Để nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập, không chỉ cần bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao đạo đức đối với kiểm toán viên mà còn phải thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ. Phải đưa ra trách nhiệm báo cáo của kiểm toán độc lập khi phát hiện các sai phạm nghiêm trọng về tài chính. Đó là nhận định của Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
* Thời gian vừa qua có nhiều đơn vị là các tập đoàn, tổng công ty liên tục được thanh tra, kiểm toán nhưng ít phát hiện sai phạm. Ông có đánh giá như thế nào về chất lượng kiểm toán độc lập?
– Ông Vương Đình Huệ: Cần phải xem chức năng của kiểm toán độc lập. Chức năng chính của kiểm toán độc lập là xác nhận báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Còn các vấn đề về việc tuân thủ pháp luật như thế nào, điểm yếu về hệ thống nội bộ ra sao, sai phạm như thế nào thì đơn vị kiểm toán độc lập sẽ gửi cho chủ doanh nghiệp một báo cáo (thường được gọi là thư quản lý), trong đó nêu rõ các kiến nghị của kiểm toán đối với chủ doanh nghiệp, còn các kiến nghị đó có được thực hiện hay không, có được báo cáo với cấp có thẩm quyền để xử lý hay không thì thuộc trách nhiệm của chủ doanh nghiệp.
* Như vậy chưa có một quy định nào về trách nhiệm phải báo cáo của kiểm toán độc lập phát hiện những sai phạm ở doanh nghiệp được kiểm toán?
– Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng chưa có quy định cụ thể nào về trách nhiệm của kiểm toán độc lập phải báo cáo trong trường hợp phát hiện các vấn đề nghiêm trọng về pháp luật hoặc mất an toàn về an ninh tài chính. Tôi đã kiến nghị ở Việt Nam và cả các cuộc hội thảo quốc tế lớn, đề nghị xem xét lại các triết lý về dịch vụ kiểm toán độc lập, nhất là trong trường hợp có tính trách nhiệm của các công ty kiểm toán.
Tôi cho rằng các công ty phải có trách nhiệm trong việc xảy ra (những hậu quả – BTV) do không cảnh báo các vấn đề tài chính. Theo tôi, tuy công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ nhưng bản thân họ là người công chứng trong lĩnh vực tài chính, việc kiểm toán tại một doanh nghiệp phục vụ chủ doanh nghiệp thực chất lại phục vụ các cổ đông, các nhà đầu tư liên quan đến doanh nghiệp đó và rộng hơn nữa là phục vụ xã hội nói chung. Do đó, kiểm toán độc lập phải ý thức được trách nhiệm với những người đóng thuế.
* Có thể nói kiểm toán độc lập hiện nay được trao quyền rất lớn, do đó không loại trừ có việc kiểm toán viên, công ty kiểm toán độc lập thông đồng với doanh nghiệp, phù phép để có những bản báo cáo chính tốt?
– Chính vì những nguy cơ như vậy nên phải có các biện pháp hạn chế rủi ro. Cụ thể, phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của kiểm toán viên; nâng cao đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp. Kiểm toán viên phải trung thực trong hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng rất quan trọng và Việt Nam cần học hỏi các mô hình trên thế giới.
Hiện nay trên thế giới có hai mô hình kiểm toán chất lượng từ hai phía. Thứ nhất là mô hình của Mỹ và các nước nói tiếng Anh, thực hiện kiểm tra chéo. Theo đó, các hiệp hội phối hợp với nhà nước và yêu cầu trong một năm, mỗi công ty kiểm toán này phải kiểm tra lại chất lượng dịch vụ và việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán của các công ty khác.
Mô hình thứ hai ở Pháp và các nước Tây Âu sử dụng khoảng 1.000 kiểm toán viên lấy từ các công ty kiểm toán độc lập, sau đó có bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra và đề nghị họ tình nguyện mỗi năm làm cho các hiệp hội ít nhất 200 giờ để soát xét lại hồ sơ chất lượng kiểm toán của các kiểm toán viên khác. Theo quy định, mỗi kiểm toán viên độc lập trong một năm phải bị soát xét chất lượng ít nhất một hồ sơ kiểm toán theo phương pháp chọn lực ngẫu nhiên.
* Như vậy có xảy ra vấn đề kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán bao che cho nhau hay không?
– Cũng không loại trừ trường hợp này, nhưng theo tôi điều này khó xảy ra vì hoạt động kiểm toán là hoạt động mang tính cạnh tranh rất cao. Nếu công ty kiểm toán này phát hiện sai phạm tại công ty kiểm toán khác thì không bao giờ họ ém nhẹm vì nếu đưa vụ việc ra, uy tín công ty kia giảm thì họ có cơ hội cạnh tranh hơn. Đối với các kiểm toán viên cũng vậy, nếu kiểm toán viên bị nêu tên rồi sẽ không cho phép kiểm toán trên thị trường, thậm chí rút giấy phép hành nghề.
* Ông có ủng hộ chủ trương nên lựa chọn mô hình tương tự tại Việt Nam?
– Chúng ta cũng nên theo mô hình như vậy. Ngoài ra, chúng ta có nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán từ phía cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, kiểm soát chất lượng từ Hội Kế toán kiểm toán viên hành nghề … Chúng ta đã chấp nhận một giai đoạn phát triển theo bề nổi của các công ty kiểm toán độc lập để đáp ứng cho thị trường. Dịch vụ này hiện đang rất sôi động và ngày càng tăng lên trong hội nhập quốc tế nên cần kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Bản thân Kiểm toán Nhà nước cũng rất quan tâm đến vấn đề chất lượng, mỗi năm chúng tôi soát xét lại 24-25% số cuộc kiểm toán. Các đơn vị kiểm toán độc lập cũng cần thiết phải thực hiện như thế để đánh giá chất lượng.
Theo Báo tuổi trẻ
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông