Kiến thức Tài chính kế toán Ngân hàng dồn tổng lực cạnh tranh huy động dài hạn

Ngân hàng dồn tổng lực cạnh tranh huy động dài hạn

138
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNgay sau khi trần lãi suất huy động ở kỳ hạn 1 – 12 tháng giảm mạnh về mức 9%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn trên 1 năm được thả nổi, các ngân hàng vào cuộc đua lãi suất huy động ở kỳ hạn dài, đẩy lãi suất kỳ hạn này lên tới 13,5%/năm.

Lãi suất tăng mạnh ở kỳ hạn dài

Sau một tuần áp trần lãi suất huy động 9%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi từ 1 năm trở xuống, các ngân hàng cho biết, gửi tiết kiệm bắt đầu có chiều hướng thay đổi từ kỳ hạn ngắn chuyển sang kỳ hạn dài. Kỳ hạn từ 1 năm trở xuống lãi suất đã giảm sâu, trong khi đó, với các kỳ hạn tiết kiệm dài ngày (trên 1 năm), lãi suất được thả nổi, ngân hàng tự do thỏa thuận với người gửi tiền.
Ngày 14/6, thị trường lại tiếp tục đón nhận mức lãi suất huy động tiền đồng lên mức cao mới, 13,5%/năm, được WesternBank áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ). Ngoài ra, WesternBank còn áp dụng mức lãi suất 13%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Một số kỳ hạn khác như 18, 24 và 36 tháng cũng được huy động ở 12%/năm.
Không riêng WesternBank, nhiều ngân hàng khác cũng đang từng bước gia tăng tính hấp dẫn cho lãi suất kỳ hạn tiết kiệm trên 1 năm. Chẳng hạn, tại Navibank, OCB, HDBank, lãi suất huy động kỳ hạn trên 1 năm được áp dụng từ 11 – 12%/năm. Đối với các NHTM quy mô lớn hơn, lãi suất tiết kiệm ở những kỳ hạn dài cũng không dưới mức trần 9%/năm, nhằm cạnh tranh với nhà băng nhỏ. Hiện hầu hết các NHTM đều áp lãi suất tiết kiệm trên 1 năm là 11%/năm. Việc xuất hiện những mức lãi suất tiết kiệm cao đối với kỳ hạn dài bước đầu cho thấy, cạnh tranh huy động vốn bằng lãi suất đang diễn ra nhanh chóng.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, khi các kênh đầu tư khác đang rơi vào tình trạng đóng băng và khó có thể sớm hồi phục thì gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn. Do đó, không ít khách hàng đã quyết định gửi dài ngày để hưởng lãi suất trên dưới 12%/năm, thay vì gửi kỳ hạn dưới 1 năm với lãi suất tối đa 9%/năm.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc TienPhong Bank, trong lần giảm lãi suất huy động này, NHNN chỉ áp trần cho kỳ hạn dưới 1 năm và để các ngân hàng tự cạnh tranh trong các kỳ hạn dài. Vì thế, ngay sau khi có thông tin giảm lãi suất, thị trường đã ghi nhận lượng khách hàng lớn đến đổi sổ tiết kiệm sang kỳ hạn dài hơn. “Trong hai ngày cuối tuần qua, TienPhong Bank cũng hút thêm vài trăm tỷ đồng gửi tiết kiệm”, ông Anh cho biết.

… tạo sự ổn định cho nguồn vốn

Theo Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, việc tăng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài sẽ tạo cho ngân hàng sự ổn định về thanh khoản. Bởi thực chất, các khoản vay triển khai cho khách hàng chủ yếu là dài ngày. Trong khi đó, cơ cấu nguồn tiết kiệm huy động được thời gian qua chủ yếu mang tính chất ngắn ngày, vì không có động cơ để khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài. Ông Tuấn nhìn nhận, việc lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được thả nổi sẽ là động lực tốt, giúp các nhà băng huy động được nguồn vốn dài ngày, tạo điều kiện tốt hơn trong cân đối nguồn vốn.
Cùng chung quan điểm này, Phó tổng giám đốc HDBank, ông Phạm Thiện Long cho biết, thời gian qua, hầu hết khách hàng gửi tiết kiệm chỉ chọn kỳ hạn ngắn ngày, tiền gửi kỳ hạn từ 1 – 3 tháng chiếm tới hơn 80%, do lo ngại lãi suất sẽ còn biến động. Tuy nhiên, với đợt điều chỉnh trần lãi suất tiết kiệm đối với kỳ hạn 1 – 12 tháng xuống còn 9%/năm và thả nổi lãi suất kỳ hạn trên một năm, sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng nhỏ trong cạnh tranh huy động tiết kiệm VND.
Trên thực tế, cạnh tranh huy động vốn đang ngày càng khó khăn. Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP. HCM, tính đến cuối tháng 5/2012, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 907.100 tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cuối năm 2011. Trong đó, huy động vốn bằng VND đạt 715.800 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cuối năm trước. Còn huy động vốn bằng ngoại tệ của các ngân hàng đạt 191.300 tỷ đồng, giảm đến 8,5% so với cuối năm 2012.
Vì vậy, khi NHNN chính thức cho thả nổi lãi suất ở kỳ hạn dài, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN nhận định, đây cũng là một trong những giải pháp tốt cho cả ngân hàng và thị trường. Ngân hàng có cơ hội huy động tiết kiệm kỳ hạn dài, để cân đối nguồn vốn, mà người gửi tiền được hưởng lãi suất cao hơn trần quy định đối với kỳ hạn dưới 1 năm ở mức 9%/năm.
Đánh giá được đưa ra từ PGS-TS Trần Hoàng Ngân, sau khi xử lý xong các ngân hàng yếu kém, nếu diễn biến thị trường cho phép có thể tự do hóa hoàn toàn lãi suất, không cần thiết phải duy trì trần như hiện nay. Theo ông Ngân, mặt bằng lãi suất sẽ dần ổn định, vì thực tế thời gian qua tình trạng vượt trần chủ yếu rơi vào các nhà băng nhỏ, tính thanh khoản yếu kém, mặt khác, vốn khả dụng của nhiều nhà băng đang trong tình trạng dôi dư, nhưng khó cho vay.

Theo Đầu tư chứng khoán

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không