Theo thống kê mới nhất của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, thời gian trung bình mà một người làm công ăn lương gắn bó với một công ty là 4,6 năm. Với nhân viên trẻ trong độ tuổi 25-34, con số này chỉ là 2,8 năm.
Hay nhảy việc có vẻ không phải là một điều hay ho khi nó xuất hiện trong CV của bạn, vì thế nó có thể là một yếu tố khiến bạn đánh mất cơ hội có được công việc mà mình mong muốn. Do đó, trước khi quyết định nghỉ việc, bạn hãy tự đặt ra 3 câu hỏi sau:
Liệu các vấn đề bạn gặp phải có giải quyết được không?
Đối với những nhân viên cảm thấy không gắn kết hoặc không được đánh giá đúng mức, đây có thể là kết quả của việc không hợp với văn hóa công ty… hoặc đơn giản là các quản lý cần được đào tạo thêm.
“Khi công việc trở nên khó khăn hoặc bạn gặp quá nhiều vấn đề, sẽ dễ dàng hơn nếu chuyển việc thay vì tìm cách giải quyết các vấn đề”, Lou Adler, CEO của Adler Group cho biết. “Kết quả là, chúng ta thấy nhảy việc trở thành lựa chọn dễ chấp nhận hơn”.
Những thử thách hàng ngày khiến bạn không nhận ra được tiềm năng dài hạn của công việc. Nhưng không công ty nào là hoàn hảo cả. Bạn có thể sẽ thấy rằng những vấn đề tương tự vẫn tồn tại ở mọi công ty nhưng hãy cân nhắc thật kỹ những lợi ích và thiệt hại trước khi đưa ra quyết định.
Bạn có thích sự ổn định hay không?
Dù cho đã cố gắng tách bạch cuộc sống riêng và công việc, thì sự ổn định trong công việc cũng ảnh hưởng ít nhiều đến các mục tiêu dài hạn. Chẳng hạn, nếu bạn quyết định vay tiền mua nhà, nhân viên tín dụng sẽ xem xét quá trình làm việc của bạn. Một hồ sơ với tên các nhà tuyển dụng bị thay đổi cứ 2-3 năm một lần chắc hẳn sẽ không tốt cho bạn nếu cần một khoản vay kéo dài 30 năm.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ, chi phí khi để mất một nhân viên quản lý là 213% lương của người đó. Điều này khiến nhiều công ty luôn tìm kiếm những nhân viên sẵn sàng làm việc lâu dài với mình. Và khi một cơ hội mới xuất hiện, thường thì những nhân viên kỳ cựu là người đầu tiên được lựa chọn.
Bạn tiến về phía trước hay chỉ ‘đứng núi này trông núi nọ’?
Có sự khác biệt rõ ràng giữa việc “đi loanh quanh” để lấy kinh nghiệm, kiến thức cùng các kỹ năng cần thiết và việc “đứng núi này trông núi nọ”. Những người nhảy việc có suy nghĩ đã thu được những kỹ năng và kiến thức đặc biệt của nhiều quy trình, nguồn lực và nền tảng chiến lược chứng minh được họ sẽ mang lại nhiều giá trị hơn khi tìm đến công việc mới. Tuy nhiên đi kèm với đó sẽ là kỳ vọng tạo ra kết quả nhanh hơn nhiều.
Trái lại, nếu hồ sơ của bạn chỉ gồm những công việc và vị trí tương tự nhau, bạn rất dễ bị coi là người cố tìm cách thoát thân khi công ty gặp khó khăn. Những chi tiết đó sẽ làm nổi bật khả năng của bạn, hoặc khiến cho bạn phải giải thích với các nhà tuyển dụng.
Khi cuộc xung đột giữa lòng trung thành với công ty và tiềm năng ở công việc mới nảy sinh, bạn cần phải tìm ra chiến lược đúng đắn và phù hợp với mình. Khi tự đặt ra những câu hỏi về môi trường làm việc, sự ổn định, và con đường sự nghiệp, bạn sẽ nhận thức rõ hơn về những rủi ro tiềm tàng và chuẩn bị tốt hơn cho hướng đi mới mà con đường sự nghiệp dẫn bạn tới.
Theo Pháp luật TPHCM