Nhưng điều gì biến một người quản lý thành một vị sếp tuyệt vời?
Các nghiên cứu khác về người quản lý trong doanh nghiệp thường tập trung vào phong cách và uy tín của họ, nhưng nghiên cứu trên muốn đánh giá cụ thể về cách người lao động bị ảnh hưởng bởi năng lực chuyên môn của sếp. Để làm được điều này, cần trả lời được 2 câu hỏi: Sếp có phải là chuyên gia thực sự trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp? Sếp có bao nhiêu kinh nghiệm?
Năng lực chuyên môn của người quản lý là một khái niệm phức tạp. Vì vậy, nghiên cứu của Harvard Business Review sử dụng 3 cách khác nhau để đo lường nó. Trong trường hợp cần thiết, sếp có thể hoàn thành công việc của nhân viên. Sếp đã phấn đấu đi lên từ vị trí thấp lên vị trí cao trong công ty. Năng lực chuyên môn của sếp được đánh giá bởi nhân viên.
Sử dụng ba phương pháp đo lường trên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lao động thường hạnh phúc hơn khi họ có những người sếp có kiến thức chuyên môn sâu sắc về hoạt động cốt của doanh nghiệp. Điều này cho thấy những đánh giá xưa nay từng có về một người sếp tốt có thể phải xem xét lại. Chúng ta đã từng nghe thấy nhiều ý kiến cho rằng đưa một kỹ sư lên lãnh đạo những kỹ sư khác, một biên tập lên lãnh đạo những biên tập khác là một ý tưởng tồi.
Lập luận này cho rằng một nhà quản lý giỏi không cần phải giỏi chuyên môn, mà phải là một sự kết hợp xuất sắc của những phẩm chất như uy tín, kỹ năng tổ chức và sự nhạy cảm. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của những phẩm chất trên, nhưng nghiên cứu của Harvard Business Review cho thấy kiến thức chuyên môn của lãnh đạo có ảnh hưởng vô cùng quan trọng, hơn cả những phẩm chất còn lại, và có những bằng chứng xác đáng cho thấy điều đó.
Ví dụ, các bệnh viện sẽ hoạt động tốt hơn nếu lãnh đạo là các bác sỹ chứ không phải các nhà quản lý. Các đội bóng rổ của Mỹ hoạt động tốt hơn nếu lãnh đạo là cựu ngôi sao bóng rổ. Hay các đội đua công thức 1 thành công hơn nếu lãnh đạo là các cựu tay đua, và các trường đại học thành công hơn nếu lãnh đạo là các nhà nghiên cứu hàng đầu chứ không phải các nhà quản lý tài năng.
Trong nghiên cứu của mình, Harvard Bussiness Review đã thực hiện khảo sát về sự hài lòng đối với công việc của trên 35.000 người và nơi làm việc ở Mỹ và Anh. Với câu hỏi “Bạn cảm thấy thế nào về công việc hiện nay” được đưa ra ở Mỹ, mỗi câu trả lời “rất không thích” được 1 điểm, “hơi không thích”: 2 điểm, “khá thích”: 3 điểm, “rất thích”: 4 điểm. Điểm trung bình của người trả lời là 3,2.
Ở Anh, với trả lời trên thang điểm 7 từ mức độ “hoàn toàn hài lòng”, đến “hoàn toàn không hài lòng về công việc”, điểm số trung bình xấp xỉ 5,3. Với điểm trung bình như trên, đánh giá bước đầu của của nghiên cứu là người lao động khá hài lòng với công việc. Phân tích sâu hơn, sếp giỏi chuyên môn là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất đến sự hài lòng với công việc của nhân viên.
Thậm chí, đối với một số lao động Mỹ, một sếp giỏi còn quan trọng với họ hơn là mức lương (thậm chí mức lương họ đang hưởng rất cao). Những yếu tố khác dẫn đến sự hài lòng trong công việc là loại hình công việc, trình độ giáo dục, lĩnh vực hoạt động của công ty. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu người lao động vẫn làm công việc cũ, nhưng có sếp mới với năng lực chuyên môn tốt hơn, sự hài lòng về công việc của họ cũng tăng lên.
Người lao động hạnh phúc nhất khi sếp hiểu những gì họ nói, và điều này có thể dẫn đến kết quả lao động tốt hơn. Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, sự hài lòng của người lao động đối với công việc mà họ đang làm chỉ tăng lên chút ít cũng có thể làm tăng năng suất lao động thêm 12%. “Người lao động hài lòng về công việc cũng ít có nguy cơ bỏ việc”, Harvard Business Review nhận định.
Cuối cùng, những công ty có nhân viên hạnh phúc sẽ có triển vọng tốt về giá cổ phiếu trong dài hạn.
Theo Nhịp sống kinh tế