Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty Ernst&Young Việt Nam, nhận định: “Gian lận có xu hướng gia tăng trên toàn cầu khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới thực sự lo lắng về trách nhiệm của họ. Tại một số khu vực, các vụ gian lận nghiêm trọng đã tăng gấp đôi trong thời kỳ suy thoái kinh tế”.
Thưa ông, cuộc khảo sát toàn cầu về gian lận của Công ty Ernst&Young được thực hiện tại Việt Nam đối với bao nhiêu doanh nghiệp và kết quả cụ thể ra sao?
Ernst&Young tiến hành cuộc khảo sát thông qua việc thực hiện phỏng vấn các giám đốc tài chính, trưởng ban kiểm soát, trưởng ban pháp chế và ban tuân thủ của 25 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Kết quả có khoảng 8% doanh nghiệp cho biết có tình trạng gian lận trong 2 năm qua.
Các ông cho rằng, tại một số khu vực, các vụ gian lận nghiêm trọng đã tăng giấp đôi trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Phải chăng suy thoái là nguyên nhân chính khiến gian lận gia tăng?
Theo chúng tôi thì đúng như vậy và đây không phải là điều ngạc nhiên. Lý do là khi tình hình kinh tế khó khăn hơn thì sức ép đối với các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ lớn hơn và cũng chính vì thế mà nhiều khi không muốn, nhưng buộc lòng phải có những hành động gian lận để đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông cũng như HĐQT. Mặt khác, hành động gian lận có thể đã diễn ra từ trước nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt thì không sao, khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì mới lộ ra. Ví dụ như việc doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất nhưng lại đầu tư vào bất động sản, nếu khi thị trường tốt thì dù đầu tư như vậy là trái mục đích vay vốn nhưng vẫn có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng khi thị trường xuống, doanh nghiệp không bán được hoặc phải bán lỗ ra. Còn một lý do nữa là khi các doanh nghiệp gặp khó khăn thì việc thực hiện kiểm soát chi phí sẽ gắt gao hơn nên sẽ phát hiện ra nhiều khoản gian lận trước đây không phát hiện ra. Hoặc để tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp phải cắt giảm bớt nguồn lực hay tính tới để cắt giảm chính là những khâu gián tiếp như kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ… Chính việc cắt giảm bộ phận này cũng làm giảm đi các “chốt chắn”, dẫn đến nguy cơ sai sót và gian lận tăng lên.
Trước nguy cơ gian lận ngày càng tăng, ông có khuyến cáo gì?
Thứ nhất là các lãnh đạo doanh nghiệp phải nhận thức được đây là trách nhiệm của mình đối với cổ đông, HĐQT và cả trách nhiệm đạo đức. Vì khi mà các quy định về quản trị doanh nghiệp được cải tiến hơn nữa thì các trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp là rất lớn. Thực tế là ở các nước phát triển, khi gian lận bị phát hiện thì các giám đốc điều hành hay giám đốc tài chính của các doanh nghiệp đều có thể phải bị kết án và xử lý hình sự. Giải pháp quan trọng nhất mà chúng tôi thấy là phải xây dựng được nét văn hoá doanh nghiệp lành mạnh để giúp họ đề kháng được với những sai sót. Cụ thể là muốn ngăn chặn được gian lận thì người đứng đầu doanh nghiệp phải gương mẫu trong công tác điều hành, xây dựng được một hệ thống kiểm tra, kiểm soát minh bạch, đồng thời phải thường xuyên giáo dục và khuyến khích nét văn hoá doanh nghiệp minh bạch và trong sạch. Bên cạnh đó, khi có được hệ thống rồi, doanh nghiệp cũng nên có những đánh giá định kỳ hàng hàng năm xem liệu doanh nghiệp có đề kháng được với những sai sót hay không? Liệu sự rủi ro đó có ở trong tầm kiểm soát hay không?
Nói thì nói vậy nhưng để thực hiện được hoàn toàn không dễ, thưa ông?
Thực ra, nếu toàn doanh nghiệp đều cùng quyết tâm làm thì không khó. Gian lận đúng là rất phức tạp và tinh vi nhưng không có nghĩa là không thể phát hiện được, nếu cả hệ thống đều mong muốn sự minh bạch và trong sạch.
Ernst&Young có giải pháp nào giúp các doanh nghiệp phòng chống gian lận không?
Để giảm thiểu rủi ro có nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp phòng ngừa như tăng cường tính minh bạch trong công tác quản trị doanh nghiệp như kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, rồi những quy trình hoạt động được chuẩn hoá và có những chốt kiểm soát đầy đủ. Đây là một hình thức mà chúng tôi đang rất chủ động cung cấp cho khách hàng. Ngoài ra, có những dịch vụ liên quan đến việc phát hiện những gian lận. Ví dụ như những gian lận thông thường rất tinh vi và khó phát hiện, phải có những kỹ năng đặc biệt mới phát hiện được. Ernst&Young cũng đã xây dựng một hệ thống dịch vụ và phương pháp luận để có thể giúp khách hàng phát hiện được các rủi ro về gian lận. Một trong những ứng dụng mà được khách hàng đánh giá cao trong thời gian vừa qua là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản trị doanh nghiệp.
Công ty Ernst&Young tiến hành cuộc khảo sát toàn cầu lần thứ 11 về gian lận đã thực hiện thông qua 1.409 cuộc phỏng vấn đại diện cá doanh nghiệp lớn tại 36 quốc gia tại Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh, châu Âu, châu Phi, Trung đông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Có 3 nội dung được khảo sát để đưa ra kết luận này là gian lận trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp; biển thủ tài sản của doanh nghiệp và tham nhũng trong doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ rất cao được hỏi đều cho biết, HĐQT thực sự quan ngại đặc biết tới trách nhiệm của mình về vấn đề gian lận. Cụ thể, tỷ lệ này tại Việt Nam là 96%; tại châu Mỹ Latinh là 95%; khu vực Trung Đông và châu phi là 87%; vùng Trung và Đông Âu là 84% và châu Úc là 81%. Khảo sát cũng cho thấy gian lận đang tăng đáng kể tại một số khu vực. Ví dụ, ở khu vực Tây Âu, số lượng các công ty có tình trạng gian lận trong 2 năm qua đã tăng từ 10% lên 21%; châu Mỹ Latinh 21%; Trung Đông và châu Phi 18%…
Theo ĐTCK
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông