Có rất nhiều rào cản chặn lối đi của con người trên hành trình trở thành lãnh đạo, mà vô tình hay cố tình không nhận ra, chúng sẽ phá hoại hoàn toàn những nỗ lực của chúng ta.
Có người cho rằng, rào cản lớn nhất trên con đường trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại chính là sự ích kỷ. Các nhà lãnh đạo độc đoán thường khăng khăng, hoặc là cách làm của họ, hoặc là không có cách nào hết. Họ từ chối lắng nghe những lời khuyên hoặc phê bình của người khác. Trong khi đó, những nhà lãnh đạo vĩ đại xem vai trò của họ như một cơ hội để phục vụ. Họ là những người bênh vực cho những người mà họ đại điện và cố gắng cải thiện công việc của mọi người.
Những nhà lãnh đạo vĩ đại không mong đợi những khác phục vụ họ, thay vào đó, họ tìm cách làm thế nào để không lạm dụng và làm đổ vỡ niềm tin của mọi người. Một nhà lãnh đạo mang lại những điều tốt nhất cho cả tổ chức, chứ không phải cho riêng họ.
Nhiều người rất dễ bị khuất phục trước những tiêu chuẩn do người khác đặt ra, nhưng các nhà lãnh đạo phải làm những điều mà họ nói. Ray Kroc, người sáng lập tập đoàn McDonald cho rằng: “Phẩm chất của một nhà lãnh đạo được phản ánh trong những tiêu chuẩn mà họ thiết lập cho chính mình”. Nghĩa là, nếu nhà lãnh đạo thử thách mọi người để họ làm việc năng suất hơn, ông ta cũng phải thể hiện nỗ lực của mình. Nếu ông ta nói nhân viên không nên làm việc quá sức, thì chính ông ta phải dành thời gian để nghỉ ngơi. Nhân viên luôn nhìn lãnh đạo như là một chuẩn mực về đạo đức, lòng nhiệt tình, sự đam mê…
Hai rào cản này – sự cám dỗ của lòng ích kỷ và thất bại trong việc trung thành với những nguyên tắc chung – thường khó nhận ra, nhưng nó lại là sự khác biệt giữa những nhà lãnh đạo thành công và những nhà lãnh đạo thất bại. Các nhà lãnh đạo ích kỷ và không làm gương sẽ bị nhân viên phàn nàn, trong khi những nhà lãnh đạo phục vụ – dẫn dắt bằng cách làm gương sẽ khuyến khích và thử thách được nhân viên làm việc nhiều hơn.
Ngoài hai rào cản chính đó còn rất nhiều rào cản mang tính chất cá nhân khác như:
* Thiếu các mục tiêu cá nhân rõ ràng và hướng đi để đạt được mục tiêu. Lẽ ra, mục tiêu phải được viết ra chứ không chỉ lởn vởn trong đầu.
* Không hiểu rõ về điểm mạnh và điểm yếu của mình.
* Thiếu sự rộng lượng: không chia sẻ ý tưởng, thời gian, sự khuyến khích, sự kính trọng, lời khen và lời nhận xét phản hồi cho người khác.
* Luôn là người đi sau, đứng từ xa thăm dò và lưỡng lự trước mọi quyết định.
* Luôn tập trung và những điều mà những người khác không thể làm tốt chứ không tập trung vào việc phát huy những điểm mạnh của họ.
* Thiếu sự chủ động trước mọi vấn đề. Không đưa ra được giải pháp hay gợi ý cho các vấn đề khó khăn đang gặp phải.
* Không chịu trách nhiệm về việc học tập và phát triển cá nhân.
Bên cạnh đó, cũng có những rào cản thuộc về tổ chức mà về cơ bản, chúng vẫn do cách lãnh đạo và quản lý chi phối. Đó là:
* Cấu trúc bó hẹp, đóng kín, khoá chặt mọi người ở bên trong.
* Văn hoá tổ chức khuyến khích chỉ chú ý đến những điều tầm thường, nhạt nhẽo.
* Không phát hiện được những biểu hiện phân biệt và lạm dụng tình dục công sở
* Mơ hồ về trách nhiệm
* Không nhận ra sự khác biệt giữa thống trị và quản lý, giữa chính sách và thực hiện cũng như vai trò và trách nhiệm liên quan.
* Không có kế hoạch phát triển nhân viên lâu dài.
* Không xem con người là tài sản quý nhất của tổ chức.
* Không biết cách dung hoà sự đa dạng và khác biệt trong cùng một tổ chức.
* Không gần gũi, thân thiện, hành vi của lãnh đạo không hợp với lời nói.
* Hoạt động của tổ chức trì trệ, không có sự luân phiên và mở rộng công việc.
* Thiếu những định hướng chính thức và rõ ràng cho thành công.
Do vậy, trong vai trò lãnh đạo, việc xác định và đặt ra các chiến lược đương đầu với những rào cản cá nhân cũng quan trọng ngang với việc xác định và đương đầu với các rào cản chung của tổ chức.
Theo Lãnh Đạo