Kiến thức Đãi ngộ Hãy cảnh giác khi sếp vỗ vai bạn và nói: “Cứ đam...

Hãy cảnh giác khi sếp vỗ vai bạn và nói: “Cứ đam mê làm việc đi, rồi tiền bạc, danh vọng sẽ tự đến” đấy thực chất chỉ là một chiêu bóc lột sức lao động thôi!

197
Đối với chủ nghĩa tư bản, việc ngụy trang cơ chế bóc lột lao động với “theo đuổi đam mê” là một công cụ lý tưởng. Nó hạ thấp giá trị lao động của những nhân viên bình thường bởi nếu chúng ta thừa nhận mình làm việc vì tiền, chúng ta sẽ đặt ra những giới hạn, chế độ đãi ngộ công bằng và một lịch làm việc “có tình người”.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

“Hãy làm những gì mình thích và hãy yêu những gì bạn đang làm.”

Đây là câu khẩu hiệu được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội cũng như được treo nhiều trong các phòng làm việc. Thậm chí, câu “Theo đuổi đam mê” đã trở thành lời tuyên ngôn không chính thức của giới trẻ ngày nay.

Dẫu vậy, vấn đề là suy nghĩ này có tính 2 mặt. Mặc dù việc theo đuổi đam mê khiến con người yêu công việc hơn, sáng tạo hơn cũng như có động lực làm việc hơn nhưng chúng lại khiến giá trị lao động thực sự suy giảm, nhất là công sức của số đông những nhân viên bình thường sau ánh hào quang.

Quan điểm theo đuổi đam mê khiến mọi người mù quáng tin rằng chúng ta nên làm việc vì đam mê và nhờ đó kiếm thêm được lợi nhuận. Dẫu vậy tại sao chúng ta lại phải theo đuổi đam mê vì lợi nhuận? Những ai mù quáng tin tưởng câu châm ngôn trên và những ai thì không?

Trên thực tế, quan điểm yêu thích những gì chúng ta làm khiến con người chú trọng thái quá vào bản thân cũng như hạnh phúc cá nhân. Chúng khiến chúng ta quên mất rằng có nhiều người lao động cũng đang phải làm việc vất vả như vậy. Chúng giải thoát bản thân khỏi những áp lực khi ra các quyết định điên rồ đồng thời hợp lý hóa việc từ chối làm theo những người đồng nghiệp khác mà không cần biết họ có bị ảnh hưởng hay không.

Nói cách khác, quan điểm theo đuổi đam mê, làm những gì mình thích có thể trở thành lớp vỏ ngụy trang của tầng lớp ưu tú và người giàu nhằm tránh bị chỉ trích là lười nhác, bất công. Theo quan điểm này, lao động không phải để trả công mà là một hành động yêu quý bản thân. Nếu bạn làm việc chăm chỉ và đam mê mà chưa thành công thì đó là do bạn đam mê chưa đủ chứ không phải do ông chủ đang bóc lột bạn.

Hãy cùng lên án Steve Jobs

Nguồn gốc của câu châm ngôn trên thường không rõ ràng do tính đại chúng của quan điểm này. Tuy nhiên theo Oxford Reference, nguồn gốc của câu nói này có thể là từ vận động viên kỳ cựu người Mỹ Martina Navratilova hoặc nhà văn nổi tiếng thời kỳ phục hưng Francois Rabelais (1494-1553). Trong khi đó, một số trang mạng Châu Á lại cho rằng chúng có nguồn gốc từ Nho giáo.

Bất kể quan điểm này xuất phát từ đâu, chúng được vô số người nổi tiếng sử dụng hàng thập niên. Một trong số đó có thể kể đến Steven Jobs, nhà sáng lập Apple và cũng là một CEO nổi tiếng với tính cầu toàn.

“Bạn phải tìm ra những gì bạn yêu thích. Đó là công thức để tìm việc cũng như tìm người yêu. Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc đời của bạn sau này và cách duy nhất để toại nguyện với nó là làm những thứ mà bạn tin là tuyệt vời. Đồng thời, cách duy nhất để tin việc mình đang làm là tuyệt vời không có gì ngoài yêu chúng”, ông Steven Jobs đã phát biểu như vậy trong buổi tốt nghiệp năm 2006 tại trường Stanford.

Những lời phát biểu này của Steven Jobs rất dễ gây xúc động bởi hàng triệu người trên thế giới, tạo nên cho ông hình tượng một nhà quản lý giản dị, nhiệt huyết và biết truyền cảm hứng. Hình ảnh chiếc áo cổ lọ với quần bò giản dị của Jobs dường như đã trở thành biểu tượng của Apple, cho thấy một con người có thể thành công khi hăng say làm điều mình thích như thế nào.

Tuy nhiên, việc miêu tả Apple trở thành kết quả của niềm đam mê cá nhân từ Jobs đã làm lu mờ thành quả của hàng nghìn nhân viên khác. Những giờ tăng ca, lao động miệt mài trong nhà máy hay những giọt mồ hôi, nước mắt lặng thầm của các lao động Trung Quốc góp phần giúp Jobs hiện thực hóa đam mê của mình bị quên sạch.

Mặt trái trong quan điểm làm những gì mình thích cần phải được lên án khi chúng cùng biểu hiện cho tính ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân mình mà không để ý đến người khác cũng như tập thể.

Triết gia nổi tiếng người Mỹ Henry David Thoreau (1817-1862) từng nói: “Đừng thuê một người vì tiền, hãy thuê một người làm việc vì tình yêu của họ cho công việc.”

Đứng trên góc độ nhà quản lý, quan điểm này được nhiều người tán đồng nhưng nếu bạn là người lao động của thế kỷ 21, liệu bạn có chấp nhận làm việc chỉ vì “đam mê” hay không? Hãy thừa nhận đi, đam mê là quan trọng, nhưng nếu không có lợi nhuận thì bạn chẳng có giá trị gì trong công ty nữa. Thêm vào đó, những người quản lý luôn nhận được hào quang khi chiến thắng nhưng nếu có chuyện, những nhân viên cấp dưới luôn là người phải chịu thiệt trước tiên.

Phân hóa lao động

Một hệ quả của quan điểm theo đuổi đam mê là sự phân hóa trên thị trường lao động, qua đó tạo sự phân cấp trong xã hội. Lao động ngày nay được phân cấp làm 2, một là những công việc sáng tạo, trí thức được xã hội coi trọng và phần còn lại những công việc bình dân không nổi bật.

Trớ trêu thay, những người làm công việc sáng tạo chỉ chiếm thiểu số trong xã hội và có lợi thế hơn rất nhiều về mặt địa vị, tầm ảnh hưởng. Trong khi đó, những lao động hạng 2 chiếm đa số nhưng không hề được coi trọng mấy.

Thậm chí, những người làm các công việc không hấp dẫn còn bị khuyến khích tìm kiếm đam mê và những người muốn làm việc vì tiền lương bị coi là đáng xấu hổ.

Quan điểm này thật phi lý khi nghĩ đến những gì mà một CEO, ví dụ như Steve Jobs có thể làm một ngày nếu không có sự giúp đỡ của những lao động bình dân như vậy. Đồ ăn của Jobs lấy từ đâu nếu không có những nông dân làm việc chăm chỉ trên cánh đồng? Những sản phẩm của công ty có thể đến được tay người tiêu dùng không nếu không được lắp ráp, đóng gói, vận chuyển hàng ngày? Những sọt rác được dọn sạch trong văn phòng, rồi những mực in được đổ đầy, những văn bản được chuẩn bị sẵn, những thiết kế được sáng tạo qua nhiều đêm mất ngủ…

Tất cả những công việc bình thường trên trở nên vô hình trong mắt giới tinh hoa, khi tầng lớp thượng lưu vùi đầu vào cái gọi là “đam mê”. Chẳng có gì lạ khi các vấn đề mức lương tối thiểu, chi phí trường học mẫu giáo hay đơn giản như giá sữa bột chẳng mấy quan trọng trong tầng lớp thượng lưu.

Việc làm ngơ với những người lao động và xếp loại các công việc còn lại là “đam mê” là một ý tưởng phản lao động tao nhã trong giới thượng lưu ngày nay.

Trên thực tế, theo đuổi đam mê chỉ là vỏ bọc cho sự phân hóa xã hội khi niềm yêu thích cá nhân là một đặc ân được ban phát bất công. Một nhà khởi nghiệp có bố mẹ giàu có làm hậu thuẫn cho đi du học ở các trường nổi tiếng, được đầu tư tài chính và có mối quan hệ rộng vẫn có thể huênh hoang ban phát lời khuyên sự nghiệp cho những người mới lập nghiệp rằng: “Hãy theo đuổi đam mê”.

Số liệu của Cục Thống kê và Lao động Mỹ cho thấy nghề ý tá chăm sóc cá nhân và chăm sóc tại gia với mức lương tương ứng 19.640 USD/năm và 20.560 USD/năm sẽ là những nghề tăng trưởng mạnh nhất đến năm 2020.

Trong khi đó, những người theo đuổi đam mê nhưng những chuyên gia học thuật lại đang phải vật lộn với nghề. Khoảng 41% số giảng viên đại học hiện nay là trợ giảng hoặc giáo sư hợp đồng, không có văn phòng, lương thấp và công việc không được bảo đảm.

Có nhiều nguyên nhân cho nghịch lý trên. Có thể những chi phí chìm để có tấm bằng giáo sư cũng như những cố gắng thời gian dài khiến các chuyên gia khó lòng từ bỏ tâm huyết và chấp nhận sự nghiệp bấp bênh. Tuy nhiên, nguyên nhân chính có lẽ là quan điểm theo đuổi đam mê đơn thuần, khiến các chuyên gia học thuật làm việc vì tiền bị chê bai và kỳ thị.

Trong khi đó, những nghề bình dân thì lại không cố kỵ chuyện đó. Những y tá làm việc cực nhọc sẵn sàng đòi hỏi mức lương tương xứng cho công sức họ bỏ ra và đây là lý do nhiều thợ lao động có kinh nghiệm ngày nay lại có mức lương cao hơn cả các chuyên gia.

Sự giả dối của bóc lột lao động

Thật mỉa mai khi các doanh nghiệp, những người nổi tiếng sử dụng quan điểm theo đuổi đam mê để trả lương thấp cho nhân viên, bắt họ làm thêm giờ không lương.

Đáng buồn cười hơn nữa là những điều này trở thành bình thường trong xã hội ngày nay. Phóng viên bị bắt làm việc thay cho những nhiếp ảnh gia bị sa thải, nhà báo thì phải trực tin và đăng bài lên trang fanpage vào ngày cuối tuần trong khi 46% lao động hiện nay phải kiểm tra email công việc dù đang nghỉ ốm.

Không có gì khiến sự bóc lột dễ dàng hơn khi khiến nhân viên nghĩ rằng họ đang làm việc vì đam mê.

Thay vì tạo nên một thể chế của những người lao động hạnh phúc, xã hội ngày nay thuyết phục mọi người thực tập không lương, để lấy tín chỉ trong trường đại học hay thậm chí là phải cạnh tranh nhau để có một chỗ thực tập trong công ty nổi tiếng. Điều đáng buồn là những công việc thực tập không lương lại đang phổ biến hơn bao giờ hết tại Mỹ.

Không có gí đáng ngạc nhiên khi những công việc thực tập không lương chủ yếu ở các ngành nghề được xã hội coi trọng như thời trang, truyền thống hay nghệ thuật. Những lao động ngành này sẵn sàng làm việc không lương vì đam mê, vì vị thế xã hội chứ không phải vì thu nhập.

Mọi người vẫn thường nói “Làm những gì bạn thích rồi bạn sẽ không phải mưu sinh dù chỉ một ngày trong suốt cuộc đời”, nhưng ai mới là người có lợi thực sự khi chúng ta lao động như trâu mà vẫn vui vẻ?

Đối với chủ nghĩa tư bản, việc ngụy trang cơ chế bóc lột lao động với “theo đuổi đam mê” là một công cụ lý tưởng. Nó hạ thấp giá trị lao động của những nhân viên bình thường bởi nếu chúng ta thừa nhận mình làm việc vì tiền, chúng ta sẽ đặt ra những giới hạn, chế độ đãi ngộ công bằng và một lịch làm việc “có tình người”.

Trên thực tế, chỉ khi những người lao động thừa nhận mình làm việc vì tiền và đạt được những đòi hỏi mà mình mong muốn, họ mới có đủ thời gian, công sức để làm những việc mà họ thực sự đam mê.

Theo thời đại

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không