Cục an ninh quốc gia đã đưa ra một số ví dụ điển hình trong 6 năm qua về trường hợp các nhân viên bất mãn đã dùng kỹ thuật máy tính của mình để “trả thù” lãnh đạo và công ty mà mình đang làm việc, bằng cách tấn công mạng, ăn cắp và xóa tan tành dữ liệu, hoặc sử dụng các “công nghệ tàn phá” như virus, phần mềm gián điệp .. để phá hoại công ty.
Kết quả nghiên cứu cho biết hầu hết những kẻ tấn công trả thù đều không xuất phát từ động cơ tài chính, mà chủ yếu là từ các mối bất mãn và “thâm thù” với cấp trên của mình hoặc lãnh đạo công ty. Đa số những kẻ tấn công này đều là các nhân viên làm việc trong các bộ phận liên quan đến công nghệ cao như phòng công nghệ thông tin, phòng nghiên cứu phát triển, quản lý mạng…
Các trường hợp phá hoại này đều có một phương pháp chung là dùng công nghệ cao để làm tổn thương các nguồn lực điện tử của công ty. Kẻ tấn công “thích nhất” là xóa đi các dữ liệu và phần mềm cực kỳ quan trọng của công ty, đưa các hình ảnh khiêu dâm và lời lẽ bất mãn lên trang web công ty hoặc đánh sập toàn bộ mạng nơi mình đang làm việc.
Hầu hết kẻ tấn công đều chuẩn bị nhiều bước khéo léo để ngụy trang cho mình nhằm tránh mọi sự điều tra và phát hiện, một vài trong số họ thường nêu tên “kẻ thù” của mình là tác giả của cuộc tấn công.
Báo cáo về các cuộc tấn công nội bộ này cũng cho biết rằng đa số chủ nhân hoặc lãnh đạo công ty đều “ngậm bồ hòn”, không chịu công khai về các cuộc tấn công, ngay khi thiệt hại tài chính do chúng gây ra không nhỏ chút nào.
Các chuyên gia thực hiện cuộc nghiên cứu này đều khuyên lãnh đạo các công ty nên “chú ý” đến các nhân viên đang trong thời gian chịu kỷ luật. Ngoài ra lãnh đạo các công ty cũng nên cố gắng hóa giải mọi bất đồng giữa lãnh đạo và nhân viên ở ngay thời điểm chưa có gì nghiêm trọng, đừng để “cái sảy nảy cái ung”, dẫn đến tình trạng quyết tâm trả thù khi bất mãn đã lên đến đỉnh điểm.
Theo Dân Trí