Kiến thức Tin tức - Sự kiện Hướng tới đánh giá một cách toàn diện

Hướng tới đánh giá một cách toàn diện

14
Ngày 6/11/2016, Thông tư số 22 sẽ chính thức có hiệu lực thay thế cho Thông tư 30 trong nhận xét, đánh giá HS tiểu học. 

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Sự thay đổi này không chỉ những giáo viên (GV) trực tiếp đứng lớp vô cùng phấn khởi, mà còn được dư luận xã hội đánh giá rất cao bởi nó không chỉ phát huy, kế thừa và cụ thể hóa tinh thần nhân văn của Thông tư 30, mà đang hướng tới sự đổi mới một cách toàn diện mang lại diện mạo mới cho giáo dục
tiểu học.

Đổi mới sát thực tế và mục tiêu đánh giá

Được nhận định là mang theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ, giàu tính nhân văn sẽ áp dụng vào thời điểm giữa học kỳ I của năm học, nên có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, bắt nhịp ngay để không tạo ra bất kỳ sự xáo trộn nào cho học sinh (HS) và GV.

Đặc biệt, Thông tư 22 giúp nhìn nhận HS một cách toàn diện, từ nhiều đối tượng khác nhau; thêm tự chủ, tự tin, sáng tạo khi tham gia các hoạt động tập thể… góp phần tăng niềm tin của xã hội vào những chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục.

Ưu điểm đầu tiên của Thông tư 22 được các cơ sở giáo dục đánh giá rất cao là giúp GV dễ dàng đánh giá hơn. Theo đó, thay vì có hai mức đánh giá “hoàn thành” và “chưa hoàn thành” như Thông tư 30, thì Thông tư 22 có ba mức đánh giá: “Hoàn thành tốt”, “hoàn thành” và “chưa hoàn thành”.

Ba mức này nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của HS, giúp phụ huynh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình. Bên cạnh đó, việc quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất cũng được Thông tư 22 quy định cụ thể thành ba mức: “Tốt”, “đạt”, “cần cố gắng” (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức “đạt” và “chưa đạt”), không chỉ giúp HS nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả GV và HS cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học, mà còn cho phép GV, cán bộ quản lý, cha mẹ HS xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của HS sau một giai đoạn học tập, rèn luyện.

Từ đó, GV, nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ HS khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn.

Một điểm thay đổi quan trọng nữa là nội dung ra đề kiểm tra định kỳ được thêm một mức so với 3 mức trước đây, đặc biệt là cách quy định ra đề gọn với nội hàm rộng và tổng quát hơn, không quá tiểu tiết như Thông tư 30 nên đã phát huy được tính sáng tạo, linh hoạt của người ra đề.

Với cách ra đề này cùng với cách đánh giá về mặt học tập được tăng thêm một mức sẽ phân loại được một cách cụ thể hơn về năng lực, trình độ từng HS và tạo động lực cho các em phấn đấu trong học tập…

Ngoài ra Thông tư quy thêm về các bài kiểm tra định kỳ giữa các kỳ học cho khối 4 và khối 5 đối với hai môn Tiếng Việt và Toán. Điều này không chỉ giúp GV, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của HS với hai môn học này, mà chính HS qua đó cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo…

Chính vì thế, Thông tư 22 không chỉ được những GV trực tiếp đứng lớp phấn khởi đón nhận, mà còn được dư luận xã hội đánh giá rất cao bởi chính sự thay đổi về nội dung lẫn hình thức theo hướng cụ thể, dễ thực hiện và sát với thực tế, mục tiêu đánh giá.

Tạo động lực thi đua và hướng tới chất lượng toàn diện

Có thể nói, sự ra đời của Thông tư 22 trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 đang được xã hội thực sự kỳ vọng sẽ tạo ra khí thế mới cho GV và HS tiểu học. Tuy chưa áp dụng, nhưng một trong những ưu điểm nữa của Thông tư 22 được ví như một luồng gió mới tạo không khí rất phấn khởi cho chính các GV đang trực tiếp đứng lớp đó là khắc phục được những “gánh nặng sổ sách”.

Theo quy định mới, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá HS. GV được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của HS, ghi chép những lưu ý với HS có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Việc thay đổi căn bản này sẽ giúp cho GV thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá HS, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ HS trong quá trình dạy học.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định trách nhiệm chỉ đạo việc ra đề bài kiểm tra định kỳ cho hiệu trưởng, khắc phục được những bất cập trong việc thực hiện trước đây với Thông tư 30.

Ngoài ra, các bổ sung, thay đổi cũng làm rõ hơn quyền, trách nhiệm của GV trong đánh giá HS và tăng trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong tổ chức, triển khai thực hiện đánh giá HS tiểu học.

Đặc biệt là những quy định khen thưởng đối với HS hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện và những HS có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá…

Đây là những quy định mà theo các nhà quản lý chuyên môn ở cơ sở cho rằng: Cách đánh giá này mang tính nhân văn với nhiều ưu điểm sẽ tạo ra nhiều động lực thi đua cả trong dạy và học. Nó vừa cụ thể hơn, vừa giúp cho GV và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng HS mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho HS, phụ huynh và nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.

Tuy nhiên, cách đánh giá mới này đang đòi hỏi ở người dạy, phải gắn kết mọi vấn đề trong quy trình giảng dạy với việc đổi mới đánh giá, mới có thể vận dụng linh hoạt, thể hiện bằng lời nhận xét, chứ không chỉ đơn thuần là đóng những con dấu khuôn mẫu sáo rỗng như thời gian qua một số GV đã có “sáng kiến” làm.

Chính vì thế điều quan trọng là mỗi thầy cô giáo phải dựa vào mục tiêu nội dung bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được của HS với yêu cầu của hoạt động, với chuẩn kiến thức, kỹ năng; xem xét cả đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh… của HS để có nhận xét xác đáng, kịp thời, làm sao khích lệ, tạo hứng thú học tập cho các em.

Để việc thực hiện đánh giá theo phương pháp mới, đòi hỏi ở mỗi thầy cô sự quyết tâm đổi mới ngay từ chính tư duy cũ để bắt nhịp với xu thế mới, gắn đổi mới dạy học với đánh giá thường xuyên bằng nhận xét chính từ cái “tâm”, cái “tầm” của mình, nhằm giúp HS thấy được mặt mạnh, mặt yếu, thấy được những sai sót, hoặc khuyết điểm, nhưng phải trên tinh thần động viên, khích lệ để các em tự phấn đấu vươn lên, hướng tới cái đích cao nhất là đánh giá đúng thực chất giáo dục toàn diện.

Theo Giáo dục và Thời đại

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không