Kiến thức Con người Trọn tình, Vẹn nghĩa

Trọn tình, Vẹn nghĩa

5
Xin nghỉ việc là giai đoạn cuối của thỏa thuận hợp tác. Nhưng không như bát nước đã đổ đi, cách chia tay nhân viên hợp tình cũng là tạo dựng chuẩn mực văn hóa cho doanh nghiệp (DN).

Chia tay… chuyên nghiệp

Tháng 10/2010, ông Nguyễn Quang Hiển, Giám đốc Điều hành Công ty Dịch vụ Phú Quý và Trung tâm Hội nghị White Palace, nghỉ việc để sang làm ở một công ty khác. Trước ngày ra đi, ông Hiển được Công ty tổ chức một bữa tiệc rất lớn như một lời cảm ơn quãng thời gian ông làm việc tại đây.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Điều hành mạng tuyển dụng nhân sự cao cấp Navigos Search, cho rằng: “Cách ứng xử của Công ty Phú Quý là chuyên nghiệp. Việc ứng xử tốt với nhân viên ra đi không chỉ để lại ấn tượng tốt cho chính người đó, mà sẽ còn đọng lại lâu dài trong tâm trí của toàn bộ nhân viên hiện tại.
                                   
                                 Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Vì vậy, đối xử tốt với nhân viên ra đi, cũng chính là một cách quảng bá thương hiệu về nhân sự. Với cách ứng xử như vậy, cũng có thể mở rộng khách hàng, đối tác từ chính những nhân viên cũ”.

Theo Định luật 250 Girad (của nhà tiếp thị nổi tiếng người Mỹ): “Một ai đó đánh giá tốt về công ty, thì họ sẽ truyền miệng cho 250 người thân quen của họ”.

Chia tay có tình, có lý là cách chứng tỏ tốt nhất văn hóa DN “thực sự tôn trọng con người”. Ở đó, chủ DN không có bất kỳ thành kiến nào với bất kỳ nhân viên nào. Ngược lại, mọi nguyên nhân từ chức, nghỉ việc sẽ được làm rõ, tôn trọng ý kiến và quyết định của người muốn ra đi.

Chẳng hạn, nhân viên của hãng Motorola, nếu muốn từ chức, chỉ cần điền vào bản xin từ chức và gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo. Motorola tiến hành tìm hiểu nguyên nhân từ chức của nhân viên, phân tích nguyên nhân từ chức và hướng đi của họ.

Nếu trong nội bộ công ty có vấn đề, chắc chắn sẽ tích cực kiểm thảo, lấy đó làm bài học. Hơn nữa, bộ phận nhân lực của Motorola sẽ gọi điện thoại giao lưu với nhân viên cũ và hoan nghênh họ quay lại “gia đình ấm cúng Motorola”.

Nếu như nhân viên từ chức trong vòng 90 ngày mà quay lại với Motorola, thì thâm niên làm việc tại công ty trước đây vẫn được tiếp tục tính.

Dứt việc không đứt tình

Ông Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc Đối ngoại Truyền thông Công ty Nutifood, kể: “Tôi có một nhóm bạn vốn là các giám đốc marketing, tài chính từng làm việc ở Công ty X, tuy nghỉ việc ở công ty cũ nhưng vào những ngày kỷ niệm thành lập công ty cũ hoặc khi nghe tin công ty có những thành công mới, họ vẫn tụ nhau lại và tổ chức ăn mừng.

Tất cả điều này đều được họ làm bằng sự trân trọng từ trái tim, bởi trong suốt thời gian làm việc, công ty X đã có ứng xử với họ rất tốt, đặc biệt là cách chia tay khi họ nghỉ việc”.

Ngược lại, ông Nguyễn Văn, giám đốc kinh doanh một công ty thực phẩm ở TP.HCM, lại ra đi trong tâm trạng ngậm ngùi. Buổi tiệc “chia tay” ông Văn khá hoành tráng với đầy đủ khách mời, gồm các đối tác, đại lý, nhân viên công ty, nhưng nội dung chính lại là bàn giao công việc và “ra mắt” nhân sự mới thay thế ông Văn.

Điều đáng nói là để ngăn ngừa sự lôi kéo của ông Văn tác động đến nhân viên, sau đó, lãnh đạo công ty đã tung ra nhiều thông tin không tốt về ông Văn, như gây thất thoát tài chính, lạm dụng tín nhiệm…Vì thế, như bát nước đã đổ, ông Văn không còn cảm thấy áy náy, nói thẳng những kiểu làm ăn khuất tất đến việc cắt xén lương hoa hồng của đại lý… của công ty cũ.

Về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win Win, chia sẻ: “Theo quy luật, cũng sẽ có không ít nhân viên muốn thăng tiến hoặc tìm cơ hội ở một công việc mới.

Vì vậy, người lãnh đạo giỏi là người làm sao khi nhân viên nghỉ việc, họ vẫn giữ được những ấn tượng và hình ảnh đẹp về những người lãnh đạo và công ty. Bởi nếu họ ra đi và bị đối xử không tốt thì những ấn tượng đó cứ tồn tại và được lan truyền đến người khác, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của DN”.

Ông Năm tư vấn thêm: “Những công ty nào đề cao giá trị nhân văn, văn hóa DN, biến nó thành niềm tự hào của cán bộ – nhân viên, thì khi rời khỏi công ty (vì bất cứ lý do gì), cuộc chia tay không chỉ mang đậm tình người, mà còn không gậy thiệt hại cho các đối tượng liên quan.

Về phía công ty, không bị thiệt hại nhiều khi mất người, không bị tiết lộ bí quyết công việc, thương hiệu DN cũng không bị ảnh hưởng. Về phía người ra đi, thì có được sự đánh giá tốt về nơi làm việc cũ, tinh thần thỏa mái, dễ dàng có một công việc ưng ý hơn…”.

Theo doanhnhansaigon.vn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không