Kiến thức Tin tức - Sự kiện Hào hứng đón nhận những thay đổi trong đánh giá học sinh...

Hào hứng đón nhận những thay đổi trong đánh giá học sinh Tiểu học

10
Từ ngày 6/11/2016, các trường tiểu học trên cả nước chính thức triển khai thực hiện Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá HS tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. 

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

 
Với những thay đổi tích cực như tăng quyền chủ động cho giáo viên đồng thời giảm tải vấn đề về sổ sách, cách đánh giá mới này đã được các địa phương trên cả nước hào hứng đón nhận.

Nghiêm túc tập huấn tới đội ngũ giáo viên

Bà Vũ Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Ngay khi Thông tư 22 có hiệu lực, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu và xây dựng kế hoạch tập huấn về cách đánh giá HS tiểu học mới cho toàn thể cán bộ và giáo viên. Những hướng dẫn về cách đánh giá mới rất cụ thể và thống nhất để tất cả cán bộ và giáo viên dễ dàng lĩnh hội.

Cụ thể về sổ sách đã có sự giảm tải chỉ có bảng tổng hợp kết quả học tập và học bạ. Trong đó HS lớp 4, 5 được đánh giá mỗi kỳ hai lần. Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh rõ tới cán bộ và giáo viên yêu cầu sổ sách giảm nhưng công việc của giáo viên vẫn đòi hỏi phải tỉ mỉ và chính xác.

Vì vậy, mỗi giáo viên cần phải có sự theo dõi theo cách riêng của mình, được ghi chú trong sổ  nhân riêng. Trong trường hợp có vướng mắc hay vấn đề cần làm rõ trong bảng tổng hợp hoặc học bạ, hiệu trưởng có thể yêu cầu giáo viên giải thích rõ và có đối chiếu cụ thể giữa các ghi chép.

Bà Vũ Thị Thúy Hà cũng nhấn mạnh, so với Thông tư 30 thì cách đánh giá mới theo Thông tư 22 đã lượng hóa cụ thể hơn về năng lực, phẩm chất của HS theo ba mức rõ ràng. Giữa và cuối học kỳ, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học để đánh giá HS theo 3 mức A, B, C.

Trong hướng dẫn việc triển khai đánh giá, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ninh cũng chỉ rõ: Việc lượng hóa này, cho phép giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ HS xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của HS sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó giáo viên, nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ HS khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn.

Tại Hà Nội, khi Thông tư 22 có hiệu lực, các giáo viên tiểu học cũng sẽ đưa việc đánh giá, nhận xét và điểm số định kỳ lên sổ điểm và học bạ điện tử theo phần mềm chung của thành phố đang được triển khai tới 100% trường phổ thông.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Ở cấp tiểu học, việc áp dụng phần mềm sổ điểm, học bạ điện tử được triển khai chậm hơn bậc THCS và THPT. Những đổi mới trong Thông tư 22 so với Thông tư 30 sẽ được cập nhật ngay trong phần mềm này. Giáo viên thay vì phải ghi chép nhiều lần, vào nhiều loại sổ khác nhau thì hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ thông tin để giảm bớt đầu việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu về đánh giá, nhận xét HS theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Cần sự thống nhất chặt chẽ

Do đặc thù đối tượng HS lớp 4, lớp 5 lượng kiến thức nhiều hơn lớp 1, 2, 3, nên trong phần đánh giá mới cũng đã có những yêu cầu cụ thể hơn. Cụ thể riêng HS lớp 4 và 5 sẽ có thêm bài kiểm tra giữa kỳ I và giữa kỳ II với môn Toán, Tiếng Việt để tiếp cận với yêu cầu của bậc THCS. Bài kiểm tra định kỳ được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân, không dùng để so sánh em này với em khác.

Những quy định mới đó đòi hỏi giáo viên phải nắm bắt được để thực hiện hiệu quả ngay khi Thông tư có hiệu lực. Để đáp ứng yêu cầu đó, theo bà Vũ Thị Thúy Hà, ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cho giáo viên tham gia thảo luận kỹ càng. Một trong những băn khoăn lớn nhất, theo phản ánh của giáo viên, là việc tổ chức ra đề thi cho HS. Lý do là ở các trường tiểu học hiện nay chưa có tập hợp chính thức các ma trận đề.

Để giải quyết vấn đề này, trước mắt Sở có hướng dẫn tuy giáo viên các lớp đều phải ra đề thi nhưng quyền chọn lựa và ra đề thi chính thức vẫn thuộc về hiệu trưởng nhà trường. Làm như vậy sẽ đảm bảo tính công bằng và đánh giá được chất lượng HS các khối lớp một cách đồng đều.

Trao đổi về cách đánh giá theo Thông tư 22, cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy – Hà Nội) cũng chia sẻ: Ngay từ khi dự thảo Thông tư được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến trước khi ban hành, lãnh đạo nhà trường đã luôn theo dõi sát sao tinh thần của Thông tư cũng như cách phản hồi nhiều chiều khi cách đánh giá HS tiểu học được điều chỉnh.

Những thay đổi và điều chỉnh mới này được cập nhật nhanh chóng và kịp thời tới toàn thể đội ngũ giáo viên. Trên cơ sở đó, được sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, nhà trường đã tiến hành tập huấn cho đội ngũ giáo viên một cách đầy đủ, đồng thời giải đáp những thắc mắc xung quanh việc sẽ triển khai áp dụng Thông tư này như thế nào.

Ngoài những mặt tích cực giảm tải về sổ sách, cũng như cách đánh giá HS rõ ràng cụ thể hơn thì vấn đề nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục HS cuối năm cũng được các giáo viên đưa ra bàn luận sôi nổi. Theo quy định thì đối với HS lớp 5: Tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì cuối năm học cho cả khối; Tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường THCS trên cùng địa bàn; Giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá HS, bàn giao cho nhà trường.

Tuy nhiên, theo cô Tạ Thị Bích Ngọc và một số cán bộ quản lý cơ sở cũng như giáo viên tiểu học, cần có những quy định cụ thể hơn đối với sự tham gia của các giáo viên THCS. Các bài thi của HS lớp 5 nên có sự tham gia chấm lần thứ 2 của các giáo viên THCS. Vì như vậy không chỉ đảm bảo sự công bằng trong đánh giá mà còn tạo điều kiện cho giáo viên ở hai bậc học này có sự liên kết. Đặc biệt các giáo viên THCS sẽ nắm chắc hơn năng lực, chất lượng của HS sẽ do mình đảm nhiệm trong năm học tiếp theo.

Ngay sau khi Thông tư 22 chính thức được ban hành, để chuẩn bị tốt cho việc triển khai Thông tư này Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì, phối hợp với các trường đại học sư phạm xây dựng nội dung, kế hoạch tập huấn trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Ngay trong tháng 10, hội nghị tập huấn về Thông tư 22 đã được tổ chức.

Tại đây các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên tiểu học đã phối hợp với các Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn thực hiện Thông tư 22 cho cán bộ quản lý, giáo viên, tiểu học trên cả nước. Nhờ vậy những khúc mắc đã được cán bộ quản lý và giáo viên cùng nhau chia sẻ để có thể áp dụng một cách tốt nhất trong quá trình triển khai.

Theo Giáo dục và Thời đại

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không