Nói đến “lãnh đạo”, nhiều người thường liên tưởng đến vị trí đứng đầu trong một nhóm người hoặc một tổ chức. Tuy nhiên, bối cảnh ngày nay với nhiều thay đổi mà để tồn tại và phát triển, các tổ chức phải định nghĩa lại “lãnh đạo” theo hướng tập trung nhiều hơn cho việc nâng cao “năng lực lãnh đạo” của cả đội ngũ, thay vì chỉ một vài vị trí như trước đây.
Câu chuyện của Tập đoàn Apple có lẽ là trường hợp kinh điển nhất để nói về sự chuyển dịch trong tư duy về lãnh đạo. Những năm trước đây, mỗi khi Steve Jobs, người đứng đầu Apple, “hắt hơi sổ mũi” là chắc chắn rằng Apple sẽ bị “sốt”, cổ đông xôn xao như ngồi trên đống lửa, giá cổ phiếu thì chao đảo.
Nhiều người còn nhớ các “cú sốc” của cổ phiếu Apple những năm 2008, 2009 khi thông tin không tốt về sức khỏe của Steve Jobs bị rò rỉ ra ngoài. Thế nhưng, mọi sự đã hoàn toàn đổi khác chỉ sau 4 năm!
Tháng 8/2011, Steve Jobs tuyên bố thoái vị, nhường vị trí Tổng giám đốc điều hành cho Tim Cook. Những tưởng sẽ có một cuộc tụt dốc không phanh trong giá cổ phiếu Apple.
Và dường như trù liệu trước viễn cảnh u ám này, Steve Jobs đã chuẩn bị sẵn một kịch bản hoàn hảo cho sự ra đi. Ông không tiếc lời giới thiệu người kế nhiệm mình, Tim Cook, người đã được “thực tập” ba lần với chiếc ghế nóng Tổng giám đốc điều hành khi Jobs phải nghỉ ngơi dưỡng bệnh.
Và điều mà nhiều người sợ hãi, chờ đợi đã không xảy ra. Cổ phiếu Apple chỉ “rung lắc” chút ít và tiếp tục giữ được sự ổn định như chưa hề có sự ra đi “động trời” kia.
Không thể phủ nhận vai trò của “vị trí lãnh đạo” nhưng rõ ràng đã có một sự dịch chuyển: không phải “vị trí lãnh đạo” mà “năng lực lãnh đạo” của cả đội ngũ mới là yếu tố quyết định tới vận mệnh của doanh nghiệp.
Những quan điểm quản trị tiến bộ trên thế giới cũng khẳng định rằng việc đầu tư xây dựng năng lực lãnh đạo của cả đội ngũ (leadership) ngày càng là yếu tố quan trọng để làm nên sức mạnh và uy danh của một công ty.
Chẳng hạn, theo Bảng xếp hạng Những công ty dẫn đầu thế giới về năng lực lãnh đạo được Hay Group công bố hàng năm, những công ty đứng đầu danh sách này như GE, Procter & Gamble, Intel… không phải được lựa chọn bởi doanh thu, lãnh đạo giỏi, vốn hóa lớn… mà nằm ở khả năng tạo dựng năng lực lãnh đạo cho nhân viên.
Cụ thể là nhân viên ở tất cả các cấp của những tập đoàn danh tiếng này đều được tổ chức trao cho những cơ hội cần thiết để phát triển và thực hành kỹ năng lãnh đạo, dẫn dắt của mình.
Bên cạnh đó, “vị trí lãnh đạo” và “năng lực lãnh đạo” có thể không đồng thời tồn tại (có những người đứng ở vị trí lãnh đạo nhưng chưa chắc đã có năng lực lãnh đạo, hay nói cách khác là, năng lực lãnh đạo của một cá nhân không phụ thuộc vào vị trí hay quyền lực mà cá nhân đó nắm giữ).
Như bản báo cáo của của Hay Group đã đúc kết: “Khái niệm lãnh đạo trong thế kỷ XXI cần được hiểu là mọi cấp bậc đều có thể lãnh đạo, chứ không phụ thuộc vào chức vị. Khi cấu trúc các tổ chức ngày càng trở nên phẳng và ít cấp bậc hơn, các nhà lãnh đạo cần hiểu rằng họ phải bỏ cái tôi của mình lại ngoài cửa”.
Và năng lực lãnh đạo hoàn toàn có thể được “nâng cao”, “phát triển” hay “mài giũa” thêm trên nền tảng những tiềm năng, những trải nghiệm mà một nhà quản lý tích lũy được từ chính kinh nghiệm sống và làm việc của mình“.
Theo Saga
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông