Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng báo cáo tài chính kiểm toán đó là mức phí mà các công ty kiểm toán (CTKT) ký với DN. Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt cũng như đơn vị được kiểm toán chưa thực sự ý thức hết vai trò quan trọng của hoạt động này khiến giá trị hợp đồng kiểm toán thường thấp hơn nhiều so với yêu cầu đặt ra.
Phí thấp
Một trong những bất cập được nêu ra trong báo cáo tổng kết sau đợt kiểm tra định kỳ năm 2008 tại một số công ty kiểm toán được Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đưa ra đó là tình trạng hạ phí kiểm toán. Theo VACPA, với mức phí bình quân 30 – 40 triệu đồng/hợp đồng kiểm toán và doanh số bình quân dưới 150 triệu đồng/người/năm tại một số CTKT như vừa qua là thấp. Điều này dẫn đến việc các CTKT khó có thể đáp ứng đầy đủ tất cả các qui trình của kiểm toán theo qui định, làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán.
Trao đổi với ĐTCK, Giám đốc một CTKT có uy tín tại Hà Nội cho biết, với một DN sản xuất có vốn điều lệ trên 40 tỷ đồng thì phí kiểm toán thấp nhất cũng phải vài trăm triệu đồng. Nếu không thu với mức phí như vậy thì sẽ không đảm bảo được đầy đủ qui trình kiểm toán, đặc biệt là soát xét qua 3 cấp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có CTKT sẵn sàng hạ phí để có được hợp đồng và bỏ qua một số qui trình.
Vẫn theo vị Giám đốc trên, việc hạ phí hiện nay không chỉ ở các công ty mới thành lập, mà ở cả các DN nước ngoài. Điều này là do quan điểm, chiến lược của mỗi DN. Với các CTKT nhỏ trong nước, mới thành lập, hạ phí là do nhu cầu tồn tại trước mắt (có hợp đồng để có công ăn việc làm). Với các DN nước ngoài lớn, họ muốn tận dụng lợi thế hiện tại để tranh thủ chiếm lĩnh thị trường trước khi thị trường dịch vụ tài chính (trong đó có kế toán, kiểm toán) mở cửa hoàn toàn theo lộ trình mà Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO. Khách quan nhìn nhận, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các CTKT cũng phải linh hoạt, tiết kiệm chi phí của mình nhằm chia sẻ khó khăn với DN được kiểm toán. Tuy nhiên mức phí có hạ xuống cũng phải đảm bảo tối thiểu để thực hiện đầy đủ các qui trình kiểm toán, đảm bảo chất lượng kiểm toán, đồng thời DN phải đồng ý tuân thủ đầy đủ các qui định về kiểm toán để đảm bảo tính trung thực, khách quan của báo cáo tài chính được đưa ra.
Không dễ tăng
Việc hạ phí rõ ràng có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng báo cáo tài chính kiểm toán. Tuy nhiên, việc tăng phí cũng không dễ dàng chút nào, vì nhiều nguyên nhân. Ngoài việc cạnh tranh khốc liệt như đã nêu trên, còn do tâm lý phổ biến tại không ít DN hiện nay, đó là công bố báo cáo tài chính kiểm toán chủ yếu do qui định, chứ không phải do nhu cầu tự thân. Do đó, các DN được kiểm toán quan tâm đến mức phí nhiều hơn là chất lượng mà các CTKT đưa ra.
Trao đổi với ĐTCK Ông Trần Đình Cường – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch VACPA cho rằng, do qui mô vốn của các DN là rất khác nhau, thậm chí lên đến hàng trăm lần, nên khó có thể đưa ra mức trần, mức sàn phí kiểm toán để các CTKT áp dụng. Theo Ông Cường, quan trọng nhất là vấn đề đạo đức và quản lý nghề nghiệp tại các CTKT, bởi đây là điểm mấu chốt cho sự phát triển bền vững của mỗi công ty. Nếu việc hạ phí vẫn đảm bảo chất lượng kiểm toán thì rất tốt, nhưng nếu tăng phí mà không đáp ứng được yêu cầu thì cũng phản tác dụng.
Hiện Bộ Tài chính không qui định mức sàn phí kiểm toán, nhưng các CTKT trong VACPA cũng không thể thống nhất ra văn bản qui định về mức phí do e ngại vi phạm Luật Cạnh tranh (câu chuyện đã từng gây tranh cãi tại Hiệp Hội kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trong năm 2008). Theo tìm hiểu của ĐTCK, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đang soạn thảo Luật Kiểm toán độc lập và vấn đề phí sẽ được đưa vào luật này. Hy vọng sau khi có Luật, cùng với nhiều vấn đề khác được giải quyết, mức phí kiểm toán sẽ được qui định chặt chẽ, hợp lý, góp phần lành mạnh hoá hoạt động kiểm toán vốn có vị trí rất quan trọng đối với TTCK./.
Theo ĐTCK
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông