Lý lẽ của việc giao chỉ tiêu “bất khả thi”
Bạn là nhà sáng lập hay đơn giản là cấp trên, bạn giao chỉ tiêu rất cao, một nhiệm vụ có thể nói là “bất khả thi” và người chịu trách nhiệm là giám đốc hoặc cấp dưới. Việc giao chỉ tiêu kinh doanh cao tới mức ai cũng nghĩ là sẽ không đạt được thì có lợi không?
Giao chỉ tiêu vượt quá khả năng thực tế có lý lẽ của nó. “Set high target and fail well” là cách mà nhiều lãnh đạo ngày nay chọn để giao chỉ tiêu cho cấp dưới. Đó là những lãnh đạo ít bị chi phối bởi con số dự báo thông thường, họ đặt ra mục tiêu thay vì dự báo nó. Bản thân người lãnh đạo cũng hiểu rằng công ty thể không đạt được. Nhưng mục tiêu thực sự của họ này là muốn tổ chức của anh mình sẽ phải “fail well”, tức là kết đạt được phải tiệm cận mục tiêu đặt ra với một khoảng cách không lớn, thế là thành công. Giống như khi bạn đặt mục tiêu bạn phải làm thủ tướng ở tuổi 40, bạn sẽ nỗ lực hết mình để đạt được mục đích của mình và bạn “fail well” với vị trí là bộ trưởng. Khi bạn chỉ dừng ở vị trí vụ trưởng hay trưởng phòng thôi nghĩa là mục tiêu ngầm hiểu đã không đạt được (fail badly).
Ví dụ nữa, công ty bạn ở quy mô lớn hàng nghìn tỷ và bạn giao cho giám đốc của mình phải tăng trưởng 50%, nhiều người sẽ nghĩ bạn điên nhưng rồi, nhưng con số thực tế bạn muốn đạt được là 35% chứ không phải 50%.
Vậy vì sao bạn không giao 35% thôi? Vì khi đặt mục tiêu cao dù không đạt được, bạn cũng sẽ tiến gần đến vị trí đó. Con người chúng ta có khả năng sáng tạo rất lớn khi bị đẩy đến tới hạn của mình. Ngược lại, chúng ta ít khi nghĩ ra điều gì hay ho nếu mục tiêu đặt ra không lớn hơn bối cảnh hiện tại. Giao chỉ tiêu “bất khả thi” là một ý tưởng hay.
Sai lầm hay đúng đắn phụ thuộc vào việc bạn giao mục tiêu “bất khả thi” đó cho ai
Đứng trước một chỉ tiêu cao ngất, người được giao sẽ hiểu rằng họ không thể làm việc một cách bình thường để đạt được mục tiêu được nữa. Khi đó, tư tưởng “set high target and fail well” của bạn sai lầm hay đúng đắn phụ thuộc vào ai là người được giao. Trên thực tế, có ba lựa chọn cơ bản của người được giao, đó là “tầm thường”, “bất thường” và “phi thường”.
Nếu người được giao là người rất dễ thoái chí thì khi nhìn thấy “đỉnh núi cao”, họ sẽ buông xuôi, không “leo” nữa với suy tính là dù sao cũng không đạt được rồi và dĩ nhiên kết quả sẽ rất kém, kém hơn cả khi chúng ta giao cho họ một chỉ tiêu vừa vừa. Rõ ràng, bạn không sai ở việc giao chỉ tiêu, bạn sai ở việc chọn một người không có sức chiến đấu để làm “tướng tiên phong”. Vì vậy, sai ở đâu thì sửa ở đó thôi.
Nhưng điều đó chưa phải là điều tệ nhất, điều tệ nhất là bạn giao “high target” cho những người sẵn sàng làm càn, làm liều để đạt mục tiêu đó. Điều này khá phổ biến. Khi tôi nói đến “làm càn, làm liều”, tôi muốn nói rằng, những người này sẽ sẵn sàng lách luật hoặc gây ảnh hưởng đến những giá trị cốt lõi của công ty khi chạy theo mục tiêu. Họ có thể lợi dụng đối tác, khách hàng, người lao động hay tạo nên những con số ảo mang tính đối phó; nghiêm trọng hơn, khi được dẫn dắt bởi người như vậy, công ty của bạn sẽ hình thành một đội ngũ có văn hóa chuộng dùng “dopping”. Đó là lựa chọn “bất thường”.
Với người có thái độ đúng, khi không thể đạt được mục tiêu theo cách làm bình thường, họ sẽ dốc hết sức mình để làm nên điều khác biệt, thách thức bản thân mình với mong muốn tạo ra một kết quả tốt nhất có thể, nếu không phải là một thành tích “phi thường”. Chưa bàn đến việc họ có đạt được mục tiêu mà bạn đặt ra hay không. Nhưng dù thế nào, họ cũng không thỏa hiệp với những cách làm gây tổn hại thương hiệu, giá trị cốt lõi của công ty hay chạy theo kết quả không thực chất. Họ làm điều đúng đắn cũng không phải để người khác biết và khen; không làm càn, làm liều cũng không phải vì sợ có che dấu được hay không; vì những điều đó không quan trọng. Điều quan trọng nhất là chính họ biết mình đã làm điều đúng đắn.
Tôi muốn nhất mạnh tác động tiêu cực của lựa chọn cách làm “bất thường” vì trên thực tế có khá nhiều công ty mắc phải.
Cách làm liều đặt ra nhiều thách thức và khó khăn cho việc tăng trưởng về dài hạn. Con số doanh thu hay lợi nhuận mang lại bằng những “kỹ thuật” tài tình nhưng được đánh đổi bằng sự giảm xuống của trải nghiệm khách hàng, niềm tin của người lao động và đối tác. Về lâu dài, cách làm này làm làm tổn thương lời hứa thương hiệu và suy yếu nội lực của công ty. Kết quả đạt được bằng cách này được gọi là “bad profit” hay lợi nhuận xấu. Đáng tiếc, rất nhiều công ty đã trở nên nghiện “lợi nhuận xấu” nhưng không nhiều trong số họ ý thức được điều này, bởi qua năm tháng, nó đã được hình thành như một một thói quen.
Trước khi giao mục tiêu “bất khả thi”, hãy cố hiểu một điều, bạn đang giao nó cho ai, vì đó chính là điều quyết định phần lớn phương pháp “set high target and fail well” của bạn là đúng đắn hay sai lầm.
Theo Nhịp sống kinh tế