Kiến thức Tài chính kế toán Có nên coi trọng phí kiểm toán?

Có nên coi trọng phí kiểm toán?

289
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamDo việc kiểm toán độc lập còn mới mẻ ở Việt Nam, giá trị của công việc kiểm toán báo cáo tài chính thường được nhìn nhận đơn thuần qua bản báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Trong nhiều trường hợp, báo cáo kiểm toán chỉ để đáp ứng yêu cầu của đối tác hay cho “có” để tuân thủ với các quy định hiện hành. Cách nhìn còn phiến diện như vậy đã dẫn đến một thực tế là nhiều nhà quản lý doanh nghiệp chỉ cần một cuộc kiểm toán, nhanh, ít vấn đề, với chi phí thấp, mà không chú trọng đến chất lượng và giá trị thực sự của công việc kiểm toán.
Ở các nước phát triển, kiểm toán là một trong số ít nghề được nhìn nhận là một nghề chuyên nghiệp (professional). Các công ty kiểm toán có uy tín cả trong và ngoài nước hiện nay, bên cạnh việc chú trọng chất lượng của báo cáo kiểm toán, đều rất chú trọng đến việc làm gia tăng giá trị dịch vụ kiểm toán của mình và xem đó là điểm khác biệt cơ bản trong chất lượng và giá trị dịch vụ. Nhiều người ví kiểm toán độc lập của doanh nghiệp như bác sĩ trên cơ thể người với đầy đủ chức năng: phòng, khám, chẩn đoán và chữa bệnh cho doanh nghiệp. Các kiểm toán viên tận tâm, có đạo đức nghề nghiệp, trình độ, được phân bổ đủ thời gian, chi phí, sẽ có khả năng giúp đỡ doanh nghiệp trong việc tìm, đánh giá và đưa ra các giải pháp phù hợp đối với việc cải thiện các điểm yếu trong hệ thống tài chính, kế toán, kiểm soát nội bộ, quản lý hoạt động của doanh nghiệp thông qua các thư quản lý, nhằm giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, sản xuất – kinh doanh. Thư quản lý là những nhận định và khuyến nghị được kiểm toán viên gửi cho ban giám đốc, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, nhằm trao đổi các vấn đề theo thứ tự ưu tiên quan trọng mà kiểm toán viên lưu ý trong quá trình kiểm toán, đánh giá ảnh hưởng của các vấn đề đó đối với doanh nghiệp, kiến nghị các giải pháp và ý kiến phản hồi thực tế từ đơn vị về các vấn đề đã nêu. Việc đơn vị giải quyết các điểm yếu được nêu trong thư quản lý sẽ giúp kiểm toán viên và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong thủ tục kiểm toán chi tiết ở các năm tiếp theo. Đứng trên góc độ quản lý doanh nghiệp, thư quản lý là một sản phẩm chuyên môn có giá trị cao của hoạt động kiểm toán, giúp cảnh báo các nhà lãnh đạo về những lỗ hổng trong quản lý tài chính. Thư quản lý có “chất lượng”, phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp, đòi hỏi người kiểm toán viên phải nắm chắc hoạt động thực tế của doanh nghiệp, các quy định, chuẩn mực và kinh nghiệm từ mô hình quản lý thực tế tối ưu của các đơn vị cùng ngành nghề. Quan trọng hơn, nó cần phải có được sự hợp tác, xây dựng niềm tin, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, chia sẻ thông tin giữa những nhà quản lý doanh nghiệp và công ty kiểm toán thông qua mối quan hệ đối tác bền vững một cách chuyên nghiệp.
Hệ thống kiểm soát và quy trình quản lý của các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới đã được xem như là “chuẩn mực”, nhưng họ vẫn luôn xem trọng những yêu cầu và đánh giá chất lượng của kiểm toán thông qua các thư quản lý. Trong thực tế, các kiểm toán viên vẫn tiếp tục phát hiện và kiến nghị các vấn đề như những lỗi trong hệ thống kiểm soát nội bộ, những điểm cải thiện tốt hơn cho hệ thống kiểm soát, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý doanh nghiệp, những cảnh báo về tình hình tài chính, các khả năng tiết kiệm chi phí, thuế, hạn chế thất thoát tài sản… trong hệ thống vốn được coi là “chuẩn mực” đó thông qua các thư quản lý hàng năm. Trong nhiều trường hợp, lợi ích đó là hoàn toàn thực tế, có thể lượng hóa và lớn gấp hàng trăm lần chi phí kiểm toán.
Theo tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, các chuẩn mực và hệ thống kế toán Việt Nam sẽ dần phát triển theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Các kiểm toán viên am hiểu chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp có những bước chuẩn bị phù hợp. Báo cáo tài chính được kiểm toán bởi các công ty có uy tín, chất lượng, sẽ tạo được niềm tin của những người sử dụng như cổ đông, ngân hàng, đối tác, các cơ quan quản lý… Họ không những tin tưởng vào số liệu báo cáo tài chính mà còn tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn, có lợi thế hơn trong việc tiếp cận thị trường vốn (vay, phát hành cổ phiếu, trái phiếu), đấu thầu, mua bán, sáp nhập. Đặc biệt, báo cáo kiểm toán có chất lượng là yêu cầu quan trọng trong việc thực hiện các giao dịch với các đối tác nước ngoài, tiếp cận với các nguồn vốn, quảng bá hình ảnh, niêm yết ở nước ngoài – nơi đòi hỏi các báo cáo tài chính phải được lập theo các chuẩn mực kế toán quốc tế và kiểm toán cũng phải được thực hiện theo các chuẩn mực và chất lượng quốc tế. Các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hoạt động ở Việt Nam phải áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, các quy trình, thủ tục kiểm toán chung của tập đoàn cho tất cả các khách hàng không phân biệt trong hay ngoài nước, lớn hay nhỏ, nhằm đảm bảo chất lượng quốc tế của mỗi cuộc kiểm toán, thỏa mãn các yêu cầu cao của doanh nghiệp và những người sử dụng báo cáo kiểm toán. Đây là một trong những nguyên do vì sao phí kiểm toán của các công ty kiểm toán độc lập có sự chênh lệch đáng kể, thậm chí cao gấp nhiều lần, song hầu hết khách hàng cả trong và ngoài nước sẵn sàng chấp nhận trả mức phí cao nhưng hợp lý của các công ty kiểm toán uy tín.
Như đã phân tích ở trên, việc chỉ nhìn vào phí kiểm toán và thay đổi công ty kiểm toán liên tục theo phí rẻ sẽ tiết kiệm một khoản chi phí nhỏ trong ngắn hạn, nhưng sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp hiểu đúng, hoàn thiện, nâng cao giá trị của mình và sẵn sàng nắm bắt các cơ hội kinh doanh, phát triển trong tương lai.

Theo ĐTCK

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không