Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Chuyện giữ người trong Startup/SME” của chị Nguyễn Ngọc Hà – CEO Công ty TNHH TM DV OFOOD. Mời độc giả đón đọc.
Sau khi bài viết về “Chuyện tuyển dụng của Startup/SME” được đăng tải, tôi nhận được kha khá lời động viên cũng như “ném đá”. Theo đúng tinh thần tiên trách kỷ hậu trách nhân, tôi tự nhìn lại nội tại doanh nghiệp để điều chỉnh, kết hợp cùng buổi chia sẻ hôm qua của một chị bạn mà tôi rất nể, tóm tắt lại chia sẻ cùng mọi người một số cách thức để giữ nhân sự trong doanh nghiệp nhỏ và startup:
1. Thẳng thắn và chân thành trong trao đổi
Đây gần như là nguyên tắc bắt buộc cần phải có cho mọi mối quan hệ. Đặc biệt đối với mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động. Những hào nhoáng tô vẽ, tạo ra quá nhiều hy vọng chỉ làm tăng thêm thất vọng khi đối diện với thực tế. Vì vậy, tôi vẫn luôn tìm cách trình bày những điểm còn chưa tốt của công ty mình một cách chân thành nhất có thể khi phỏng vấn bất cứ ai. Nếu chấp nhận đến với nhau cả khi biết những điểm chưa tốt, người ta sẽ càng dễ yêu nhau vì những điểm tốt.
Một chia sẻ rất hay của bạn tôi trong phần này, đó là hãy cung cấp cho người lao động benchmark lương của thị trường, để cho thấy công ty của bạn không thể là công ty có mức lương cao nhất, nhưng cũng không phải công ty có mức lương thấp nhất trên thị trường. Ngoài ra, các phúc lợi khi đưa ra cho người lao động cũng cần được đo lường cụ thể. Nếu là học hỏi, cụ thể học từ ai và học gì, học ra sao. Nếu là kinh nghiệm, cụ thể là những kinh nghiệm rút ra từ các dạng trải nghiệm gì. Càng chi tiết cụ thể, càng giúp người lao động dễ hình dung và ra quyết định.
2. Luôn quan tâm một cách tỉ mỉ và tinh tế
Chúng ta có thể nghèo về tiền bạc. Nhưng đó không phải là lý do bào chữa cho việc nghèo tinh thần. Những hành động quan tâm tinh tế nhỏ nhặt lại chính là những điều khiến người ta nhớ rất nhiều và cảm kích rất nhiều.
Bạn tôi có chia sẻ về tình huống một anh bạn khi đi công tác tỉnh cùng nhân viên trong trời mưa, đã ghé vào cửa hàng mua sẵn áo mưa cho anh nhân viên đi cùng. Chỉ thế thôi, mà chiếc áo mưa đó được người nhân viên nhớ và nhắc mãi với tất cả sự cảm kích. Còn bạn tôi, trong quá trình điều hành doanh nghiệp, chị xem sự quan tâm nhân viên như một trong những checklist việc phải làm. Và thực hiện đều đặn với tất cả sự chân thành. Một cách sáng tạo, tinh tế tùy từng trường hợp.
Tôi nghĩ đây là điểm về thị trường khách hàng mà người founder dễ quên mất, đôi khi vì quá nhiều lo âu trăn trở về số phận của doanh nghiệp. Vậy nên, nếu đã chọn con đường làm dâu trăm họ này, bạn bè founders của tôi thôi cũng ráng chút làm dâu trong chính công ty của bạn luôn. Dâu ngoan và chân tình, chắc cũng có ngày mẹ chồng sẽ hiểu.
3. Gây dựng các nhóm bạn nội bộ
Đôi khi người ta gắn bó với một tổ chức không phải vì tổ chức đó hay vì công việc, mà vì những người làm cùng. Trong thời đại hiện nay, có lúc đồng nghiệp lại chính là người ta gặp nhiều nhất, còn nhiều hơn cả người thân. Vì vậy, nếu người quản lý/điều hành/người chủ quan tâm đến việc tuyển dụng những người có thể làm bạn cùng nhau, xây dựng các hoạt động kết bạn nội bộ, cũng góp phần rất lớn trong việc giữ chân nhân viên.
Mặt trái của việc này là khả năng hình thành phe cánh, nhóm lợi ích hoặc khi ra đi sẽ đi cả đội.
4. Cân bằng giữa thực tế và mộng mơ
Con người ai cũng có nhu cầu thỏa mãn cả tinh thần và thể xác. Cần cả kẹo và thuốc, hoa hồng với bánh mì. Nếu doanh nghiệp chỉ chăm chăm đến những câu chuyện lợi ích sẽ biến tổ chức thành một cỗ máy đòi hỏi ngày càng vô độ. Nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm đến những bức tranh tương lai mộng mơ và nhiều lý tưởng, người ta sẽ ra đi vì nghèo hoặc chết vì đói. Vì vậy, biết lúc nào cần cho thuốc, lúc nào cần tặng kẹo, là kỹ thuật và cái tâm của người lãnh đạo.
5. Khen và chê đúng lúc
Bạn tôi kể chuyện khi đi ăn tại một nhà hàng ở xứ người, có một chiếc chuông gọi là chuông động viên. Nếu thực khách cảm thấy hài lòng với món ăn ngày hôm ấy, sẽ rung một cái chuông được nối liền vào bếp để khen ngợi nhân viên của nhà hàng. Mỗi lần tiếng chuông reo lên, từ trong bếp lại vang lên tiếng vỗ tay rất vui vẻ. Công việc bếp rất vất vả và luôn bị than phiền, nên người chủ nhà hàng đã rất thông minh khi chọn cách này để động viên đội ngũ.
Đôi khi việc chê trách quá nhiều lại gây ra tâm lý bất cần hoặc “đổ lì” như một cách chống đối. Cân bằng giữa khen và chê để có thể động viên đội ngũ cũng là một kỹ năng cần có của người lãnh đạo.
6. Cách thức ra nhiệm vụ hay là hãy đo lường mọi thứ
Một trong những vấn đề tạo nên khoảng cách giữa người quản lý và nhân viên là sự khác biệt về kỳ vọng đối với kết quả công việc. Sếp cứ đinh ninh nói thế là nhân viên đã hiểu lòng mình. Nhân viên cứ đinh ninh làm vậy là đủ hài lòng sếp. Nhưng vì hệ đo lường của hai bên khác nhau nhưng lại không trao đổi cụ thể với nhau để cùng quy về một đơn vị, nên đến cuối cùng khi có kết quả, sếp lại không vui mà nhân viên cũng không hiểu vì sao.
Do đó, nhiệm vụ đưa ra càng được cụ thể hóa bằng các chỉ số đo lường được càng tốt. Điều đó sẽ giúp sếp dễ quản lý và nhân viên dễ hiểu nhiệm vụ của mình. Đôi khi người ta rời đi, không phải vì tổ chức, mà vì người lãnh đạo.
7. Phân chia vai trò Leader và Manager
Nếu có thể, đội ngũ lãnh đạo nên có một người truyền cảm hứng, động viên về tinh thần và một người chịu trách nhiệm điều hành chặt chẽ từng chi tiết cụ thể. Không phải ngẫu nhiên mà những tổ chức lớn phải có cả vị trí CEO và COO. Bạn không thể ngày hôm trước nói chuyện với nhân viên về tương lai ngàn tỷ và câu chuyện go global, ngày hôm sau trách mắng vài mươi phút đi làm trễ hoặc mặc cả vài trăm ngàn tiền lương.
Nếu chưa tìm được người đi cùng, thôi thì hãy xây dựng hình tượng bản thân như một người bị bệnh đa nhân cách cũng được. Thực ra cũng là một trải nghiệm thú vị tôi đã từng trải qua.
8. Gây dựng lòng tự hào
Một trong những nhận xét rất thú vị của bạn tôi đó là, động lực làm việc của giới trẻ hiện nay đôi khi không phải là tiền hay quyền lực, mà là động lực được checkin cho bằng bạn bằng bè. Rằng tôi đã từng đến đó đó. Tôi đã từng như thế đó. Công ty tôi thú vị vầy nè. Công ty tôi có ngày kỷ niệm vui như thế nè….
Chúng ta có thể học hỏi Grab và Uber khi biến một nghề vốn không được xã hội coi trọng như xe ôm trở thành một nghề nghiệp thú vị, một công việc tự do, có thể gặp gỡ giao tiếp nhiều người, trải nghiệm nhiều góc độ khác nhau trong cuộc sống.
Là người làm trong ngành F&B, tôi đang nghĩ về việc làm sao để nghề đầu bếp và phục vụ được thấu hiểu và coi trọng như nghề tài xế. Như cách chúng ta vẫn luôn được dạy dỗ mà không mấy người thật sự thấm, rằng “nghề nào cũng có trạng nguyên”.
9. Không bằng lòng với sự yên ổn
Người giỏi sẽ luôn cần thử thách. Nhưng trong công ty nhỏ, con đường sự nghiệp không đủ dài vì không đủ nhiều chức vụ như các tổ chức to cồng kềnh. Vì vậy, người quản lý/điều hành/làm chủ có thể chọn cách luân chuyển vị trí/nhiệm vụ để tạo nên thử thách mới cho người lao động. Một trong những lý do người lao động ra đi, có thể vì họ đã không còn thử thách nữa.
Tuy nhiên, xáo trộn hệ thống, thay đổi vị trí trong bộ máy cần có sự nhạy cảm và thấu hiểu năng lực của nhân viên, để có sự xáo trộn đúng, nếu không sẽ phản tác dụng.
10. Chấp nhận phận làm Sếp
Đã chọn vai trò làm người đứng mũi chịu sào, thay vì than vãn, chúng ta hãy chấp nhận và gánh vác một cách vui vẻ. Nhân viên buồn hãy quan tâm an ủi. Nhân viên đói hãy dắt đi ăn xong bắt chia tiền hay bao trọn vẹn tùy tình hình kinh tế. Biết lúc nào cần mềm lúc nào cần cứng. Biết lúc nào nên trách lúc nào nên khen. Nếu đủ giỏi để lãnh đạo thì làm thầy, nếu chưa đủ giỏi để lãnh đạo thì làm bạn, vai trò nào cũng được miễn sao giúp đội ngũ được bền vững để cùng đi được xa. Muốn lãnh đạo được một đội ngũ giỏi, bản thân bạn phải là một người khiến họ nể phục. Bằng năng lực, hoặc nhân cách, hoặc cả hai.
Khi nghèo, chúng ta có thể dùng tình cảm để giữ người, nhưng không thể dùng cách đó mãi. Doanh nghiệp cuối cùng vẫn phải làm sao phát triển đủ tốt để chăm lo đời sống cho người chiến đấu cùng mình. Vì thứ mà người lao động trao cho bạn, chính là thời gian và công sức. Một đời người, người ta chỉ có vài mươi năm đấy thôi. Trao cho bạn hết rồi, nên hãy biết trân trọng.
Bản thân tôi, gần mười năm kinh doanh, trải qua nhiều thăng trầm, điều nhớ nhất đến giờ, vẫn là bát mì gõ nhân viên hùn lại mua cho ăn, trong một đêm mưa, sau khi tôi gom tiền trả lương hết sạch cho hệ thống nhưng còn thiếu lại mấy bạn trong core team.
Đó vẫn mãi là bát mì ngon nhất tôi đã từng ăn. Mùi vị đó, là mùi vị của những ngày tháng tuổi trẻ cùng nhau chiến đấu cho một khát vọng lớn lao, mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm.
Theo trí thức trẻ