Kiến thức Đãi ngộ 6 câu nói động viên cấp dưới đơn giản mà hiệu quả

6 câu nói động viên cấp dưới đơn giản mà hiệu quả

561

Cho dù bạn chỉ mới tập tễnh bước chân vào công việc quản lý, hoặc đã là một nhà quản lý nhiều năm kinh nghiệm, hãy luôn nhớ rằng đây không phải là một công việc dành cho những người hay tự ái và dễ mất bình tĩnh.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Chỉ cần buột miệng ra một lời nói không hay là bạn có thể làm cho những nhân viên trung thành và tận tụy nhất buông xuôi công việc, nhưng ngược lại có khi chỉ cần một từ là có thể làm cho họ sẵn sàng sống chết vì công ty.

6 câu nói đơn giản dưới đây có thể giúp bạn rất nhiều trong việc “lên dây cót” cho các nhân viên dưới quyền.

1. “Đừng lo lắng về điều đó”

Hãy thử tưởng tượng một nhân viên mới vô tình gửi một email có thông tin sai đến khách hàng. Và kết quả, hộp thư của bạn tràn ngập những lời phàn nàn, trách móc từ khách hàng.

Bây giờ, bạn có 2 sự lựa chọn. Trực tiếp nói cho người nhân viên ấy biết anh ta đã khiến mọi thứ rối tung lên như thế nào, hoặc nhìn thẳng vào mắt và bảo “Đừng lo lắng về điều đó”.

Đó rõ ràng là một sai lầm chứ không phải là do cố ý, và nhân viên này đã báo cáo cho bạn biết ngay khi điều đó xảy ra (nếu anh ta đã không làm như vậy, có vẻ bạn sẽ phải cần một phương án khác khôn ngoan hơn).

Tại sao điều này lại quan trọng: Một người quản lý giỏi luôn biết rằng việc cứ ám ảnh về những chuyện đã rồi là một sự phí phạm thời gian. Trừ phi nhân viên này là một chuyên gia mắc sai lầm, thì việc trừng phạt nặng anh ta sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cho công ty. Nó thậm chí còn khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì sẽ khiến cho nhân viên này bị nỗi sợ hãi làm tê liệt, khiến anh ta luôn ngần ngại khi làm bất cứ việc gì.

2. “Bạn đã học hỏi được điều gì?”

Chúng ta ai cũng đều phải mắc sai lầm, và rất dễ dàng để biết điều cần phải làm sau khi mọi chuyện đã xảy ra. Vậy tại sao không học hỏi từ những sai lầm đó để nhóm của bạn có thể rút ra được những kinh nghiệm quý giá?

Tại sao điều này lại quan trọng: Một người lãnh đạo thật sự luôn biết rằng sự thất bại chỉ là một cơ hội để học hỏi và làm mọi thứ tốt hơn.

Nếu như bạn chưa bao giờ thất bại, có nghĩa là bạn thật sự chưa bao giờ cố gắng cả. Theo đuổi sự tiến bộ chính là chìa khóa cho sự phát triển và thành công.

Với tư cách là một nhà lãnh đạo, chúng ta có trách nhiệm phải chỉ cho nhân viên biết cách học hỏi từ những sai lầm, chứ không phải e sợ mắc sai lầm.

3. “Hãy nói lên ý kiến của bạn”

Bạn có lẽ sẽ không thích hoặc bất đồng với những gì cấp dưới của mình nói, nhưng bạn nên tạo ra một tập thể luôn không ngại nói lên chính kiến của bản thân, thay vì chỉ biết nói “Yes”.

Hãy trao quyền cho mỗi cá nhân để họ nói lên ý kiến của bản thân mình, làm như vậy bạn sẽ đảm bảo được rằng mình không có nguy cơ trở thành “hoàng đế cởi truồng”  bị những lời xu nịnh làm mờ mắt.

Tại sao điều này lại quan trọng: Một người lãnh đạo tự tin luôn biết rằng những câu hỏi hay, những ý kiến tuyệt vời không bao giờ bị bó buộc vào chức danh, vị trí hay nhiệm kỳ.

Việc thừa nhận bạn không biết hết tất cả các câu trả lời nghe có vẻ điên rồ, nhưng làm như vậy sẽ tốt hơn cho bạn rất nhiều. Nó không chỉ giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất mà còn khiến cho những thành viên trong nhóm cảm thấy họ là một phần quan trọng không thể thiếu của công ty.

4. “Tôi hỗ trợ bạn”

“Bạn sẽ làm gì nếu biết mình sẽ không thất bại?” Hãy suy nghĩ về điều này.

Có điều gì mà các nhân viên của bạn sẽ làm khác đi nếu họ biết rằng sẽ không thất bại, hoặc nếu biết rằng dù có khó khăn tới đâu thì bạn cũng sẽ luôn hỗ trợ cho họ?

Thông thường, khi mọi thứ bắt đầu rối tung lên, mọi người sẽ nhanh chóng tìm chỗ ấn nấp và chơi trò “đi tìm người có tội”. Hãy nghĩ xem, chúng ta sẽ chủ động nhiều hơn như thế nào nếu mọi trách nhiệm được chia sẻ với nhau, và chúng ta không bao giờ thấy cô độc?

Tại sao điều này lại quan trọng: Một nhà lãnh đạo dũng cảm là người thể hiện tất cả các tính cách của các vị anh hùng chúng ta vẫn hay thần tượng. Họ là những con người với cây gậy phép thuật và thanh gươm sáng lóa, luôn là người tiên phong trong các cuộc chiến và bảo vệ các đồng đội.

Các nhà quản lý có thể thực hiện được điều tương tự bằng cách khẳng định rằng “Tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm” và thực hiện như những gì đã hứa. Điều đó sẽ làm cho mọi người cảm thấy dũng cảm và trung thành với công ty hơn rất nhiều.

Hai yếu tố này chính là sức mạnh để xây dựng thương hiệu và thúc đẩy những yếu tố quyết định quan trọng.

5. “Cứ nói Không đi”

Có mấy ai tưởng tượng rằng mình sẽ dám nói “Không” khi được giao một dự án mới, dù đã có hàng trăm thứ khác cần làm? Có nhiều nhân viên của bạn cũng đang phân vân tương tự như vậy đấy. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao chúng ta không dám nói “Không”?

Việc này đòi hỏi sự tự tin. Steve Jobs từng nói “Tôi thấy tự hào về những điều chúng tôi chưa làm cũng như đã làm. Sáng tạo có nghĩa là biết nói ‘không’ với hàng nghìn ý tưởng”.

“Không” là một từ rất mạnh mẽ và là một công cụ để đảm bảo rằng chúng ta đang đi đúng hướng chứ không bị những cơ hội nhất thời làm lu mờ phương hướng.

Tại sao điều này lại quan trọng: Một người sếp giỏi phải luôn có sự tự tin vào khả năng của bản thân, để đưa ra những quyết định đúng đắn rằng đâu là những thứ cần làm.

Ngoài ra, người sếp giỏi còn là người luôn thoải mái, sẵn sàng buông bỏ hàng ngàn cơ hội khác khi cần thiết, và không bao giờ cảm thấy hối tiếc.

Những người thông minh luôn biết rằng, khi chúng ta cố gắng làm tất cả, chúng ta chỉ thành công trong việc phân tán năng lực của chính mình, và càng lúc càng đi xa thành công.

6. “Tôi không biết”

Đây có vẻ là cụm từ khiến mọi người hay ngạc nhiên nhiều nhất, khi được phát biểu bởi nhà lãnh đạo. Sự thật là ngay cả những nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất như cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln hay doanh nhân Henry Ford cũng sẵn sàng chọn ra những nhà cố vấn hay quản lý giỏi hơn mình về mặt chuyên môn.

Tại sao điều này lại quan trọng: Một số người có thể nghĩ rằng, sẽ thật là một thảm họa khủng khiếp nếu chúng ta tự thú nhận sự thiếu hiểu biết của bản thân mình trước mặt người khác. Nhưng đó lại chính là sự khác biệt giữa một nhà lãnh đạo dũng cảm và hèn nhát.

Kiến thức chuyên môn chỉ là một phần trong số những năng lực cần có. Sự minh bạch, đồng cảm, chân thật, và đáng tin cậy mới là những phẩm chất biến bạn trở thành một nhà lãnh đạo thật sự.

Theo NCĐT

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không