất – trong cái cách Federighi nói về sản phẩm của Táo, trong cái cách ông nói về nghề phần mềm:

Theo trí thức trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không