Ngày 14/11/2016 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 153/2016/NĐ-CP nhằm công bố mức lương tối thiểu áp dụng mới đối với người lao động.
Đây là kết quả của nhiều phiên họp tại Hội đồng tiền lương quốc gia cách đây gần 3 tháng. Ở những phiên họp này, phương án tăng lương 7,3% đã được quyết định sau khi xem xét đến các yếu tố tác động như tăng trưởng kinh tế GDP, tỷ lệ trượt giá, năng suất lao động…
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2017, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại Bộ luật Lao động 2012 được thực hiện theo các mức sau:
– Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành).
– Vùng II: 3.320.000 đồng/tháng (tăng 220.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành).
– Vùng III: 2.900.000 đồng/tháng (tăng 200.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành).
– Vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành).
Được biết, nghị định 153/2016/NĐ-CP này được ban hành sẽ thay thế Nghị định 122/2015/NĐ-CP về mức lương tối thiểu theo từng vùng áp dụng với với người lao động trước đây.
Nghị định cũ được công bố năm 2015 và đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Như vậy sau đúng 1 năm, việc tăng lương cho người lao động theo đúng lộ trình đã được thực hiện.
Tăng là tốt nhưng tuy nhiên mức tăng này liệu có đủ cho mức sống của người lao động không thì vẫn còn là vần đề cần phải bàn.
Còn nhớ, cũng tại những phiên họp tại Hội đồng tiền lương quốc gia vừa qua, Chủ tịch Hội đồng lương Quốc gia, ông Phạm Minh Huân đã phải thừa nhận: “Mức tăng lương 7,3% vào năm 2017 mới chỉ đáp ứng được 90% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”.
Theo Trí Thức Trẻ