Thời gian qua, có những biến động của thị trường ngoại tệ, vàng, chứng khoán, bất động sản làm cho không ít doanh nghiệp bảo hiểm điêu đứng về hoạt động đầu tư, phải trích lập dự phòng giảm giá lớn, hiệu quả thấp, thậm chí không sinh lời hoặc mất cả vốn.
Hiện tại, không rầm rộ như lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, lộ trình tái cấu trúc thị trường bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm cho đến nay vẫn rất lặng lẽ.
Đến thời điểm này, các văn bản pháp lý quan trọng phục vụ cho công cuộc tái cấu trúc thị trường bảo hiểm vẫn đang trong quá trình soạn thảo, và vì thế, những thông tin liên quan đến việc sáp nhập, hợp nhất giữa các doanh nghiệp bảo hiểm hầu như vẫn “kín như bưng”.
Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện tái cấu trúc các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được thực hiện trên cơ sở phân loại thành 4 nhóm theo hệ thống chỉ tiêu, giám sát để áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát thích hợp.
Theo đó, nhóm 1 sẽ gồm các doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo khả năng thanh toán hoạt động kinh doanh có lãi. Đối với nhóm này, tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động kinh doanh, có thể cho phép mở rộng phạm vi hoạt động nếu có phương án kinh doanh có hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đảm bảo khả năng thanh toán tuy nhiên kinh doanh còn khó khăn, chi phí hoạt động lớn, tỷ lệ bồi thường cao hoặc hoạt động kinh doanh không có lãi trong 2 năm liên tục. Đối với nhóm này cần đánh giá hiệu quả, giảm chi phí hoạt động. Việc mở rộng hoạt động kinh doanh cần được kiểm soát chặt chẽ, trên nguyên tắc hiệu quả.
Nhóm 3 là các doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán (biên khả năng thanh toán thấp hơn mức tối thiểu). Đối với nhóm này cần đánh giá thực trạng tài chính, cơ cấu lại đầu tư, xử lý nợ phù hợp hoạt động, tăng vốn chủ sở hữu, cải cách lại quản trị điều hành; chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho công ty khác.
Nhóm 4 là các doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và áp dụng các giải pháp theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nếu trong thời gian kiểm soát đặc biệt không khắc phục được, sẽ thực hiện sáp nhập hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.
Tại hội nghị tổng giám đốc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ diễn ra đầu tháng 6 vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ông Trịnh Thanh Hoan, một lần nữa đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động rà soát, đánh giá tính hiệu quả trong việc tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính. Sự chủ động và quyết tâm đổi mới chính mình sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm thoát khỏi “vòng nguy hiểm” khi bị xếp hạng vào nhóm 3 (có rủi ro cao), nhóm 4 (có rủi ro nghiêm trọng buộc phải sát nhập hoặc giải thể).
Theo VnEconomy
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông