Hoạt động mua – bán DN (M&A) được các chuyên gia tài chính đánh giá là sẽ trở lên sôi động khi xảy ra những biến cố tài chính. Một trong những dịch vụ không thể thiếu đi cùng hoạt động M&A là định giá DN. Dịch vụ này chưa thực sự phát triển ở Việt Nam mặc dù xuất hiện khá lâu. Một trong nhiều nguyên nhân của tình trạng trên là chất lượng dịch vụ thấp và về phía khách hàng nhiều khi chưa sử dụng nó như một công cụ chuyên nghiệp.
Nhu cầu lớn
Định giá là nhân tố then chốt trong việc xác định giá giao dịch khi quyết định đầu tư hay mua – bán một công ty. Nó giúp xác định một cổ phần hay một tài sản đang được giao dịch trên hay dưới giá trị khi ra quyết định đầu tư. Để ra được một kết quả định giá tương đối chính xác là điều không đơn giản, bởi việc định giá phải trải qua rất nhiều công đoạn, với nhiều tài sản hữu hình và vô hình của mỗi DN.
Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư tài chính Việt Nam (Tiger Invest) cho biết, để thực hiện thương vụ mua – bán công ty, DN phải luiưạ chọn các công ty định giá. Chẳng hạn nếu DN mua – bán liên quan đến bất động sản thì sẽ lựa chọn DN định giá bất động sản, liên quan đến xác định giá trị DN thì sẽ lựa chọn công ty kiểm toán hoặc kế toán để định giá. Trên thị trường hiện nay có nhiều công ty định giá; tuy nhiên, số công ty chất lượng tốt không thực sự nhiều.
Định giá là một phần quan trọng trong quá trình mua – bán DN, giá trị DN thay đổi theo từng thời điểm, cũng như phụ thuộc vào diễn biến thị trường và tâm lý người mua, kẻ bán. Vì thế, quyết định thành bại của một thương vụ mua – bán DN còn nằm ở ý chí của cả hai bên trong quá trình đàm phán. Hiện nay có khoảng 700 DN được rao bán qua Tiger Invest, tập trung vào các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, thực phẩm, bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khách sạn, du lịch, dự án resort, công ty tài chính, chứng khoán… Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, tín dụng thắt chặt do lạm phát, số vụ mua – bán thành công không nhiều. trong những năm tới, hoạt động mua – bán, sáp nhập DN bùng nổ kéo theo nhu cầu gia tăng của hoạt động định giá.
Các chuyên gia của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho rằng, trong vòng 6, 12 và 24 tháng tới xu hướng nổi bật sẽ là sự suy giảm về giá trị của các khoản đầu tư chứng khoán; Các quĩ đầu tư cũng rất khoá khăn trong việc tiếp cận vốn. Cùng với đó là việc giảm thiểu đáng kể nguồn vốn tài trợ đầu tư ngắn hạn, tài trợ vốn lưu động và tài trợ vốn mở rộng kinh doanh. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ các điều khoản vay nợ, phá sản. Những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng khả năng đánh giá chính xác giá trị các tài sản trực thuộc của DN.
Định giá cần có chiều sâu
Là một trong những DN được Bộ Tài chính cấp phép thẩm định giá, từ đầu năm đến nay, Ernst & Young Việt Nam đã thực hiện 7 hợp đồng định giá. Theo nguồn tin từ công ty này, phần lớn hợp đồng định giá trên nhằm mục đích mua – bán toàn bộ hoặc một phần DN. So với năm ngoài thì số hợp đồng năm nay ít hơn, lý do là năm nay có những biến động tài chính khiến giá trị DN sụt giảm mạnh. về phía người bán cũng đợi thị trường lên cho đỡ mất giá, người mua lại chờ giá xuống để mua rẻ hơn. Có một nguyên nhân nữa là nguồn tiền khan hiếm, nên mặc dù thấy DN có tiềm năng, giá hợp lý nhưng muốn mua cũng không đủ nguồn tài chính để thực hiện.
Giám đốc dịch vụ tư vấn giao dịch tài chính Ernst & Young Việt Nam cho biết, tiềm năng của dịch vụ định giá tại Việt Nam là rất lớn. Các văn bản pháp lý liên quan đến định giá tương đối đầy đủ và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, mức độ chuyên nghiệp trong hoạt động này vẫn chưa cao.
Theo đại diện của Công ty CP Thẩm định giá Thương Tín, từ đầu năm đến nay, Công ty đã ký được khá nhiều hợp đồng định giá, không đơn thuần là xác định giá trị DN phục vụ cho việc mua – bán DN thuần tuý mà còn nhằm mục đích liên danh, góp vốn, cổ phần hoá, xác định một phần DN hay xác định giá trị bất động sản. Hiện DN này có 40 nhân viên hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên, không phải nhân viên nào cũng được cấp thẻ thẩm định viên về giá. Tình hình chung hiện nay của các công ty định giá là nhân lực thì không thiếu, nhưng để có nguồn lực chất lượng cao lại không hề dễ dàng.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến nay cả nước có 56 công ty được cấp phép tư vấn thẩm định giá, trong đó phần lớn là các công ty kế toán, kiểm toán, chứng khoán, ngân hàng. Số lượng các DN làm dịch vụ này một cách chuyên biệt không nhiều. Để được cấp phép hoạt động thẩm định giá, các DN phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Theo qui định tại Quyết định 100/2007/QĐ-BTC, để được chấp thuận các tổ chức phải có qui trình nghiệp vụ xác định giá trị DN phù hợp với các qui định hiện hành của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm về một trong các lĩnh vực: thẩm định giá, kiểm toán, kế toán, tư vấn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp. Trong thời gian 2 năm gần nhất với thời điểm nộp hồ sơ xin thực hiện dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp, mỗi năm phải thực hiện ít nhất 10 hợp đồng cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực nói trên.
Định kỳ 6 tháng và 1 năm, các tổ chức tư vấn định giá phải báo cáo Bộ Tài chính bằng văn bản chậm nhất 15 ngày sau khi kết thúc kỳ và kết thúc năm. Việc báo cáo nhằm giúp cơ quan này nắm được tình hình thực hiện cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp; kết quả thực hiện dịch vụ, chất lượng đội ngũ cán bộ, kiến nghị với các cơ quan quản lý về các vấn đề vướng mắc. Ngoài ra, các DN còn phải báo cáo một số chỉ tiêu tài chính như: vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu ( trong đó chi tiết doanh thu của các hoạt động dịch vụ đã cung cấp), lợi nhuận sau thuế, thuyết minh tình hình tài chính.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết các công ty thẩm định giá trong nước đều chưa đạt chaủan quốc tế, phần lớn là áp dụng công thức lấy nguyên giá trừ đi khấu hao sẽ ra giá trị còn lại trong việc thẩm định giá tài sản hữu hình (nhà xưởng, máy móc, thiết bị… Đó là chưa kể đến việc định giá tài sản vô hình (phát minh, sáng kiến, thương hiệu, vị trí địa lý…) vốn phức tạp, đòi hỏi trình độ cao cũng như kiến thức chuyên sâu. Việc thẩm định giá của các công ty này hầu như chỉ mang tính tương đối, chưa phản ánh đúng giá trị DN, bởi vẫn chưa có các chuẩn mực đánh giá tài sản vô hình như thương hiệu, chiến lược kinh doanh mang tính quốc tế. Nếu định giá những trường hợp khó như trên, khách hàng thường tìm đến các DN định giá nước ngoài.
Theo ĐTCK
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông