Kiến thức Tin tức - Sự kiện Cô giáo vùng cao giúp học sinh dân tộc hiểu rõ chính...

Cô giáo vùng cao giúp học sinh dân tộc hiểu rõ chính tả Tiếng Việt

10
 Đưa học sinh vùng cao dân tộc đến trường học đầy đủ đã khó, việc hướng dẫn học sinh phát âm, đọc chuẩn, hiểu rõ được tiếng Việt thì lại càng khó hơn… nhưng nhờ có sáng kiến của cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai, Trường Dân tộc Nôi trú Mèo Vạc, Hà Giang đã giúp học sinh và giáo viên thuận lợi hơn trong việc dạy và học tiếng Việt.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Cô giáo Đặng Thị Hồng Mai trao giải thưởng cho các em học sinh tham gia hội thi nét đẹp dân tộc

Từ việc không thể nghe chuẩn xác

Rời miền quê Sơn Dương, Tuyên Quang lên nhận công tác tại Trường Dân tộc Nôi trú Mèo Vạc, Hà Giang ngay sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, hành trang mang theo của cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai lúc ấy là niềm vui được làm việc tại chính ngôi trường mẹ mình đã từng gắn bó cả cuộc đời dạy học.

Là một cô giáo trẻ, được đào tạo chính quy, rất nhanh chóng cô giáo Mai đã hòa nhập được với công viêc và từng bước khẳng định vị trí của một cô giáo dạy giỏi. Được dạy dỗ và gắn bó với các em học sinh dân tộc thiểu số, cô giáo Mai nhận thấy vấn đề của các em khi tiếp cận với môn Ngữ Văn chính là cách phát âm chưa chuẩn chính tả, nguyên nhân là do ảnh hưởng của cách phát âm tiếng địa phương.

Cô Mai chia sẻ, những ngày đầu dạy các em, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc nghe học sinh nói và đọc các bài viết của học sinh, thậm chí đã có lúc tôi hiểu ngược hoàn toàn ý của các em. Lỗi thường gặp trong phát âm của các em là thiếu hoặc thừa các phụ âm, không chính xác âm thanh từ các từ, phát âm sai các thanh điệu.

Ví dụ, từ “là”các em phát âm thành “làm”, từ “như” phát âm là “nhưng”, từ “qua” phát âm là “quan”, từ “lê” phát âm thành “lên”, từ “kim” phát âm thành “ki”, từ “quyên” phát âm là “quên”, “quyết” phát âm là “quết”, “khuyên” phát âm là “khuên”, “mớ rau” phát âm là “mỡ rau”, “con muỗi” phát âm là “con muối”, “lá chuối” phát âm là “lá chuỗi”, “nước lã” phát âm là “nước lá”…

“Tôi cho rằng nhiệm vụ của mỗi giáo viên dạy môn Ngữ Văn là qua những bài học, tiết học phải dạy được cho học sinh nói chính xác tiếng nói dân tộc Việt, hiểu được các nghĩa của các từ trong tiếng Việt, đồng thời giáo dục được tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh, giáo dục các em ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” – Cô giáo Mai tâm sự.

Đó chính là xuất phát điểm để cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai bắt tay thực hiện sáng kiến kinh nghiệm “Rèn cách phát âm chuẩn chính tả cho học sinh THCS vùng cao qua dạy bộ môn Ngữ Văn”.

Đến 6 khóa học sinh phát âm chuẩn

Đi thẳng vào từng vấn đề hạn chế trong phát âm của học sinh, đề tài của cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai đã có những giải pháp thiết thực và hữu hiệu.

Đối với lỗi phát âm thừa hoặc thiếu các phụ âm, giáo viên phát hiên luôn lỗi và ghi trên bảng, sau đó ghi lại từ đúng để cho học sinh so sánh nghĩa các từ, các em sẽ nhận ra khi phát âm thừa hoặc thiếu các phụ âm thì các từ đó sẽ biến đổi nghĩa.

Đối với việc phát âm thiếu vần “y” trong các từ như: quyên, khuyên, quyết, quyển, chuyện, luyện… Trong quá trình giao tiếp với học sinh, giáo viên sẽ chỉnh ngay bằng việc cho học sinh nhìn vào từ được ghi đúng và phát âm liên tục cho đến khi đúng.

Đối với lỗi nhầm thanh sắc và thanh ngã, giáo viên sẽ đưa ra các mẹo để học sinh có thể dễ dàng chỉnh sửa. Ví dụ, “rau” đi liền với “mớ”, dung để ăn gọi là “muối”, cần phải tiêu diệt tránh gây bệnh tật gọi là “muỗi”, nước chưa đun sôi gọi là “nước lã”…

Trong quá trình cho các em đọc văn bản trên lớp nếu phát hiện lỗi cô giáo sẽ chỉnh sửa ngay cho các em và giải thích nghĩa cặn kẽ của từ các em đọc sai và từ đọc đúng.

Trước thắc mắc “nếu trong một lớp mà có nhiều em cùng phát âm không chuẩn hoặc trong một văn bản có nhiều từ thuộc nhóm phát âm khó với các em thì một tiết học làm sao đảm bảo được về mặt thời gian để uốn nặn như vậy”, cô giáo Mai cho biết: “Tôi và các chị em giáo viên cũng biết điều này nên sau mỗi tiết học đều yêu cầu các em tự sửa cho nhau trong giao tiếp hàng ngày và đưa ra những bài học cụ thể để học sinh tự chỉnh sửa như đọc thuộc lòng chính xác một bài thơ hay đoạn văn, viết một đoạn văn, sau đó sẽ kiểm tra và nhận xét trong giờ phụ đạo”.

Sau 6 năm triển khi trong thực tế giảng dạy, giờ sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai đã trở thành một phần trong mỗi tiết học, bài học của tất cả các cô giáo dạy môn Ngữ Văn ở Trường Dân tộc Nội trú huyện Mèo Vạc.

Cô Mai vui mừng chia sẻ: “Sáng kiến giúp học sinh phát âm chuẩn chính tả không còn là của cá nhân tôi nữa mà từng năm học lại được hoàn thiện thêm nhờ các chị em trong tổ bộ môn. Trong đó có rất nhiều ý tưởng mới hay và thiết thực lắm”.

Chục năm gắn bó với vùng cao Hà Giang, khi được hỏi có muốn chuyển công tác về nơi thuận lợi hơn như về quê ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang chẳng hạn, cô giáo Mai lắc đầu quả quyết: “Không, tôi sẽ mãi chọn nơi này”.

Không chọn sao được khi đã yêu và gắn bó với học sinh qua từng lời ăn tiếng nói mỗi ngày. Cái được lớn nhất trong sáng kiến đầy ân tình của cô giáo Mai đó là đã tạo ra một nền tảng cân bằng cho các em học sinh vùng cao, vùng khó với học sinh vùng thấp, vùng thuận lợi bắt đầu từ việc tưởng chừng rất đơn giản, nói đúng từ và hiểu đúng nghĩa.

Theo Dân trí

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không