Kiến thức Tài chính kế toán Ý kiến trái chiều về việc mua nợ xấu

Ý kiến trái chiều về việc mua nợ xấu

79
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamĐang có những hoài nghi về giải pháp “nhấc” nợ xấu ra khỏi đường ray để khơi thông tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tăng trưởng tín dụng 5 tháng âm 0,76%

Lãi suất đã hạ rất nhanh trong vòng vài tháng qua, song tín dụng vẫn “tắc” là do nợ xấu. Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay: “Trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng vẫn tăng trưởng âm 0,76%. Khả năng tăng trưởng tín dụng trong tháng 6/2012 cũng không nhiều. Một loạt chính sách vừa được Chính phủ ban hành đem lại hy vọng tạo luồng sinh khí mới, giúp tăng tổng cầu. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng sẽ tập trung vào 6 tháng, thậm chí chỉ là 5 tháng cuối năm. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17% trong năm nay chắc chắn không thể thực hiện được”.
Trong khi đó, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Eximbank lại thông tin, hết tháng 5/2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống là 0,2%. 
Hiện con số tăng trưởng tín dụng chính thức 5 tháng đầu năm chưa được NHNN công bố, song tăng trưởng tín dụng bị tắc nghẽn không chỉ khiến doanh nghiệp phá sản, mà còn khiến ngân hàng lo lắng. Lợi nhuận của ngân hàng hiện nay vẫn trông chờ chủ yếu vào tín dụng, nửa năm đã trôi qua, nhưng hạn mức tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn còn nguyên. Đây là lý do khiến tăng trưởng tín dụng trở thành vấn đề nóng trong cuộc họp giữa 14 ngân hàng (G14) với NHNN cuối tháng qua.

Phải thận trọng

Đã có hàng loạt giải pháp được đưa ra trong cuộc họp G14 như: tiếp tục hạ lãi suất huy động và cho vay, NHNN đứng ra tái cấp vốn để cho vay tam nông và những lĩnh vực ưu tiên, giảm lãi suất với hợp đồng vay cũ, thành lập Công ty Mua bán nợ xấu ngân hàng, thành lập quỹ hỗ trợ cho vay mua nhà thu nhập thấp… Trong đó, giải pháp thành lập Công ty Mua bán nợ xấu ngân hàng được đặc biệt chú ý.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một Phó thống đốc NHNN ví von, tăng trưởng tín dụng hiện nay giống cảnh tắc đường do hai ô tô húc nhau, muốn thông đường, phải dùng trực thăng để nhấc hai ô tô đó ra. Để tăng tín dụng, phải nhặt riêng nợ xấu vào một chỗ. Được biết, quy mô của Công ty Mua bán nợ xấu ngân hàng ước khoảng 100.000 tỷ đồng. Có thể, cơ chế mua lại nợ xấu của công ty này sẽ thoáng hơn cơ chế hoạt động của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (Bộ Tài chính), đối tượng được mua nợ cũng rộng hơn và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. 
Tán thành việc Nhà nước đứng ra mua, bán nợ xấu, song TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, cần phải làm thận trọng trên cơ sở đánh giá rủi ro của từng khoản nợ xấu, tránh tổn thất. Dĩ nhiên, việc NHNN đứng ra mua, bán nợ xấu là cần thiết vì NHNN có nhiều công cụ để xử lý. Hiện nay, nhiều ngân hàng đều thành lập các công ty mua, bán nợ, nhưng các công ty này không có đủ công cụ, năng lực thẩm định và xử lý các khoản nợ xấu của nhau. 
Tuy nhiên, theo TS. Vũ Viết Ngoạn, không nên quá kỳ vọng vào công ty mua, bán nợ xấu của NHNN. “Việc thành lập công ty này cũng có thể góp phần giúp tăng trưởng tín dụng, bởi giải quyết nợ xấu sẽ làm sạch bảng tổng kết tài sản của ngân hàng và của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn, ngân hàng cũng có điều kiện cho vay. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những biện pháp xử lý nợ xấu, chứ không thể giải quyết nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng”, ông Ngoạn nói và cho biết, ở một số nước, người ta áp dụng các biện pháp mạnh, Chính phủ đứng ra mua lại nợ xấu, chỉ trong vòng mấy tháng là xử lý xong nợ xấu, tái cơ cấu xong hệ thống ngân hàng. Còn ở Việt Nam, chúng ta không có đủ nguồn lực nên sẽ có cách làm riêng, trong đó mua bán nợ xấu chỉ là một trong những giải pháp. 
Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC cho rằng, các công ty mua, bán nợ xấu của Chính phủ chỉ hoạt động hiệu quả nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Chính phủ phải cấp vốn và luôn đảm bảo sự hỗ trợ sẵn sàng cho công ty mua bán nợ; thị trường vốn phải được hoạt động tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xác định giá trị thị trường của các khoản nợ và bán nợ; phải đảm bảo nợ xấu có thể thanh lý được; các công ty mua bán nợ cần thường xuyên báo cáo hiệu quả hoạt động, minh bạch kết quả hoạt động… 
Cũng liên quan đến tăng trưởng tín dụng, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, không nên thả lỏng điều kiện vay hay ép tín dụng tăng những tháng cuối năm cho đạt mục tiêu. Theo ông Vũ Viết Ngoạn, tín dụng mỗi tháng chỉ tăng 1,5-1,8% là phù hợp, tương đương với tăng trưởng tín dụng năm nay. Nếu tăng trưởng tín dụng vượt quá 2%/tháng, thì nguy cơ lạm phát tái bùng nổ vào năm sau là rất lớn.

Theo Báo đầu tư

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không