Kiến thức Tài chính kế toán Doanh nghiệp nhà nước đang kiểm toán thuế như thế nào?

Doanh nghiệp nhà nước đang kiểm toán thuế như thế nào?

2001

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamHoạt động kiểm toán ra đời đáp ứng với yêu cầu đổi mới theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Được thành lập từ năm 1994 đến nay, trải qua hơn 16 năm hình thành và phát triển, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có bước phát triển lớn mạnh, nhất là từ khi Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2006. Đặc biệt nhờ có hành lang pháp lý đó mà phạm vi kiểm toán ngày càng mở rộng. Kết quả kiểm toán được ghi nhận trong những năm qua không chỉ là con số tăng thu, tiết kiệm chi hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, mà có ý nghĩa hơn là thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN đã giúp cho các đơn vị được kiểm toán ngăn ngừa những tiêu cực, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản; hoàn thiện hơn công tác quản lý, đảm bảo sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp những thông tin toàn diện, xác thực về tình hình quản lý tài chính và điều hành ngân sách của các cấp, các bộ ngành, các doanh nghiệp… cùng nhiều kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng góp phần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước hướng tới mục tiêu minh bạch hoá nền tài chính quốc gia.

Kiểm toán Nhà nước có chức năng thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước. Khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính đối với các doanh nghiệp Nhà nước, Đoàn kiểm toán sẽ kiểm toán các chỉ tiêu như: Tài sản cố định và đầu tư dài hạn; tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn; nợ phải trả; vốn chủ sở hữu; các khoản doanh thu, chi phí kinh doanh, thu nhập khác và chi phí khác; thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước; kết quả và phân chia kết quả hoạt động kinh doanh, trong đó thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI là đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, có chức năng giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước của doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập và các doanh nghiệp Nhà nước do các bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương là đại diện vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp. Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI được thực hiện trên cơ sở Quy trình kiểm toán doanh nghiệp Nhà nước quy định trình tự, nội dung, thủ tục tiến hành các công việc của cuộc kiểm toán doanh nghiệp Nhà nước.

Kiểm toán thuế là một trong những nội dung cơ bản không thể thiếu của mỗi cuộc kiểm toán. Khi thực hiện kiểm toán đối với nội dung thuế và các khoản nộp Nhà nước, các loại thuế thường được kiểm tra như: Thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất, nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế môn bài; thuế đất và tiền thuê đất…

Mục đích của việc kiểm toán nhằm: Xác định tính đầy đủ, tính hiện hữu, tính chính xác đối với thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của các doanh nghiệp Nhà nước, để xác định nghĩa vụ thuế có được ghi chép một cách đầy đủ, chính xác hay không? Trước tiên, các thủ tục kiểm toán dựa vào việc đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ xem đơn vị thực hiện nghĩa vụ thuế theo văn bản pháp quy nào? Trình tự kê khai và nộp thuế của đơn vị thực hiện có đúng không, kỳ kê khai thuế có đúng theo quy định không?…

Qua thực hiện kiểm toán về thuế, thực trạng công tác kiểm toán thuế tại các DNNN có một số hình thức sai sót và vi phạm pháp luật về thuế như sau:

1. Sai sót và vi phạm về thuế do chính sách thuế quy định còn chưa cụ thể

* Trường hợp 1: Kiểm toán thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Kiểm toán báo cáo tài chính năm X của một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, Đoàn kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước CN VI phát hiện việc xác định thuế tài nguyên khai thác khoáng sản chưa thực hiện theo đúng quy định của Luật thuế tài nguyên và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo quy định tại mục II, phần II Thông tư số 42/2007/TT-BTC ngày 27/4/2008 của Bộ Tài chính thì giá tính tài nguyên là giá bán của một đơn vị tài nguyên tại nơi khai thác, đảm bảo nguyên tắc giá thị trường. Tuy nhiên, thực tế các đơn vị trực tiếp khai thác khoáng sản tại các Tổng Công ty, Tập đoàn đã kê khai và nộp thuế tài nguyên trên cơ sở giá bán khoáng sản theo giá nội bộ do Tập đoàn quy định (xác định bằng tổng chi phí khai thác, sản xuất kinh doanh hợp lý + 3% lợi nhuận tính trên tổng chi phí) – chi phí ở khâu phân loại, chọn lọc sản phẩm.

Như vậy, việc xác định giá bán nội bộ như vậy giữa các đơn vị trong Tập đoàn không đảm bảo nguyên tắc giá thị trường.

Qua kiểm toán, Đoàn kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước CN VI đã xác định số thuế tài nguyên than khai thác phải nộp thêm hàng chục tỷ đồng do xác định lại giá tính thuế tài nguyên đảm bảo nguyên tắc giá thị trường.

Thông tư số 42/2007/TT-BTC quy định việc xác định giá tính thuế tài nguyên đảm bảo nguyên tắc giá thị trường là phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc khai thác tài nguyên được tổ chức theo mô hình Tập đoàn thì quy định giá tính thuế tài nguyên như trên còn chưa cụ thể. Đoàn kiểm toán đã kiến nghị với Bộ Tài chính hướng dẫn các Tập đoàn phương pháp tính thuế tài nguyên để Tập đoàn thực hiện tốt việc kê khai và nộp đầy đủ thuế tài nguyên vào Ngân sách Nhà nước.

* Trường hợp 2: Kiểm toán đối với thuế tài nguyên là nước thiên nhiên: Qua kiểm toán một số Tập đoàn kinh tế còn có tình trạng các doanh nghiệp sử dụng nước thiên nhiên (như nước sông, suối) dùng cho sản xuất, kinh doanh nhưng chưa thực hiện việc đăng ký, kê khai, hạch toán, nộp và quyết toán thuế tài nguyên đối với loại tài nguyên này. Ngoài ra, một số địa phương còn chưa có quy định về giá tính thuế tài nguyên.

2. Sai sót và vi phạm về thuế do việc hướng dẫn thực hiện chính sách thuế của cơ quan Nhà nước còn chưa thống nhất cho các doanh nghiệp khác nhau.

Qua kiểm toán tại một số Tập đoàn cho thấy, một số doanh nghiệp có sai sót vi phạm như: Chưa hạch toán, kê khai và nộp thuế GTGT và thuế TNDN đối với nhà thầu nước ngoài thực hiện tại Việt Nam của hoạt động cung cấp máy móc, thiết bị kèm theo dịch vụ phát sinh tại Việt Nam.
Đoàn kiểm toán đã xác định số thuế GTGT và TNDN trên giá trị máy móc thiết bị nêu trên. Sau đó, Bộ Tài chính có văn bản trả lời về trường hợp đặc thù của nhà thầu trên cơ sở khuyến khích đầu tư nước ngoài nên đề nghị không thu thuế GTGT và thuế TNDN đối với nhà thầu nước ngoài của hoạt động cung cấp máy móc, thiết bị kèm theo dịch vụ phát sinh tại Việt Nam nêu trên. Như vậy, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách thuế nhà thầu nước ngoài đối với hoạt động cung cấp máy móc, thiết bị kèm theo dịch vụ phát sinh tại Việt Nam chưa rõ ràng, nhất quán.

3. Sai sót và vi phạm về thuế do doanh nghiệp thực hiện chính sách thuế chưa đúng

3.1. Các hình thức sai sót và vi phạm về thuế GTGT

3.1.1. Về thuế GTGT đầu ra
Khi kiểm toán nội dung thuế GTGT phải nộp các sai sót và vi phạm về thuế tại các DNNN thường gặp như: các doanh nghiệp xác định thuế GTGT đầu ra chưa đúng thuế suất quy định, số liệu đối chiếu giữa sổ cái với các tờ kê khai thuế chi tiết hàng tháng chưa khớp đúng, chưa ghi nhận doanh thu nhưng đã kê khai thuế GTGT phải nộp, chưa điều chỉnh giảm thuế GTGT phải nộp tương ứng với các khoản giảm trừ doanh thu theo từng loại thuế suất.

3.1.2. Về thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Đối với khoản thuế GTGT đầu vào được khấu trừ một số vi phạm thường gặp như: phần lớn các Văn phòng Tổng công ty, Tập đoàn không trực tiếp hoạt động kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT và sẽ không được khấu trừ hay hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động của các đơn vị này nhưng một số đơn vị vẫn kê khai, khấu trừ thuế; các doanh nghiệp hạch toán thuế GTGT đầu vào được khấu trừ vào chi phí SXKD; khấu trừ thuế GTGT đầu vào của những hóa đơn mua hàng hoá, dịch vụ mua vào từng lần của hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT nhưng thanh toán bằng tiền mặt (theo quy định phải thanh toán qua ngân hàng). Một số doanh nghiệp không thực hiện kê khai, điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hoá, dịch vụ mua trên 20 triệu đồng khi đến thời hạn thanh toán ghi theo hợp đồng mà không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Ngoài ra, còn có trường hợp các doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với những khoản chi từ quỹ khen thưởng, phúc lợi, thu hộ, chi hộ; xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ không theo tỷ lệ doanh thu chịu thuế trên tổng doanh thu trong trường hợp đơn vị không hạch toán riêng thuế GTGT được khấu trừ; thực hiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn) tương ứng với trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng; một số hoá đơn doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào nhưng không đủ điều kiện khấu trừ theo quy định như: ghi thiếu các chỉ tiêu trên hóa đơn, kê khai khấu trừ quá thời hạn quy định.

Qua kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008, 2009 tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đối với khoản thuế này, xác định số thuế GTGT phải nộp thêm 104.174 triệu đồng, trong đó: Chủ yếu do xác định doanh thu tăng thêm 94.255 triệu đồng, do khấu trừ thuế GTGT đầu vào không đủ điều kiện 2.554 triệu đồng.

3.2. Các hình thức sai sót và vi phạm về thuế tiêu thụ đặc biệt

Trong kiểm toán nội dung thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) các vi phạm thường gặp là: một số doanh nghiệp có hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB theo khai báo, nhưng thực tế nhập khẩu nhiều hơn so với khai báo mà không điều chỉnh thuế phải nộp tăng thêm. Hoặc hàng nhập khẩu trong quá trình nhập khẩu bị hư hỏng, mất có lý do xác đáng, đã nộp thuế TTĐB nhưng chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền đã giảm số thuế phải nộp. Doanh nghiệp thuộc diện tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu theo giấy phép tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu, nhưng quá thời gian quy định vẫn chưa tạm nhập, tái xuất hàng đã xuất bán trong nước nhưng không xác định số thuế TTĐB phải nộp. Có trường hợp doanh nghiệp có hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước, cơ sở kinh doanh xuất khẩu không kê khai, nộp thuế TTĐB đối với các hàng hoá này khi tiêu thụ (bán) trong nước. Doanh nghiệp có hàng hoá mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm ở nước ngoài trong quá trình bán hàng tại nước ngoài không có bảng kê hàng bán tại hội chợ triển lãm, thiếu chứng từ thanh toán tiền đối với hàng hoá bán tại hội chợ triển lãm, không chứng minh được hàng hoá mang ra hội chợ đã bán hết.

3.3. Các hình thức sai sót và vi phạm về thuế xuất khẩu, nhập khẩu

Kiểm toán nội dung thuế xuất khẩu, nhập khẩu (XNK), các sai sót về thuế như sau: Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, số lượng hàng nhập khẩu nhiều hơn số l­ượng nguyên vật liệu dùng cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng doanh nghiệp chưa xác định thuế XNK phải nộp cho số lượng nguyên liệu không dùng cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Hàng hoá tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định nhưng hết thời hạn hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm hoặc kết thúc công việc theo quy định của pháp luật không nhập khẩu trở lại Việt Nam, đối với hàng hoá tạm nhập không tái xuất ra nước ngoài. Khi xuất trả lại hàng gia công cho phía nước ngoài lượng hàng xuất lại ít hơn lượng hàng nhập khẩu để gia công nhưng đơn vị không xác định thuế nhập khẩu phải nộp tương ứng số lượng hàng chưa xuất.
Một số doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm số thuế nhập khẩu phải nộp hoặc xác định được hoàn thuế khi chưa có công văn chấp thuận hoàn thuế nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền, phiếu thu hoặc giấy báo có số tiền thuế hoàn lại. Có doanh nghiệp hàng hoá đơn vị xác định là hàng hoá xuất khẩu nhưng chưa thực tế xuất khẩu hoặc giá tính thuế XNK tính không phù hợp với giá trị hàng hóa, dịch vụ như: quy đổi sai tỷ giá ngoại tệ; tính thiếu chi phí liên quan đến việc vận chuyển hàng đến cửa khẩu xuất… Kê khai tên hàng hóa không thuộc danh mục là hàng miễn thuế XNK vào danh mục hàng miễn thuế XNK để được miễn thuế.

3.4. Các hình thức sai sót và vi phạm về thuế thu nhập doanh nghiệp
Kiểm toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một trong những nội dung cơ bản nhất trong kiểm toán về chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp NSNN. Các sai sót thường gặp như: Một số doanh nghiệp số liệu giữa sổ chi tiết thuế với chứng từ trả tiền thuế và biên lai nộp thuế của cơ quan thuế chưa khớp đúng. Hoặc có sai sót trong việc xác định chi phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế TNDN như hạch toán vào chi phí SXKD các khoản: chi phí nguyên vật liệu vượt định mức, nộp thuế TNCN; khấu hao của những tài sản cố định không tham gia vào quá trình SXKD; các khoản chi không liên quan đến SXKD hoặc không có chứng từ hợp lệ …Một số doanh nghiệp xác định chưa đúng mức thuế suất thuế TNDN được ưu đãi hoặc không đáp ứng đủ một trong các điều kiện ưu đãi thuế TNDN theo quy định nhưng vẫn được hưởng ưu đãi thuế; xác định miễn giảm thuế TNDN không loại trừ các khoản thu nhập không thuộc diện được miễn giảm như thu nhập hoạt động tài chính và thu nhập khác. Ngoài ra, còn có trường hợp như doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng cổ phần và chuyển nhượng bất động sản nhưng không kê khai nộp thuế, hạch toán thiếu, chưa đúng kỳ doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chi hết tiền lương đến thời điểm nộp quyết toán thuế TNDN (31/3 năm sau) nhưng doanh nghiệp không xác định tăng thu nhập chịu thuế TNDN…

Qua kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008, 2009 của một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đối với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, xác định số thuế TNDN tăng thêm do doanh thu, chi phí thay đổi 289.079 triệu đồng, do xác định sai thu nhập chịu thuế 89.572 triệu đồng…
3.6. Các hình thức sai sót và vi phạm về thuế đối với nhà thầu nước ngoài
Theo quy định của Luật thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì doanh nghiệp Việt Nam (bên Việt Nam) có ký hợp đồng với các tổ chức nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam mà không thực hiện theo chế độ kế toán Việt Nam, khi có thu nhập phát sinh tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, qua kiểm toán thực tế còn nhiều doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế đối với nhà thầu nước ngoài.

4. Một số kiến nghị

Qua thực trạng về công tác kiểm toán thuế tại các DNNN trong những năm vừa qua, theo chúng tôi để ngăn ngừa những sai phạm trong việc kê khai, xác định đúng, đủ các khoản thuế phải nộp ngân sách Nhà nước và trên hết là để đảm bảo lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia trước hết chúng ta phải:

– Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ, ngành:

+ Việc ban hành các văn bản dưới Luật như Nghị định,Thông tư hướng dẫn thi hành các Luật thuế cần phải được thực hiện một cách nhất quán, các văn bản hướng dẫn phải cụ thể, dễ hiểu tránh trường hợp mỗi doanh nghiệp hiểu một cách dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.

+ Tập hợp ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuế các cấp để tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật cho phù hợp.

+ Hạn chế dẫn đến chấm dứt tình trạng ra những văn bản cá biệt chứa đựng những nội dung không phù hợp với các văn bản có hiệu lực pháp luật cao hơn.

– Đối với các doanh nghiệp: thường xuyên tổ chức các chương trình hội nghị với các nhà quản lý và chuyên gia về thuế để giới thiệu những quy định về thuế giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận đầy đủ, kịp thời, rõ ràng các quy định về các chính sách thuế của Nhà nước.

Kiện toàn bộ máy kế toán của doanh nghiệp để hoạt động tài chính kế toán của doanh nghiệp đi vào nền nếp./.

Theo Khoa học Kiểm toán

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không