Những số liệu thú vị
Cuối năm 2009, Tạp chí Harvard Bisiness Review (thuộc Harvard Business School – HBS) đã công bố kết quả nghiên cứu trên 360 ngàn nhân viên với mục tiêu đánh giá tính hiệu quả và giá trị hiệu lực của phương pháp tuyển dụng truyền thống. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới và nữ giới đều thực hiện công việc ở mức độ ngang nhau.
Tuổi tác và sắc tộc của người lao động không ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Nghiên cứu này kết luận: “Không phải vấn đề kinh nghiệm, bằng cấp hay những yếu tố thông thường khác ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, mà điều quan trọng là phù hợp với công việc”.
Một trong ba thách thức lớn nhất của những người làm công tác quản trị nhân lực là thiếu hiệu quả trong khâu tuyển dụng và lựa chọn những nhân viên xuất sắc. Trong buổi giới thiệu công cụ quản lý trực tuyến – Profile XT, cách đây không lâu, ông Rick Yranovich – Giám đốc điều hành TRG Profiles International Vietnam đã đưa ra một số liệu thú vị: có đến 72% lãnh đạo doanh nghiệp không đạt hiệu quả trong khâu tuyển dụng và lựa chọn nhân viên xuất sắc.
Chỉ có 52% lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạo đòn bẩy giúp nhân viên khả năng trở thành nhân viên kinh doanh xuất sắc. Theo ông Rick Yranovich, người giỏi là người phù hợp với công việc và có khả năng giải quyết được yêu cầu của công việc. Họ phải cảm thấy thoải mái với yêu cầu của môi trường kinh doanh; yêu thích công việc, đam mê và phấn khích với công việc mình đang làm.
Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp ứng dụng quản trị nguồn nhân lực” diễn ra tuần qua, ông Mike Agner – Giám đốc giải pháp sáng tạo Tập đoàn Oracle đưa ra những ví dụ rất sinh động. Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, trong một tổ chức thường có đến ba thế hệ cùng làm việc. Và có đến 9 trong 10 nhân viên muốn được thách thức và hoàn thành tốt công việc của mình.
Muốn là thế nhưng chỉ có 2 trong 10 người làm được điều đó; và chỉ có 25 – 55% nhân viên thật sự “dấn thân” vì công ty. Nghiên cứu của Oracle cũng cho thấy mất một người giỏi làm tổn hại rất lớn đến doanh thu của công ty. Ông Mike Agner đưa ra dẫn chứng: Công ty Bristol Meyers Squibb đã từng tuyên bố việc mất một cán bộ chủ chốt làm tổn hại cho công ty này khoảng 500.000USD. Còn Chủ tịch Microsoft Bill Gates thì cho rằng: “Nếu mất một người giỏi trong lãnh đạo của công ty coi như Microsoft mất 1.000 tỷ USD”.
Mất người giỏi công ty tổn hại rất nhiều nhưng nếu tuyển dụng sai người cũng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Oracle, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tri thức, nếu tuyển sai người sẽ mất đến 300.000USD. Cũng theo nghiên cứu này, có đến 40% doanh nghiệp bị giảm doanh thu vì không tuyển dụng đúng người và phải mất ít nhất 18 tháng để họ tuyển dụng, đào tạo nhân viên như mong muốn.
Người tài nhận ra nhân tài
Ông Vũ Minh Quang – Giám đốc giải pháp Công ty FPT cho biết, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần đội ngũ lao động thật sự giỏi. Nhưng làm thế nào để có thể phát hiện ra “người tài” và “tuyển đúng người, đúng việc”? Đây là câu hỏi khó cho tất cả các doanh nghiệp.
Bởi vì, theo nhiều chuyên gia, “chỉ có người tài mới nhận ra tài năng của người tài”. Nhưng số “người thực tài” không phải là nhiều, vì vậy mà nhiều doanh nghiệp đã cần đến các công cụ hỗ trợ – một phương pháp tuyển dụng hiện đại.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ sử dụng khoảng 40% năng suất của nguồn nhân lực mà họ đang sở hữu và tỷ lệ này có thể còn thấp hơn nữa ở nhóm nhân viên khối văn phòng. Nguyên nhân của vấn đề này cơ bản nằm ở sự yếu kém về công tác quản trị nguồn nhân lực.
Trên thế giới, việc tuyển dụng, đánh giá hiệu năng làm việc của nhân viên dựa vào các phần mềm đã trở nên phổ biến, nhưng tại Việt Nam, việc này chỉ mới được triển khai gần đây. Và hiện tại, trên thị trường có rất nhiều giải pháp quản trị nhân lực được cung cấp bởi các hãng nổi tiếng như Oracle, SAP, FPT, Tinh Vân…
Với các công cụ quản trị hiện đại này, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm được người phù hợp với công việc. Có giải pháp còn đưa ra từng hạng mục chi tiết như kế hoạch, thực hiện tuyển dụng, đánh giá và phát triển cá nhân người lao động, sắp xếp, quản lý công việc theo từng cấp độ…
Và dựa trên những kết quả có được từ công cụ thông minh này, lãnh đạo doanh nghiệp có thể đưa ra mức lương, thưởng xứng đáng cho từng nhân viên. Và cũng từ kết quả này có thể sàng lọc, chọn lựa được nhân viên giỏi thật sự cũng như thiết kế các chương trình huấn luyện phù hợp nhằm giúp nhân viên đạt được hiệu quả công việc như mong muốn.
Theo Doanhnhansaigon.com