Hiển nhiên đây không phải là điều tích cực, mà là điều tôi muốn mọi doanh nghiệp tránh làm. Lý do là vì cộng tác viên vốn đã không phải quá tốt trong dài hạn mà giờ vô tình hay cố tình biến nhân viên Sales full time thành cộng tác viên thì hậu quả còn lớn hơn. Dưới đây là những cách làm thường thấy của chủ doanh nghiệp mà họ không biết rằng đang tự hại chính mình
1. Trả lương theo kiểu làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu
Đó là nhân viên mới cứ vào, làm việc thoải mái không phải nghĩ, công ty cũng không khống chế thời gian hay quy chế. Lương thì rất dễ tính, lương cứng là 3 triệu, hoặc chả cần cũng được. Còn cứ làm 100 triệu thì các em được thêm 4 triệu lương, 120 triệu thì được 5 triệu lương và cứ thế, cứ thế…
Cách này tưởng đơn giản nhưng lại làm khó nhân viên vì họ mới vào và còn chưa biết gì, thấy sếp nói vậy mà anh em xung quanh không ai kêu ca thì cứ đi. Thế nhưng, do không được đào tạo nên nhân viên mới thường không biết phải làm ra sao, cứ làm là hỏng, là chán và lại quay về than phiền lẫn với nhau trong đội, sau một thời gian thì quay sang một là chống đối công ty hai là thôi dừng, tìm công ty khác đầu quân.
Trả lương kiểu này chỉ cần sếp căn theo kinh nghiệm trong hiện tại của mình, sau đó phác ra vài con số và trả theo mức tăng dần. Cái quan trọng nhất với sếp là doanh số như vậy thì ở mức thấp nhất vẫn đảm bảo ông ấy không lỗ và có một chút lãi mà ông ấy thấy “thế mới tạm ổn!”.
Kiểu này vẫn có thể có thành công, nhưng lúc ấy thì sếp đang phạm phải lỗi rất đáng tiếc khác, đó là đáng ra thị trường phải đạt 100 triệu/tháng trên nhân viên thì chỉ quy định 30 triệu/người. Vì nhân viên kiểu như trên thì đừng hy vọng họ làm đủ thời gian và ở mức nỗ lực cao nhất. Họ sẽ chỉ làm theo kiểu bướm lượn vườn hoa, chỗ này một chút, chỗ kia một xíu!
2. Không quản lý thời gian làm việc và kỷ luật khác
Do không quản lý thời gian và các hành vi khác nên công ty không khác gì cái chợ, mọi người tới khi nào vui, còn lúc không vui thì tìm chỗ khác. Có đơn hàng thì cứ gửi về rồi sẽ được tính lương. Sau một thời gian, nhân viên không rõ cái chỗ mình hay qua đó có phải công ty không, và mình thì có thể được gọi là nhân viên được không.
Nếu lương cao thì nhân viên còn thấy nơi này có ý nghĩa. Nhưng khi lương thấp hơn, dù chỉ là so với mong đợi của mình, thì nhân viên cũng coi nơi này không ra gì, có ai hỏi thì trả lời “À, làm cho vui ấy mà!”.
3. Sếp không biết tạo ra cặp Ân và Uy mà chỉ có Ân
Không có Uy thì không còn là sếp, và công ty thì không còn là công ty. Nhắc lại câu đó bao nhiêu lần cũng không đủ! Nhưng người Việt thì hay nghĩ tới tình cảm trước lý trí, do vậy hay muốn tác động theo kiểu tình cảm chứ không muốn trở thành Ác thần trong mắt anh em. Suy tư đơn giản nhất thì là thôi, mình đừng quá đáng với anh em, cứ từ từ rồi mọi người sẽ hiểu. Hoặc thậm chí hơi quá lên thì thành “Anh/chị muốn em coi đây là gia đình của em, nơi chốn em tìm về mỗi khi mệt mỏi! Anh/em mình còn làm ăn dài đi đâu mà thiệt!”.
Thế là công ty dần trở thành “nhà trẻ” hoặc “phòng điều trị tâm lý” cho các salesman. Giám đốc tìm mọi cách xoa dịu anh em khi họ gặp khó khăn chứ không phải giúp họ giải quyết vấn đề họ gặp phải về kỹ năng chiến trường. Thay vì biến họ thành chiến binh biết tự giải quyết vấn đề, công ty giờ đây khiến nhân viên thấy mình mắc nợ tình cảm với giám đốc và có chuyện gì thì hãy nói ra, sẽ được chăm sóc cẩn thận, còn thị trường thì lúc nào cả đội cùng vui nó sẽ đi lên, lúc nào không vui thì nó xuống.
4. Không che giấu thông tin về cách làm, đặc biệt về tỷ lệ lãi
Không ít lần tôi gặp các chủ doanh nghiệp được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp của nước ngoài với đầy đủ các giáo lý về Đạo đức kinh doanh lành mạnh, muốn cho mọi nhân viên trong công ty biết tường tận lãi của mình từ đầu ra cho tới đầu vào! Chuyện này vô cùng nguy hại khi làm tại Việt Nam.
Khi đã biết lãi lỗ của công ty, mặc dù chỉ còn có 2% anh em sales vẫn yêu cầu phải có hỗ trợ thêm vì “các ông ăn lãi thế thôi, ăn bao nhiêu lâu rồi, có bao giờ để ý anh em tôi vất vả ra sao đâu?”. Tức là ai cũng vậy, chỉ lo nghi tới phần của mình có ổn không chứ ít ai nghĩ tới việc phần của mình như vậy là có hơn cả chủ công ty không?
Khi biết lãi của công ty, anh em luôn cho rằng khoản lãi này là quá lớn! Vì theo quan điểm của họ, theo cách hiểu đơn giản, chưa tính toán gì tới các nguy hiểm luôn rình rập chủ doanh nghiệp như là biến động thị trường, các khoản chi phí ẩn khác, các rủi ro về tình hình tỷ giá, các rủi ro về nhân sự,…Họ thấy rằng việc làm ăn hình như “đơn giản quá’ biết thế này thì mình cũng làm chứ việc gì phải làm thuê.
Vậy là họ làm thật! Các công ty dạng “cao hứng” này đăng ký nhanh và phá sản cũng nhanh không kém! Tốt là cho nhân viên một bài học, nhưng nó hoàn toàn không tốt cho các ông chủ vì lúc nhân viên hiểu ra và thấy hối hận thì mọi chuyện cũng xong rồi, công ty của ông chủ tự dung bị khủng hoảng nhân sự một thời gian, vì mấy vị “cao nhân” nghĩ nhanh hơn làm kia có vị nào chịu ra đi mà chỉ có một mình đâu, toàn lôi cả loạt “cao nhân” khác theo mình trong quá trình lập nghiệp.
Trong khoảng thời gian trước khi rời công ty, hiển nhiên đội ngũ này sẽ chỉ làm cho có còn lại sẽ tập trung vào xay dựng công ty mới. Như vậy ngoài mặt thì là nhân viên, nhưng trong lõi chỉ còn là lính đánh thuê có thời vụ!
Theo Nhịp sống kinh tế