Tình trạng doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng khó giải ngân đã khiến tín dụng trên toàn hệ thống sụt giảm. Trong bối cảnh niềm tin không có thì tài sản thế chấp vẫn là điều kiện chính trong các giao dịch vay vốn.
Rào cản thế chấp
Một tuần lễ sau khi trần lãi suất huy động được hạ xuống 9% và lãi suất cho vay dưới 1 năm xuống 13%, tình hình tín dụng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) dường như vẫn chưa được cải thiện.
Trao đổi tại một tọa đàm các doanh nhân mới đây, giám đốc một chi nhánh ngân hàng tâm sự: “Lãi suất tiền gửi hạ xuống 9%, nhiều điện thoại gọi đến chúc mừng ngân hàng do họ cho rằng chúng tôi sẽ có nhiều khách hàng trong thời gian tới, vốn ứ đọng sẽ được tháo ra. Nhưng sau 1 tuần lễ, thực tế không như vậy. Chúng tôi không thấy có nhiều khách hàng. Doanh nghiệp (DN) mong lãi suất 13% nhưng ngân hàng muốn xem sổ sách và phương án hoạt động. Gần như với tất cả, chúng tôi đã phải nói rằng: Xin quý vị đến với chúng tôi trong một thời điểm trong tương lai. Rất nhiều DN đã thất vọng nhưng đây là một thực tế”.
Khảo sát nhanh với câu hỏi: “Vấn đề lớn nhất là gì khi doanh nghiệp vừa và nhỏ đi vay vốn ngân hàng?” trong chương trình Tọa đàm Café Doanh nhân với gần 100 CEOs mới đây thì 11 DN cho rằng ngân hàng gây khó khăn; 18 DN cho biết gặp khó khăn trong sản xuất nên ngân hàng không cho vay; 11 DN khẳng định vấn đề chính là không có thế chấp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình, cũng cho rằng, thế chấp là vấn đề chính. “Ngân hàng không cho vay là do không có thế chấp. Nếu doanh nghiệp thua lỗ mà có tài sản thế chấp thì ngân hàng vẫn cho vay. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề chính rõ ràng là thế chấp. Đây là vấn đề đầu tiên”, ông Hiếu cho biết.
Hơn thế, theo ông Hiếu, mặc dù lãi suất tiền gửi là 9% nhưng trên thực tế lãi suất cho vay vẫn là 15-16%; 17% cũng có, 18% cũng có và thậm chí lên tới 20%.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kêu gọi các NHTM cho doanh nghiệp vay trong bối cảnh các NHTM đang có quá nhiều tiền. Một bên thì ngân hàng thừa vốn, ứ vốn và lãi suất thì đang xuống… Trong khi đó, các DN đang thiếu vốn, đang chết lâm sàng. Hai bên không gặp nhau cho dù NHNN đứng ở giữa kêu gọi.
Ám ảnh nợ xấu
Một câu hỏi được đặt ra là: Vấn đề gì đang xảy ra ở nền kinh tế Việt Nam. Vấn đề gì đang xảy ra đối với ngân hàng và với DN?
Về vĩ mô, lạm phát tụt xuống quá nhanh. Rất nhiều chuyên gia cũng không ngờ là lạm phát chưa tới giữa năm đã xuống tới gần 8%. Kết quả này có lẽ là do chính sách của Chính phủ… Nhưng cũng có lẽ có một yếu tố nào đó khác, và phải chăng là lực cầu giảm xuống một cách khủng khiếp. DN tồn kho cao ngất là một nguyên nhân khiến nhu cầu vay vốn suy giảm. Bên cạnh đó, khối nợ xấu khổng lồ đang làm tụt mong muốn đẩy mạnh cho vay của các ngân hàng cho dù hàng loạt DN đói vốn.
Gần đây, nhiều người cho rằng, ngân hàng đang siết chặt lại điều kiện cho vay. Nhưng thực tế không phải. Các điều kiện cho vay vẫn giống như 2, 3, 5 năm trước đây. Các ngân hàng chỉ nghiêm chỉnh hóa các điều kiện này. Họ đang siết chặt chính họ, để tuân thủ những quy định đưa ra cho chính mình. Họ áp đặt lên họ kỷ luật cho vay.
Theo tiến sĩ Hiếu, nỗi lo nợ xấu vốn đã rất cao, nay tiếp tục tăng lên nữa đang khiến các ngân hàng có thừa vốn nhưng không cho doanh nghiệp vay. Thay vì cho vay, họ chấp nhận mua trái phiếu Chính phủ hoặc/và cho nhau vay cho dù lỗ 3-5%.
Để minh họa cho thực tế này, ông Hiếu cho biết biên độ lợi nhuận của ngân hàng là 2%. Và như vậy, một nợ bị mất đi thì cần 50 món nợ khác để bù đắp. Đây là lý do khiến các ngân hàng rất cẩn thận. Nợ xấu khiến cho ngân hàng co rút lại.
Về thực tế nợ xấu, hồi tháng 8/2011, theo NHNN, tỷ lệ này trên toàn hệ thống là dưới 3%. Trong khi đó, theo Fitch là 12-13%. Đến tháng 3/2012, Chính phủ cũng mời các chuyên gia đến để bàn về vấn đề này. Con số 9-10% được đưa ra nhưng không công bố ra bên ngoài. Vừa rồi, Thống đốc cho rằng nợ xấu khoảng 10%. Con số này cũng có thể chưa hoàn toàn đúng nhưng có lẽ là chính xác nhất từ trước tới nay.
Không những thế, tính thanh khoản của hệ thống vẫn là một vấn đề đáng quan tâm. Không phải tất cả các ngân hàng cho tới thời điểm này đều tốt. Trần lãi suất huy động được hạ xuống 9% từ 11/9. Cho tới hôm 15/6 vừa rồi, một số ngân hàng đã đẩy lên 13-14% cho kỳ hạn 13 tháng (tăng 50% so với kỳ hạn 12 tháng). Như vậy, có thể thấy rất có thể những ngân hàng đó có vấn đề. Hình như họ đói vốn, gặp vấn đề thanh khoản.
Như vậy, mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, hai bên doanh nghiệp và ngân hàng cần “hiểu nhau”. Các khoản vay cần được bảo đảm.
Theo ông Hiếu, để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ngoài tài sản thế chấp đang có và hình thành từ nguồn vốn, đơn vị đi vay nên chuẩn bị báo cáo, dự báo tài chính, kế hoạch kinh doanh rõ ràng, ít nhất phải được 1 năm. Nếu được 3 năm thì càng tốt và 5 năm thì tuyệt vời. Khi đó, ngân hàng có cơ sở để xem xét.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch IDG Ventures Vietnam, việc huy động vốn không nhất thiết là chỉ dựa vào ngân hàng. Các doanh nghiệp có thể gọi vốn qua các quỹ. Với các quỹ đầu tư, điểm quan trọng nhất lại không phải là các bản báo cáo tài chính và kế hoạch kinh doanh. Việc thu hút đầu tư thành công hay không trước hết dựa vào người đứng đầu doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp. Theo đó, người đứng đầu (CEO) của doanh nghiệp phải có tầm nhìn, có mục tiêu rõ ràng, có khả năng ảnh hưởng tới người khác. Việc xác định rõ sản phẩm là yếu tố mà các nhà đầu tư rất quan tâm. Các điều kiện sau đó mới là các bản kế hoạch…
Đồng quan điểm với ông Trường, ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư U&I, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam – cũng cho rằng, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp là quan trọng nhất. Để có thể gọi được vốn, người đứng đầu doanh nghiệp phải tự biết tiếp thị tốt bản thân mình. Phải để cho người khác thấy được tầm nhìn cũng như khả năng của mình. “Doanh nhân phải biết biến mình thành món hàng tốt, phải biết tự tiếp thị mình để bán được giá hay chính là thu hút được đầu tư”, ông Tín chia sẻ.
Theo VEF
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông