Kiến thức Tài chính kế toán Thế giới “khen” Việt Nam hạ lãi suất

Thế giới “khen” Việt Nam hạ lãi suất

49
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNhiều chuyên gia quốc tế đều chung nhận định rằng, động thái hạ lãi suất mới nhất của Ngân hàng Nhà nước xuất phát từ chuyển biến vĩ mô tích cực thời gian gần đây. Có ý kiến còn cho rằng, không nên lo việc Việt Nam hạ lãi suất quá nhanh, vì lạm phát và tăng trưởng cùng đang suy giảm.
Ngày 7/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố hạ trần lãi suất huy động thêm 2%, về mức 9%. Tiếp đó, vào ngày hôm nay (8/6), Ngân hàng Nhà nước tuyên bố hạ 1% các lãi suất điều hành khác. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn xuống 11%/năm, lãi suất tái chiết khấu xuống 9%/năm, và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng xuống 12%/năm.
Theo nhận định của tờ Financial Times, động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sau khi thống kê kinh tế vĩ mô của Việt Nam có những chuyển biến theo hướng tích cực. Trong đó, hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hôm thứ Tư vừa rồi đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên ‘ổn định’ từ ‘tiêu cực’ trước đó, với lý do Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát. 
Việc Standard & Poor’s nâng triển vọng tín nhiệm cho Việt Nam “là một phần thưởng kịp thời cho cuộc chiến chống lạm phát leo thang”, báo này viết.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam hạ lãi suất cũng được cho là nằm trong xu hướng chung nhằm chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế hiện nay của nhiều nước châu Á. Hôm qua (7/6), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bất ngờ hạ lãi suất cơ bản đồng Nhân dân tệ sau 3 năm rưỡi.
Trong quý 1 năm nay, GDP của Việt Nam chỉ tăng 4%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Lạm phát trong tháng 5 giảm xuống 8,34%, thấp nhất trong gần 2 năm.
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực cắt giảm chi phí vốn cho các ngân hàng, với hy vọng các ngân hàng sẽ chuyển tiếp lợi ích này đến cho người tiêu dùng cuối cùng. Động thái này cũng có thể khuyến khích thêm hoạt động sáp nhập ngân hàng, phù hợp với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, vì các ngân hàng yếu có thể sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn”, ông Prakriti Sofat, chuyên gia kinh tế của Barclays Plc tại Singapore, nhận xét.
Trước những đợt giảm lãi suất gần đây của Việt Nam, một số nhà quan sát quốc tế đã bày tỏ lo ngại Việt Nam giảm lãi suất quá nhanh. Chẳng hạn, người đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cách đây ít ngày khuyến nghị, Việt Nam nên chú trọng nhiều hơn tới vấn đề ổn định giá cả, thay vì hạ lãi suất, cho dù cách làm này đồng nghĩa với việc chấp nhận tốc độ tăng trưởng thấp hơn.
Tuy nhiên, theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase, không nên lo về các đợt cắt giảm lãi suất của Việt Nam. “Trong bối cảnh lạm phát giảm nhanh và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, chúng tôi không quan ngại về ảnh hưởng của việc điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành đối với ổn định kinh tế ở thời điểm này”, báo cáo viết. 
Theo số liệu mà báo cáo này đưa ra, lãi suất thực tế ở Việt Nam hiện đã là dương 2,5%, sau khi ở trạng thái thực âm trong suốt 2 năm từ tháng 2/2010-3/2012. Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức khoảng 18 tỷ USD từ mức 14 tỷ USD vào cuối năm ngoái.
JPMorgan Chase cũng dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm xuống mức 6,8% trong tháng 6 này và xuống ngưỡng 5% vào quý 3 năm nay. Theo dự báo mới nhất của ngân hàng này, lạm phát cả năm nay của Việt Nam sẽ chỉ là 8,3%, so với mức 18,7% vào năm ngoái.

Theo VnEconomy

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không