Kiến thức Tuyển dụng Đưa thạc sĩ thất nghiệp đi XKLĐ chỉ là giải pháp “tình...

Đưa thạc sĩ thất nghiệp đi XKLĐ chỉ là giải pháp “tình thế”

4
Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đào tạo chất lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trước hết là phải đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp chưa phải là lao động chất lượng cao

Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đang xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025”.

Theo lý giải của Bộ này, đề án nhằm đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử sang Hàn Quốc.

Đây được coi là tìm hướng đi cho số lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang thất nghiệp, để họ có cơ hội tham gia các chương trình xuất khẩu lao động, tìm việc làm.

Trao đổi với Infonet về đề án này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, là hoạt động kinh tế – xã hội cần thiết không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là quá trình phân công lao động quốc tế, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, mở rộng quan hệ với các nước và tạo sự giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế.

Thực tế đã chứng minh, đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

“Quan điểm của tôi đề án này là cần thiết nhưng phải quán triệt tư tưởng, đào tạo chất lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trước hết là phải đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, sau đó là góp phần thực hiện phân công lao động quốc tế và hội nhập”- đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Tuy nhiên, ông Sỹ Lợi cũng lưu ý, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật không chỉ là những người tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ trở lên mà còn bao gồm cả đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có chuyên môn cao; vì vậy, những cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp hiện nay chưa hoàn toàn phải là lao động chất lượng cao như các nước kỳ vọng; do đó, tên gọi của đề án “lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài” là hợp lý.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, nếu lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao khuyến khích đi lao động xuất khẩu sẽ chảy máu chất xám không, ông Sỹ Lợi khẳng định sẽ không phải là chảy máu chất xám khi mà chúng ta có chương trình đào tạo để đáp ứng cho cả cầu sử dụng trong nước và đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Cung đào tạo phải phù hợp với cầu sử dụng

Rất đồng tình với quan điểm của phóng viên Infonet cho rằng việc “đưa cử nhân, thạc sĩ đi xuất khẩu lao động” theo lý giải của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội chỉ là cách giải quyết “tình thế” khi số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp cao, ông Sỹ Lợi cho rằng, hiện nay nguồn cung lao động của chúng ta đang rất dồi dào, số người thất nghiệp và thiếu việc làm còn lớn.

Theo bản tin thị trường lao động tại thời điểm quý 2/2016 cả nước có tới 1,088 triệu lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, cụ thể có 191.300 người có trình độ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

“Nếu chúng ta có giải pháp đào tạo lại, đào tạo bổ sung hay chuyển đổi ngành nghề và nâng cao trình độ ngoại ngữ để đưa đi làm việc ở các nước có nhu cầu là cách giải quyết “tình thế” thì rất tốt.

Nhưng theo tôi, để giải quyết bài toán tận gốc của tình trạng sinh viên thất nghiệp hiện nay thì phải có các giải pháp thật sự căn cơ, đó là phải dự báo được nhu cầu của thị trường lao động theo từng thời kỳ gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội”- ông Sỹ Lợi nói.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, điều đáng lưu tâm là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, tức là “cung đào tạo” phải phù hợp với “cầu sử dụng”; đồng thời phải cơ cấu lại hệ thống cơ sở đào tạo từ đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề gắn với nâng cao chất lượng đào tạo và quan tâm hơn đến phân luồng học sinh ngay từ trung học cơ sở để giải quyết việc làm theo yêu cầu của thị trường.

“Hướng tốt nhất là đào tạo theo đơn đặt hàng của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất; tăng cường hình thức đào tạo, kèm cặp ngay tại doanh nghiệp để sử dụng tại chỗ, tránh lãng phí ngân sách nhà nước, xã hội và người lao động”- đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, năm 2016 Việt Nam đưa 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thị trường Đài Loan có hơn 68.000 người (hơn 50%); Nhật Bản gần 40.000 lao động (khoảng 30%). Năm 2017, Bộ Lao động đặt mục tiêu đưa 105.000 lao động đi với các thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Theo infonet

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không